Những dấu mốc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam độc lập

Những người hôm nay ở tuổi 90 vẫn còn nhớ giây phút thiêng liêng kỳ vĩ ấy của dân tộc! Đó là thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2.9.1945

Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2.9.1945

Cái thuở ban đầu dân quốc ấy là dấu son chói lọi trong trang sử dân tộc.

Từ chuyện những người dựng lễ đài...

Ở trên đời có những công trình giản sơ, bình dị nhưng có sức sống lâu bền. Nó vượt qua phạm trù là văn hóa vật thể, vốn chỉ tồn tại giữa không gian, để mang ý nghĩa là văn hóa phi vật thể, sống mãi với thời gian. Công trình ấy chính là Lễ đài Độc lập ở Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Công trình ấy chỉ xuất hiện một lần giữa trái tim Thủ đô Hà Nội, cũng chỉ trong một thời gian ngắn nhưng tồn tại muôn thuở trong tâm khảm con người, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Với nhà văn Phùng Quán, Lễ đài Độc lập “là cái cột mốc giữa đêm dài một trăm năm nô lệ và bình minh của độc lập tự do của cả dân tộc. Kể từ khi trên mặt cỏ nắng Ba Đình mọc lên cái cột mốc gỗ này, số phận của cả dân tộc thay đổi”.

Nhiều tài liệu ghi chép rằng: Sau Tổng khởi nghĩa thắng lợi, ngày 28.8.1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ để quyết định ngày Lễ Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang (sinh năm 1913, quê Thái Bình), bấy giờ là một trong 15 Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương, có việc cần phải giải quyết gấp, khi về tới nơi thì cuộc họp vừa xong. Cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế dẫn ông Đang vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đang chờ ở trong phòng. Hồ Chủ tịch nói:

- Chính phủ lâm thời giao cho chú làm Trưởng Ban Lễ Độc lập tổ chức vào ngày 2.9. Chú có thể đảm nhận được không?

Biết thời gian chỉ còn 4 ngày, ông Đang trình bày:

- Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi.

Cụ Hồ bảo ngay:

- Có khó thì mới giao cho chú chứ.

Ông Đang đáp:

- Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách.

Rồi ông Đang ra về, đi chưa hết bậc thềm Bắc Bộ phủ, bỗng sực nhớ điều gì bèn quay lại. Cụ Hồ hỏi ngay:

- Chú còn cần gì nữa?.

Ông Đang dè dặt nói:

- Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...

- Quyền gì chú cứ nói đi! - Cụ Hồ lại ôn tồn.

- Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho việc tổ chức buổi lễ về người cũng như về của...

- Được, tôi trao cho chú cái quyền đó…

Trở về, ông Nguyễn Hữu Đang nhanh chóng gửi bài cho đăng trên các báo ở Hà Nội, kêu gọi đồng bào góp công, góp của vào việc tổ chức ngày lễ trọng đại của đất nước. Ông còn gửi thư cho bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội. Chuyện kể lại: Ngày 31.8.1945, ông Thị trưởng Hà Nội nhận được 3 bức thư của Trưởng Ban tổ chức Ngày Độc lập. Thư đánh máy rõ ràng, dưới đây là một bức thư viết hết sức ngắn gọn:

“Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,

Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2.9.1945 một “Ngày Độc lập”.

Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang”.

Ở Hà Nội, rất đông người đọc báo, đã đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt, xin góp tiền, vàng, vải vóc, gỗ, ván… và họ từ chối giấy biên nhận. Cũng có người xin được vào làm thợ và đặc biệt vị kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh xin nhận thiết kế lễ đài.

Ông Quỳnh sinh năm 1920, quê Mỹ Hào, Hưng Yên. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc.

Trong hoàn cảnh thời gian rất gấp, ông Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh và bọc lụa xung quanh, phía trên màu vàng, dưới màu đỏ để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm. Lễ đài tuy giản dị nhưng phải trang nghiêm và cần độ vững chắc. Có thể chịu trọng lực khoảng 30 người đứng bên trên. Ông Quỳnh trực tiếp chỉ huy thi công để hoàn thành vào rạng sáng 2.9. Sau khi duyệt lần cuối cùng, đúng 14 giờ ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ Lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Có một người âm thầm lắp đặt hệ thống âm thanh phục vụ buổi lễ trọng đại của đất nước mà ít người biết đến. Đó là Nguyễn Dực, con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người nổi tiếng đất Hà Thành từ những năm20 của thế kỷ trước. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Nguyễn Dực vẫn nhớ như in: “Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng phù từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!”...

Tiếng nói của Người đã vang dội núi sông…

… đến những cuộc đấu trí trên đất Pháp

Nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp năm 1946

Nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp năm 1946

Ngày 2.9.1945, Việt Nam tuyên ngôn độc lập thì ngày 23.9.1945 thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình thế đó, Chính phủ Lâm thời được cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, với nhiệm vụ tổ chức Tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 6.1.1946.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên được diễn ra trên phạm vi cả nước. Quốc hội khóa I đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch) để điều hành đất nước, thực hiện kháng chiến và kiến quốc, giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Biết rõ âm mưu của thực dân Pháp, sáng 6.3.1946 tại Hà Nội, một phiên họp quan trọng của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội nhất trí tán thành ký Hiệp định Sơ bộ 6.3, ủy quyền cho phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu ký với đại diện Chính phủ Pháp.

Một phần biên bản đặc biệt quan trọng này như sau: "1-Nghị quyết tán thành ký hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, theo những điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế cho quân đội Trung Hoa (nguyên văn đính theo sau). 2- Ủy quyền cho ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thay mặt cho Hội đồng Chính phủ cùng Cụ Chủ tịch Chính phủ ký hiệp định trên với đại biểu Pháp".

Theo đó, từ ngày 6.7-13.9.1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã tham dự cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Fontainebleau (Pháp). Vì được Mỹ ủng hộ nên Pháp ngoan cố và trắng trợn xóa bỏ Hiệp định Sơ bộ nên cuộc đàm phán không đạt kết quả.

Thế nhưng từ ngày 31.5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách đã lên đường sang thăm nước Pháp. Những ngày ở đây, Người tranh thủ trình bày rõ quan điểm của Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà yêu nước và công luận đối với sự nghiệp chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8lần cùng Marius Moutet (Bộ trưởng Thuộc địa của Pháp) tham dự các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa - xã hội. Một tài liệu khả tín của Chính phủ Pháp viết: “Cũng như Marius Moutet, ngài Hồ Chí Minh muốn tránh sự đổ vỡ và đã cùng ký với Moutet bản Tạm ước nhằm cứu vãn tình hình. Ngài thấy trước khả năng có thể bùng nổ xung đột vũ trang và đã nói với người đối thoại bằng thái độ kiên quyết: Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Nhưng cuối cùng, chính các ông sẽ là người bỏ cuộc”.

Khoảng 1 giờ ngày 15.9.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng thuộc địa Pháp Moutet đã ký Tạm ước 14.9. Vào thời điểm đó, bản Tạm ước là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nhung-dau-moc-dau-tien-cua-chinh-phu-viet-nam-doc-lap-178490