Những điều thú vị về hành trình ra đời chữ Quốc ngữ của Việt Nam

Lịch sử chữ Quốc ngữ gắn với những câu chuyện li kỳ và hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.

Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội), Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt nhân dịp ra mắt cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Tọa đàm có sự tham gia của tác giả cuốn sách - Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, PGS.TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm và Tiến sĩ Vũ Đức Liêm - nhà nghiên cứu lịch sử...

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" (giữa) tại tọa đàm.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" (giữa) tại tọa đàm.

Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (minh họa: Tạ Huy Long)là cuốn truyện tranh bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.

Tại tọa đàm, các diễn giả trao đổi câu chuyện xoay quanh hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam từ 400 năm trước (1624) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly hiện đang làm việc tại khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, niềm vui và hạnh phúc đối với một nhà nghiên cứu là được chia sẻ những hiểu biết khiêm tốn của mình với độc giả.

"Tôi cũng đã trải qua một hành trình dài đi tìm tài liệu trong các văn khố ở Lisbon, Vatican, Roma, Madrid, Avila, Paris, Lyon, Hà Nội với mong muốn phác thảo lại một cách trọn vẹn nhất có thể về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919).

Chữ Quốc ngữ mà các bạn đang dùng không phải là sản phẩm sáng tạo duy nhất của các thừa sai người nước ngoài. Vào giữa thế kỷ 19, các vị linh mục người Pháp đã tìm ra con đường lên Kon Tum và cũng bắt tay vào học tiếng nói của người Jrai, Bahnar, Xê Đăng... Họ cũng tạo ra chữ viết hệ Latinh cho khoảng chục ngôn ngữ tại Tây Nguyên", TS. Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ.

Theo bà Ly, ngày nay có nhiều hỗ trợ về ngôn ngữ, cách đây 400 năm, những nhà truyền giáo không có gì ngoài các ký tự. Hiện tại, chúng ta được thụ hưởng nhiều giá trị của tiền nhân nên phải biết để giữ gìn và tri ân.

"Thời kỳ đầu trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã học cùng người bản xứ, còn người Việt chỉnh cách phát âm cho các thừa sai. Sau này, các thừa sai dạy chữ viết hệ Latinh cho các thầy giảng người Việt và chính họ là những người gìn giữ, chỉnh lý chữ Quốc ngữ", bà Ly chia sẻ.

PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết, việc xã hội sử dụng chữ Nôm đầu triều Lý là dấu mốc cho sự phát triển của dân tộc, ca dao hò vè thời Nho giáo, Phật giáo đều dùng chữ Nôm. Khi giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam, họ cũng học chữ Nôm trước và có chữ Nôm Công giáo.

"Lịch sử đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Di sản chữ Quốc ngữ Công giáo và chữ Nôm Công giáo rất phong phú. Sinh mệnh của văn tự gắn liền với thể chế chính trị. Chữ Quốc ngữ được chọn chính thức cũng vì sinh mệnh của đất nước. Công cụ quan trọng thời đó là bình dân học vụ. Sinh mệnh văn tự liên quan đến ý thức hệ, mục đích chính là chống lại phong kiến", PGS.TS Trần Trọng Dương nhận định.

Tác phẩm "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ".

Tác phẩm "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ".

Thông qua cuộc tọa đàm, NXB Kim Đồng mong muốn độc giả trẻ sẽ hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt, thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-dieu-thu-vi-ve-hanh-trinh-ra-doi-chu-quoc-ngu-cua-viet-nam-2331279.html