Những chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, vì hiện nay mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thấp so với giá cả và chi phí.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Bình Thuận như sau:
Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2015-2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi (được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm) theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ với kết quả đạt trên 117.000 hộ.
Tuy nhiên, do giá cả và chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng ngày càng tăng so với trước đây, dẫn đến chi phí làm nhà lớn, thường xuyên vượt quá khả năng chi trả của người dân nghèo dù được Nhà nước hỗ trợ.
Để giải quyết thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, định mức vốn để hỗ trợ cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở 95 triệu đồng/hộ (trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 40 triệu đồng; vốn từ ngân sách địa phương tối thiểu là 4 triệu đồng; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm, trong thời gian 15 năm, thời gian ân hạn gốc là 5 năm; vốn từ gia đình, dòng họ và cộng đồng tối thiểu là 11 triệu đồng/hộ) để có thể xây dựng được một căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).
Ngoài ra, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, theo đó Dự án 5: "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo" thuộc chương trình có nội dung hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Định mức hỗ trợ: Nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương.
Bên cạnh đó, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản số 8993/VPCP-CN ngày 9/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về tổng kết chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 theo hướng:
(i) Có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương; (ii) tăng mức vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở; đồng thời đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ với nguồn vốn từ Quỹ "Vì người nghèo" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý.
Hiện dự thảo Quyết định đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương tại Văn bản số 607/BXD-QLN ngày 1/3/2022 và Văn bản số 3313/BXD-QLN ngày 17/8/2022, đồng thời được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhằm lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.