Những điểm sáng trong hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng
Thống kê của TBTCVN cho thấy, năm 2024 có nhiều ngân hàng thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cùng 4 nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Đây là tín hiệu tích cực với kênh. bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ngân hàng tăng trưởng dương
Thống kê cho thấy trong năm 2024, các nhà băng gặt hái thu nhập hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm có thể kể đến như: MB dẫn đầu với doanh thu 8.443,2 tỷ đồng; VPBank đạt 4.150,9 tỷ đồng.
Các nhà băng khác cũng thu lớn như: Techcombank đạt 605,7 tỷ đồng; LPBank gần 565 tỷ đồng; VIB và TPBank lần lượt thu 447 tỷ đồng và 368,4 tỷ đồng… Với HDBank và Sacombank, theo số liệu bán niên, hai ngân hàng này cũng ghi nhận các khoản thu lớn từ hoạt động bảo hiểm, lần lượt đạt 576 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, có 4 ngân hàng tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó, 3/4 nhà băng tăng mạnh hai chữ số. Đứng đầu tốc độ tăng trưởng năm 2024 là Kienlongbank, với mức tăng 44,35%. Tiếp đến là VPBank và SeABank, tương ứng mức tăng trưởng 41,31% và 35,35% so với cùng kỳ. MB có tốc độ tăng trưởng nhỉnh hơn 2,61% cùng kỳ năm trước. Với LPBank, sau ghi tăng trưởng mạnh 65,58% năm 2023, ngân hàng sụt giảm thu nhập từ hoạt động bảo hiểm trong năm 2024.
Số liệu do TBTCVN tổng hợp cũng cho thấy, VPBank là nhà băng duy nhất ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng so với năm 2022, trong khi các ngân hàng khác vẫn sụt giảm thu nhập từ mảng này và xoay vần trong vòng xoáy khó khăn. Lũy kế năm 2024, VPBank thu 4.151 tỷ đồng từ bảo hiểm, tăng 41,31% cùng kỳ và tăng trưởng 23,76% so với năm 2022 - trước thời điểm thị trường xảy ra biến cố.
Cùng với đó, các ngân hàng đang tiếp tục tìm cách mở rộng hệ sinh thái tài chính và đa dạng hóa dịch vụ phi tín dụng. Trong khi MB có hệ sinh thái đa dạng với hai công ty con hoạt động trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thì VPBank có quan hệ đối tác bancassurance độc quyền với AIA Life Insurance tại Việt Nam và sở hữu Công ty cổ phần bảo hiểm OPES kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, giúp thúc đẩy cơ hội bán chéo sản phẩm.
Cùng với đó, Techcombank đang chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ sau khi ra mắt công ty bảo hiểm phi nhân thọ vào tháng 10/2024. Cùng với đó, nhà băng này cũng dự định mua lại cổ phần để công ty bảo hiểm phi nhân thọ trở thành công ty con của Techcombank.
Cần thời gian chuyển mình và thích nghi
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia tư vấn tài chính tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, thị trường bảo hiểm vẫn cần thời gian để hồi phục và thích nghi với những quy định mới. Theo ông Việt, những quy định bắt buộc như: tổ chức tín dụng không được tư vấn, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và sau ngày giải ngân khoản vay, ghi âm quá trình tư vấn đối với sản phẩm liên kết đầu tư... buộc các công ty bảo hiểm phải chuyển mình và hoàn thiện hơn về công tác giám sát, kiểm tra hoạt động tư vấn sản phẩm bảo hiểm.
Thích nghi với bối cảnh mới
"Tại nhiều nước phát triển, kênh bancassurance chiếm trên 50% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, vì vậy các ngân hàng sẽ không bỏ qua kênh phân phối này. Do đó, việc bỏ qua phát triển kênh bancassurance là không thể, thay vào đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang tìm cách thích nghi với bối cảnh mới và giai đoạn phát triển mới". Ông Trần Mạnh Hoàng Việt - Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT
Cùng với đó, công ty bảo hiểm cũng quan tâm hơn về việc đào tạo đội ngũ đại lý, tư vấn viên ở lại, hướng đến phát triển những người làm nghề bền vững. Một sự chuyển mình tích cực là hiện nhiều đại lý hướng đến việc chuyên nghiệp hóa nghề bảo hiểm với mô hình toàn thời gian và quan tâm hơn đến hoạch định tài chính cá nhân cho khách hàng và định vị đây là một xu hướng dài hạn, không đơn thuần là bán bảo hiểm như trước đây.
"Sẽ cần một thời gian để các tư vấn viên chân chính, được đào tạo bài bản chứng minh năng lực và lấy lại niềm tin cho thị trường" - ông Việt nhìn nhận.
Cùng với đó, theo chuyên gia tư vấn tài chính tại FIDT, hiện khách hàng tham gia mua bảo hiểm có nhiều thuận lợi hơn trước đây do các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đang đẩy mạnh ứng dụng số hóa, cải thiện quy trình tham gia và bồi thường bảo hiểm, tối ưu hóa các dịch vụ. Trong đó, nhiều khâu không cần sự có mặt của tư vấn viên như ngày xưa như thủ tục thanh toán trực tuyến, giải quyết quyền lợi, ngoại trừ những trường hợp phức tạp.
Cũng theo đánh giá từ nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, việc tăng cường khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bancassurance có thể có tác động đến tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm trong ngắn hạn cũng như chi phí hoạt động của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm khi các yêu cầu về pháp lý trở nên nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động bancassurance.
Tuy nhiên, Chứng khoán Vietcap tin tưởng rằng các ngân hàng đã chuẩn bị với quy định mới và tích cực giám sát các hoạt động này để tránh bán sản phẩm bảo hiểm sai mục đích. Việc nâng cao chất lượng bán hàng cũng làm sẽ giảm tỷ lệ hủy hợp đồng trong hai năm đầu và giảm tổn thất cho các công ty bảo hiểm.
Mặc dù các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đối mặt các thách thức trong tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 do tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ ở mức thấp và tỷ lệ bồi thường cao hơn do ảnh hưởng từ bão Yagi, đặc biệt đối với bảo hiểm phi nhân thọ, song triển vọng trong dài hạn của ngành vẫn tích cực.
Theo lý giải của Chứng khoán Vietcap, hiện tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam vẫn còn thấp và các ngân hàng có thể vẫn đẩy mạnh bancassurance thông qua việc ưu đãi lãi suất cho vay hoặc gửi tiết kiệm cho khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm. Do đó, nhóm phân tích đánh giá, kênh bancassurance vẫn có thể phát triển trong tương lai nhưng với tốc độ chậm hơn so với 10 năm qua và yêu cầu các tiêu chuẩn tuân thủ quy định cao hơn.
Phấn đấu lấy lại đà tăng trưởng
Nhiều tín hiệu lạc quan với thị trường bảo hiểm được ghi nhận năm 2024 khi có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm được cấp phép hoạt động gồm: Công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ Techcom, Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm An Phúc và Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm QV Việt Nam, Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm Indochine. Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm vượt 1 triệu tỷ đồng, các chỉ tiêu như đầu tư trở lại nền kinh tế và tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng trưởng hai chữ số.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính qua giai đoạn 2023 - 2024 là giai đoạn có nhiều khó khăn và biến động đối với thị trường bảo hiểm và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm, song có những tín hiệu về triển vọng tích cực của thị trường.
Năm 2025, toàn ngành bảo hiểm phấn đấu doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng, tăng 0,05%. Cùng với đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 2,65%; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 6,6% so với năm 2024. Cùng với đó, đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 5,77%; của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 5,4%.