Những cựu chiến binh bản lĩnh trong thời bình

Rời quân ngũ với các vết thương do bom đạn chiến tranh, sức khỏe giảm sút, nhưng nhiều cựu chiến binh luôn tích cực lao động, tự lực, tự cường phát triển kinh tế, xây dựng đời sống gia đình khá giả.

Và ông Trần Hoàng Sơn, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng và Huỳnh Quốc Tòng, ngụ ấp An Ninh, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là những điển hình như vậy.

NHIỀU MÔ HÌNH LÀM GIÀU

Tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971 đến ngày giải phóng, ông Trần Hoàng Sơn tiếp tục tham gia công tác. Sau ông nghỉ mất sức và trở về địa phương làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phạm Đình Nông từ năm 2010 đến nay.

Từng bị thương trong kháng chiến khiến ông Sơn mất sức đến 61%, nhưng từ khi còn trẻ đến nay đã 69 tuổi, ông luôn say mê lao động, sản xuất và tìm giải pháp tăng thu nhập chính đáng cho gia đình từ mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng) kết hợp dịch vụ.

Mấy chục năm trước, khi đất ruộng chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, ông Sơn đã suy nghĩ đến việc tăng vụ mùa để tăng thu nhập. Năm 1992 ông Sơn đi đầu ở địa phương trong việc chuyển sản xuất lúa từ 1 vụ sang 2 vụ/năm và vận động người dân trong ấp cùng thực hiện.

Cùng với làm ruộng, ông Sơn mua máy bơm nước, máy suốt lúa về làm dịch vụ nông nghiệp. Ông Sơn kể: “Thời ấy đi bơm nước, suốt lúa vất vả lắm, bước xuống kênh đặt máy bơm nước đĩa đeo đầy chân, nhưng có cực khổ mới có thu nhập, một năm tôi làm dịch vụ thu về khoảng 500 giạ lúa”.

Những năm 1990, ông Sơn bắt đầu nuôi heo. Thời ấy, bà con trong ấp còn khó khăn, nên đến mùa lúa, ông Sơn giết heo chia thịt, cứ 1kg thịt heo đổi 1 giạ lúa. Bằng cách làm này, mỗi năm ông đổi về được 500 giạ lúa.

Lúa đem về, ông Sơn be bồ chứa, chờ đến khi có giá mới bán. Dần dần gia đình tích lũy vốn mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy thổi mương phèn tiếp tục làm dịch vụ nông nghiệp. Ông Sơn cho biết: “Ngày càng lớn tuổi, nhà ít lao động nên tôi ngưng làm máy gặt đập, hiện chỉ còn dịch vụ máy cày, máy thổi mương phèn cho nông dân trong xóm, ấp”.

Trong lúc sản xuất lúa ngày càng khó khăn, giá cả bấp bênh, ông Sơn bàn với gia đình mạnh dạn cải tạo 1ha đất vườn tạp để trồng cây ăn trái, rau màu, dưới mương nuôi cá các loại… nhằm lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay từ chanh không hạt, ổi, dừa, cá... giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.

Không chỉ vậy, dù lớn tuổi, ông Sơn vẫn thích học tập kỹ thuật từ cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, giúp đàn heo, gà phát triển tốt, lớn nhanh, ít bệnh. Với kỹ thuật được hướng dẫn, ông Sơn nuôi gà đẻ trứng với số lượng 1.000 con/đợt và đầu tư máy ấp trứng để bán gà con.

Từ năm 2016 đến năm 2021, với mô hình VACR và dịch vụ, gia đình ông Sơn có thu nhập bình quân khoảng 920 triệu đồng/năm.

Vợ chồng ông Trần Hoàng Sơn thăm vườn ổi của gia đình.

Vợ chồng ông Trần Hoàng Sơn thăm vườn ổi của gia đình.

Ngoài làm giàu cho bản thân, là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phạm Đình Nông, ông Sơn còn tuyên truyền, hướng dẫn nhiều hộ dân cải tạo vườn tạp, liên kết trồng chanh không hạt, dừa, sầu riêng, ổi và nhiều hoa màu khác, dưới mương nuôi cá, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Với những nỗ lực của bản thân, năm 2021, ông Sơn được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016-2021.

NGHỊ LỰC THƯƠNG BINH

Trở về đời thường sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Huỳnh Quốc Tòng (sinh năm 1947) bị mất mắt trái, trên vai vẫn còn một miếng miểng do bom đạn chiến tranh. Là thương binh 2/4, sức khỏe suy giảm, ông Tòng vẫn từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với ông Tòng, vợ ông - bà Nguyễn Thị Điệp là đồng đội trong kháng chiến, đồng chí cựu chiến binh trong thời bình, là người cùng ông đi qua gian khó, để từng bước xây dựng gia đình đủ đầy, nuôi dạy các con ăn học và tham gia công tác ở địa phương.

Vợ chồng ông Huỳnh Quốc Tòng chăm sóc rẫy khóm.

Năm 1979, vợ chồng ông Tòng được Nhà nước cấp 5 công đất trồng khóm, dừa, cau. Nhà đến 6 đứa con, ông Tòng luôn trăn trở tìm cách vươn lên.

Năm 1992, ông đóng ghe chở đồ tươi rau, củ, quả, nước đá ra quần đảo Nam Du (Kiên Hải) bán cho người dân trên đảo và các ghe đánh bắt. Những năm ấy với ông Tòng là một khoảng thời gian hết sức vất vả, nguy hiểm vì đi qua bom đạn chiến tranh, ông chỉ còn một mắt, chân cũng yếu do bị thương khi tham gia kháng chiến.

Tự mình điều khiển chiếc ghe nhỏ đến các đảo, ông Tòng kể hiểm nguy nhất là những khi biển động, trời dông, bão. Tuy nhiên thấy việc buôn bán có lời, bằng nghị lực của bộ đội Cụ Hồ, ông bám nghề kiếm tiền nuôi con.

Sau khoảng 10 năm buôn bán, ông Tòng tích lũy được số vốn và đóng ghe cào đánh bắt xa bờ. Những năm đó, công việc đánh bắt thủy sản thuận lợi giúp gia đình ông Tòng có lợi nhuận khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Kinh tế ổn định, ông xây dựng nhà kiên cố, mua thêm đất rẫy để sản xuất, đến nay gia đình có 20 công rẫy.

Ông Tòng chia sẻ: “Hồi đó tôi còn trẻ, thấy mình còn sức nên cố gắng làm để lo cho các con. Mấy năm gần đây các con đã trưởng thành, dựng vợ gả chồng, có cuộc sống riêng ổn định nên tôi cũng nhẹ lo. 3 năm trước thấy việc đánh bắt không còn thuận lợi, tôi bán cặp ghe cào. Hiện vợ chồng làm rẫy sinh sống và tiếp tục động viên các con chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương”.

Đồng chí Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình An nhận định dù hiện nay ông Tòng không còn phát triển kinh tế mạnh như trước, nhưng nghị lực tự lực, tự cường vươn lên của ông cùng việc nuôi dạy các con đến nơi đến chốn, trong đó có 2 người con là đảng viên, là cán bộ công tác ở huyện Châu Thành, ở xã Bình An là điều rất quý. Ông Tòng là điển hình cựu chiến binh gương mẫu của xã.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//trong-tinh/nhung-cuu-chien-binh-ban-linh-trong-thoi-binh-10979.html