Siêu bão 'thử lửa' bảo hiểm
Cơn bão Yagi - cơn bão được nhìn nhận có mức thiệt hại lớn nhất trong lịch sử bồi thường của ngành bảo hiểm Việt Nam như một cuộc 'thử lửa' với các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là khối phi nhân thọ, về năng lực tài chính cũng như khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp chưa từng có tiền lệ.
Những chuyến bay toàn dân bảo hiểm
Một ngày sau khi “siêu bão” Yagi tràn qua, tàn phá nhiều địa phương phía Bắc, việc tìm hiểu thông tin về tình hình thiệt hại và tổn thất ban đầu của khách hàng rất khó khăn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán thời điểm đó, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong Top 3 về thị phần doanh thu phí cho biết, ngay sau khi các chuyến bay được nối lại, Ban Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản của hãng bảo hiểm này đã bay hết ra các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ để tiến hành công tác thống kê và giám định thiệt hại tài sản của khách hàng.
Thực tế, tình hình khẩn trương, cấp bách lúc đó buộc các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải huy động hết lực lượng sẵn có, nên có những chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội thời điểm bão vừa dứt “chỉ thấy toàn dân bảo hiểm và giám định”, theo chia sẻ của nhân sự một hãng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, hàng trăm giám định viên của các công ty giám định độc lập cũng được điều động bổ sung từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc phối hợp cùng các giám định viên, bồi thường viên ở các công ty bảo hiểm để đẩy nhanh tốc độ giám định, thống kê tổn thất, nhất là với những vụ thiệt hại tài sản phức tạp...
“Nằm vùng” tại tâm bão, các giám định viên được “trải nghiệm” tất cả những khó khăn, vất vả của người dân vùng bão lũ. Cả ngày dầm mình trong mưa, liên lạc đứt đoạn, ăn uống qua loa vài món đồ ăn liền (mà tại hiện trường có gì ăn nấy, chứ không có sự lựa chọn), mò mẫm trong đêm tối để cùng khách hàng bảo vệ tài sản, triển khai các biện pháp đề phòng thiệt hại phát sinh, đánh giá tổn thất…
Ông Dương Thanh Tùng, Trưởng ban Giải quyết khiếu nại, Bảo hiểm PVI chia sẻ: “Thời điểm đó, chúng tôi mỗi người một ngả, thường thì tối về đến chỗ nghỉ mới có thể tranh thủ liên lạc được về nhà (mới có sóng điện thoại), hoặc làm báo cáo nhanh gửi Tổng công ty. Mưa bão, mất điện, mất sóng điện thoại nên phải tận dụng từng chút thời gian để hỗ trợ khách hàng...”.
Xuống hiện trường ngay khi bão chưa tan hẳn, hoàn lưu bão còn đang hoành hành dữ dội, trước cảnh điêu tàn sau cơn bão, vị đại diện Bảo hiểm PVI không khỏi ngậm ngùi mà “xuất khẩu” những vần thơ xúc động:
“Bão Yagi mới qua đi/ Khắp nơi tơi tả còn gì buồn hơn/ Người dân giận bão căm hờn/ Gây bao tổn thất công trường, nhà, xe.../ Để lại hậu quả nặng nề/ Bao năm xây góp lại về trắng tay/ Giám định vội vã về đây/ Cùng với đồng nghiệp xuống ngay hiện trường/ Nhà xưởng đổ nát tang thương/ Tàu bè tan tác, công trường ngổn ngang/ Anh em giám định sẵn sàng/ Bảo hiểm sát cánh - Khách hàng yên tâm/ Phối hợp xử lý từng phần/ Làm đâu gọn đó, dần dần sẽ xong”.
Cũng như Bảo hiểm PVI và các công ty bảo hiểm khác, thời điểm đó, công tác giám định tổn thất của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Máy móc, tài sản… bị vùi lấp trong bùn đất, các giám định viên phải tiến hành đào bới, trục vớt mới có đủ căn cứ để đánh giá tổn thất, ước lượng số tiền để chi trả bồi thường cho khách hàng.
Tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ…, nơi nước lũ dâng cao gây ngập úng hàng loạt tài sản, nhà cửa, phương tiện và hàng hóa bị phá hủy nặng nề được tăng cường thêm nhân sự giám định viên hỗ trợ.
Trong điều kiện ngập lụt, di chuyển khó khăn, các giám định viên đã phải sử dụng những phương tiện tự chế như bè, ván hoặc lội bộ qua những con đường ngập nước để tiếp cận hiện trường nơi có tổn thất.
Hình ảnh ghi lại tại hiện trường cho thấy, các cán bộ phải lội nước qua những khu vực bị ngập sâu, vừa thực hiện công tác giám định, vừa thăm hỏi, động viên các khách hàng đang gặp khó khăn.
Kích hoạt ngay quy trình “3 bước”
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cơn bão số 3 (Yagi) gây tổn thất nặng nề nhất cho ngành bảo hiểm Việt Nam so với những cơn bão khác trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.
Sau bão, khối lượng công việc liên quan đến công tác giám định, đánh giá tổn thất, thu thập và xử lý hồ sơ là rất đồ sộ, nhiều tổn thất phức tạp… nên thời gian chi trả bị kéo dài.
Cùng với các tiêu chí quan trọng khác như năng lực tài chính, việc giải quyết khối lượng hồ sơ bồi thường khổng lồ sau bão lũ cũng là một trong những tiêu chí đánh giá khả năng xử lý tổn thất của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Với những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, thảm họa gây ra, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Được biết, tại Bảo hiểm Agribank (ABIC), ngay khi bão qua đi, Công ty đã triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho khách hàng bị thiệt hại.
Quy trình bồi thường cũng được rút ngắn và tối ưu hóa để đảm bảo người dân nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng với 3 bước: Thứ nhất - Tiếp cận hiện trường, giám định tổn thất; thứ hai - Lập phương án chi trả tạm ứng bồi thường; thứ ba - Hoàn tất hồ sơ bồi thường. ABIC cũng đã thành lập 15 tổ công tác đi đến các “điểm nóng”, tiếp cận hiện trường, phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Agribank tại địa phương để liên hệ với từng khách hàng đã tham gia bảo hiểm và nắm bắt thông tin tổn thất...
Thực tế, mảng bảo hiểm phi nhân thọ từ trước đến nay luôn cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế, việc chi bồi thường lớn sau bão lũ là “bài test” khả năng phục vụ khách hàng và bồi đắp niềm tin đối với khách hàng của tất cả các hãng bảo hiểm.
Theo ông Nghiêm Xuân Thái, Tổng giám đốc Bảo hiểm Hàng không (VNI), hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi như dồn thêm gánh nặng cho thị trường bảo hiểm khi các doanh nghiệp đang phải nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Dù vậy, những trở ngại liên tiếp xảy ra cũng được xem là một phép thử, đo lường “sức chống chọi” của các công ty bảo hiểm, giúp đánh giá tiềm lực tài chính, khả năng dự phòng rủi ro trước những tổn thất lớn.
Đồng thời, các nhà bảo hiểm cũng cần đầu tư nghiên cứu đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm không chỉ ứng phó với những thách thức trước mắt, mà còn dự phòng cho những rủi ro trong tương lai để luôn đồng hành với khách hàng trong quá trình tham gia bảo hiểm.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sieu-bao-thu-lua-bao-hiem-post362462.html