Những điều kiện cần để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, việc nâng hạng không những sẽ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới, mà còn có ý nghĩa sâu rộng với nền kinh tế quốc gia.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu được Chính phủ chú trọng, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy không những thị trường chứng khoán, mà còn cả nền kinh tế Việt Nam. Để hiểu rõ thêm triển vọng và những điều kiện cần để nâng hạng thị trường, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

Mekong ASEAN: Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đặt ra trong thời gian dài, từ khi FTSE Russell đưa thị trường Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai vào năm 2018. Đâu là những tiêu chí phải được đáp ứng khi xét nâng hạng, thưa ông?

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Để được nâng hạng thị trường, tôi cho rằng các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Trong số các tiêu chí định tính mà hai tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel không quá khó khăn, nhưng MSCI sẽ có nhiều những tiêu chí phức tạp hơn cần được đáp ứng, trong đó các yếu tố về thị trường ngoại hối, công bố thông tin bằng tiếng Anh, hay giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ gặp nhiều trở ngại nhất.

Tuy nhiên, điểm chung của cả hai tổ chức xếp hạng này là Việt Nam hiện đang thiếu những điều kiện tiên quyết về hoạt động thanh toán bù trừ. Cùng với đó, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch cũng là một vấn đề cần quan tâm theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell.

Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện một số yếu tố như trên để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trước hết, cơ quan quản lý cần quyết liệt, triệt để hơn trong việc nâng cao chất lượng hạ tầng của thị trường phục vụ cho quy mô giao dịch của thị trường có thể gia tăng mạnh khi nâng hạng.

Việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, góp phần nâng cao một số tiêu chí định tính quan trọng của thị trường. Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở được xem là giải pháp thích hợp để các giao dịch ký quỹ được thực hiện.

Từng bước mở rộng và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Đối với các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính - ngân hàng, vẫn có thể xây dựng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho từng tổ chức cụ thể, ví dụ như điều chỉnh tỷ lệ sở hữu để mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng cần có những chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm ETF để duy trì thanh khoản ổn định của thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý cần chú trọng thúc đẩy, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Về dài hạn, Chính phủ cần có những định hướng thống nhất và rõ ràng đối với các chính sách phát triển thị trường chứng khoán và điều hành nền kinh tế nói chung.

Việc được nâng hạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc được nâng hạng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mekong ASEAN: Quyết tâm và nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán đã được Chính phủ thể hiện rất rõ và cũng đã có một số tiến triển tích cực. Ông có thể cho biết, thị trường chứng khoán sẽ nhận được những lợi ích gì nếu được nâng hạng?

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Tôi cho rằng việc được nâng hạng mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dự kiến sẽ có một lượng vốn nước ngoài lớn được chảy vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế, 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế phụ thuộc vào việc xếp hạng của thị trường chứng khoán. Do đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở được kỳ vọng sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam với quy mô lớn.

Thêm vào đó, khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán có thể cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu trên thị trường được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, từ đó đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong đầu tư, giảm thiểu các biến động lên thị trường bởi một số nhà đầu tư cá nhân bị tác động tâm lý.

Hơn nữa, nâng hạng còn góp phần cải thiện tích cực thanh khoản và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ vào việc thị trường chứng khoán được nâng hạng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước có thêm động lực để thay đổi, từ đó nâng cao năng lực doanh nghiệp và các tổ chức trung gian khác.

Mekong ASEAN: Nhiều ý kiến cho rằng nâng hạng thị trường không chỉ là bước tiến của riêng thị trường chứng khoán mà còn là của cả nền kinh tế. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam chắc chắn sẽ là một bước tiến quan trọng cho không chỉ thị trường chứng khoán mà còn có ý nghĩa sâu rộng đối với kinh tế quốc gia.

Như đã đề cập ở trên, nâng hạng thị trường sẽ tăng cường thu hút dòng vốn quốc tế như trường hợp của thị trường chứng khoán Indonesia và Thái Lan sau khi được nâng hạng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn này.

Điều này theo đó sẽ tạo động lực phát triển, làm lớn mạnh hơn nữa các doanh nghiệp trong nước, các công ty đại chúng có thể thu hút được sự quan tâm, góp vốn từ các nhà đầu tư quốc tế lớn nhờ vào sự minh bạch và quản trị tốt.

Quá trình nâng hạng mặt khác cũng sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nền kinh tế sẽ trở nên đa dạng hơn, bền vững hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến động toàn cầu.

Mekong ASEAN: Bên cạnh mục tiêu và những lợi ích có được sau khi nâng hạng thị trường, một vấn đề khác là “sau nâng hạng, phải nỗ lực để trụ hạng”. Đã có những thị trường khác trên thế giới như Argentina được nâng hạng nhưng sau đó rớt hạng vì không duy trì được các điều kiện cần thiết. Theo ông, Việt Nam cần làm thêm những gì để có thể thực sự ‘nâng hạng’ thị trường, duy trì xếp hạng một khi đã được nâng hạng?

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng: Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định liên quan đến thị trường chứng khoán. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng các quy định hiện hành vẫn còn một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn.

Theo đó, cần tiếp tục rà soát toàn diện, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công bố thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tích cực đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.

Một khi đã nâng hạng thành công, bên cạnh dòng vốn trong nước, dòng vốn nước ngoài sẽ tích cực dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, khiến quy mô thị trường, thanh khoản giao dịch gia tăng mạnh, đặt ra yêu cầu lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Thứ ba, tôi cho rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững, vận hành an toàn, công bằng, công khai, lành mạnh.

Thứ tư, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung để thu hút các dòng vốn gián tiếp đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tôi cho rằng cần tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định tâm lý thị trường và nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo để nâng cao kiến thức tài chính, năng lực phân tích, đánh giá cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-dieu-kien-can-de-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-post35995.html