Những dấu ấn đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục năm học 2024-2025

Năm học 2024-2025 ghi dấu ấn với nhiều kết quả đạt được trong nỗ lực đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.

Cô trò Trường Tiểu học - THCS A Xing (xã Lìa, Quảng Trị).

Cô trò Trường Tiểu học - THCS A Xing (xã Lìa, Quảng Trị).

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập

Thông tin tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2025, Bộ GD&ĐT cho biết: năm học 2024-2025, ngành Giáo dục đã duy trì, nâng cao phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù chữ và triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.

Từ tháng 9/2024 đến nay, đã có một số tỉnh, thành phố đề nghị và được Bộ GD&ĐT công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ ở mức cao hơn.

Đến tháng 6/2025, cả nước có 63/63 tỉnh/thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (đạt tỷ lệ 100%); trong đó có 40/63 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 64% (tăng 4 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước).

Tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 100%, trong đó: tỷ lệ huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 là 48,69%; tỷ lệ huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 là 50,87%, tỷ lệ huyện đạt chuẩn mức 3 là 21,62%.

Triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 218/2025/QH15 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết số 218/2025/QH15.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số địa phương nhận thức chưa thật đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò của công tác phổ cập giáo dục; mới chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn, chưa quan tâm đúng mức đến củng cố, duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Hoạt động của một số Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương.

Dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một

Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhân sự, kinh phí để thực hiện việc dạy-học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại địa phương và hướng dẫn Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.

Tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp Một; theo dõi, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện tại địa phương.

Tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một” đã được Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn. Cùng với đó, tổ chức tập huấn thí điểm giải pháp tăng cường kỹ năng nghe, nói tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tập huấn hướng dẫn đánh giá kỹ năng tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số; tập huấn bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về việc dạy học tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ giáo viên giải quyết những khó khăn về việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một…

Các Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. Nhiều Sở tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND ban hành các kế hoạch triển khai, chính sách hỗ trợ. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em dân tộc thiểu số đã xây dựng được môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ hoạt động. Về cơ bản, trẻ em người dân tộc thiểu số đã được học tiếng Việt (các kỹ năng nghe, nói) trước khi vào lớp Một.

Về tồn tại, hạn chế, còn thiếu giáo viên có năng lực dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, đặc biệt là giáo viên biết song ngữ; thiếu giáo viên theo định mức tại các điểm trường có trẻ dân tộc thiểu số đến lớp.

Một số địa phương gặp khó khăn khi xây dựng Nghị quyết trình UBND tỉnh về chế độ chi trả cho giáo viên, chế độ hỗ trợ đối với học sinh trong dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

Sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền, gia đình trẻ còn hạn chế; nhiều phụ huynh dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ, chưa đưa con đến lớp hoặc chưa phối hợp chặt chẽ với giáo viên.

 Học sinh Trường Tiểu học - THCS A Xing (xã Lìa, Quảng Trị).

Học sinh Trường Tiểu học - THCS A Xing (xã Lìa, Quảng Trị).

Đầu tư cơ sở vật chất cho vùng khó khăn, phát triển trường dân tộc nội trú

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; ban hành công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Các địa phương tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được thành lập ở hầu hết các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có địa hình miền núi phức tạp, đồng bào đi lại khó khăn, cách trở.

Toàn quốc có 319 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 115.333 học sinh dân tộc nội trú. Số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia: 187/319 trường, chiếm 58,6%.

Về trường phổ thông dân tộc bán trú, toàn quốc có 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố, với quy mô 245.800 học sinh bán trú. Số trường phổ thông dân tộc bán trú đạt chuẩn quốc gia 483 trường (chiếm 39,8%).

Bên cạnh đó, còn có 2.145 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 38 tỉnh/thành phố với quy mô khoảng 213.199 học sinh bán trú. Số trường đạt chuẩn quốc gia 1.016 trường (chiếm 47,3%).

Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 để tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, phát triển quy mô, số lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú thường đi chậm hơn so với phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư trang bị từ lâu nên đã xuống cấp. Đội ngũ giáo viên, nhân viên ở nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú hiện có chưa đủ theo định mức, đội ngũ nhân viên lương thấp,...

Phát triển giáo dục hòa nhập, chuyên biệt cho người khuyết tật

Bộ GD&ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 25/2/2025 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định về chế độ, chính sách cho các đối tượng người học là người khuyết tật. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm học 2024 -2025, các địa phương đã quan tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật; khảo sát, tổng hợp số liệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tiểu học và huy động tối đa số trẻ khuyết tật đi học. Một số địa phương đã tích cực thành lập hoặc đang xây dựng đề án xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và bước đầu đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Hiện nay, cả nước có 51 cơ sở giáo dục chuyên biệt công lập đối với người khuyết tật, 16 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập cấp tỉnh, 69 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục.

Tồn tại, hạn chế: Nhiều học sinh có dấu hiệu khuyết tật ảnh hưởng đến việc học tập nhưng chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật nên khó khăn trong tổ chức dạy học và thực hiện chính sách đối với học sinh, giáo viên dạy học sinh khuyết tật.

Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục học sinh khuyết tật; thiếu cơ sở vật chất, tài liệu, trang thiết bị dạy học đặc thù cho học sinh khuyết tật.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-dau-an-dam-bao-cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-nam-hoc-2024-2025-post741708.html