Cả nước tăng gần 22.000 giáo viên

Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến cuối năm học 2024–2025, toàn ngành có gần 1,28 triệu giáo viên, tăng 21.978 người so với năm trước. Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung thêm hơn 10.000 biên chế, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Ngày 28/7, Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT đã tổ chức phiên làm việc đầu tiên với sự tham gia của lãnh đạo 34 sở cùng các cơ sở đào tạo ngành sư phạm và các đơn vị liên quan.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ năm học 2024–2025, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tháo gỡ khó khăn và định hướng cho năm học 2025–2026.

Theo báo cáo, năm học 2024–2025, ngành Giáo dục hoàn thiện hành lang pháp lý quan trọng thông qua việc tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo cùng 2 Nghị quyết liên quan đến phổ cập giáo dục mầm non và miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông.

Năm học 2024–2025 cũng ghi nhận bước tiến quan trọng trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018, với việc thực hiện đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Mô hình “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được áp dụng hiệu quả, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Một số khó khăn trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới từng bước được tháo gỡ.

 Tính đến cuối năm học 2024–2025, cả nước có gần 1,28 triệu giáo viên bao gồm công lập và ngoài công lập.

Tính đến cuối năm học 2024–2025, cả nước có gần 1,28 triệu giáo viên bao gồm công lập và ngoài công lập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức an toàn, nghiêm túc với hơn 1,1 triệu thí sinh tham dự. Đề thi năm nay có nhiều điểm mới, bảo đảm mức độ phân hóa phù hợp để xét công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm học 2024–2025, toàn ngành có gần 1,28 triệu giáo viên (công lập và ngoài công lập), tăng 21.978 người so với năm trước. Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ đã đề xuất bổ sung thêm 10.304 biên chế giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở vùng khó khăn, đồng thời từng bước đảm bảo cơ cấu bộ môn hợp lý.

Bộ GD&ĐT chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo chính sách với giáo viên. Song song đó, hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại điểm trường, dồn dịch quy mô nhỏ để tập trung nguồn lực. Số phòng học kiên cố tăng, giảm phòng học tạm, phòng học mượn.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng lưu ý vai trò điều hành của Giám đốc Sở GD&ĐT trong bối cảnh mới, yêu cầu cao hơn về phân cấp, phân quyền, đổi mới tư duy và phương thức quản lý.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-nuoc-tang-gan-22000-giao-vien-post1764432.tpo