Trẻ em cần được chăm sóc như thế nào khi mắc bệnh cúm mùa?
Khi bị cúm, trẻ thường có triệu chứng sốt trên 38 độ C, đau nhức cơ toàn thân, cùng với một hoặc nhiều dấu hiệu liên quan đến hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hoặc khó thở.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa Đông Xuân.
Những ngày qua, số ca mắc cúm tăng đột biến. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, thậm chí đặt ECMO để duy trì sự sống.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho ít nhất 8 ca cúm nặng, trong đó có bệnh nhân tổn thương phổi nghiêm trọng.
Chuyên gia y tế cảnh báo virus cúm có thể gây suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi lan tỏa, và thậm chí tử vong, đồng thời khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh cúm.
Đặc biệt, trẻ em là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi cúm, và khi nhiễm bệnh, thời gian phục hồi của trẻ thường kéo dài hơn so với người lớn.
1. Các đường lây nhiễm bệnh cúm ở trẻ
Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn. Dưới đây là các đường lây nhiễm bệnh cúm ở trẻ:
Lây trực tiếp từ người sang người: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm, thông qua giao tiếp, nói chuyện, bắt tay, ôm hôn, hoặc khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ lây truyền virus trực tiếp sang trẻ thông qua giọt bắn.
Lây gián tiếp qua bề mặt đồ vật: Khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ làm phát tán virus trên bề mặt các đồ vật. Nếu trẻ tiếp xúc với đồ vật có chứa virus bằng tay và dùng tay đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây nhiễm virus.
Lây gián tiếp qua môi trường sống hàng ngày: Môi trường công cộng hoặc nhà trẻ, trường học có nhiều trẻ khác bị cúm, khi ho, hắt hơi, ... sẽ phát tán vào không khí những giọt bắn, dịch có chứa virus.
2. Triệu chứng cúm mùa ở trẻ
Triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ thường bị nhầm với cảm lạnh do thời tiết thông thường, tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn.
Sau 1-2 ngày bị lây nhiễm, trẻ bị nhiễm virus cúm và mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt (trên 38 độ C); nghẹt mũi, sổ mũi (dịch trong mũi có thể không màu, hoặc có màu vàng, màu xanh); đau họng, ho; nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ; biếng ăn, nôn mửa, có thể bị tiêu chảy.
Phần lớn các triệu chứng của bệnh cúm như sốt có thể thuyên giảm và biến mất sau 5- 7 ngày. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn ho và mệt mỏi kéo dài. Sau 10-14 ngày, tất cả các triệu chứng thường biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi. Đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi, khi hệ miễn dịch còn yếu, sức đề kháng kém và có bệnh lý nền kèm theo, nếu bị cúm có thể dẫn đến biến chứng.
Phân biệt triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ với bệnh cảm:
- Bệnh cúm do virus gây sốt cao, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể và các triệu chứng ở đường hô hấp khác
- Bệnh cảm do thời tiết chủ yếu gây ho, không gây sốt cao.
3. Chẩn đoán cúm mùa ở trẻ
Sau khi thăm khám và phát hiện trẻ có các biểu hiện đáng nghi, bác sỹ sẽ dựa vào một số yếu tố như nơi ở, sống tại khu vực đang có dịch cúm hoặc từng tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh cúm.
Trẻ thường có triệu chứng sốt (thường trên 38 độ C), đau nhức cơ toàn thân, cùng với một hoặc nhiều dấu hiệu liên quan đến hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hoặc khó thở.
Để khẳng định các bác sỹ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm, trong đó có thể là chụp X-quang phổi, xét nghiệm công thức máu… Xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.
4. Điều trị cúm mùa ở trẻ
Việc điều trị bệnh cúm ở trẻ em không giống với cách điều trị ở người lớn. Phương pháp điều trị sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Trong trường hợp triệu chứng nhẹ, trẻ có thể được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà, tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát các triệu chứng như:
- Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ C, uống 4-6 giờ/lần.
- Cân bằng nước và điện giải cho cơ thể do sốt cao gây mất nước.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, có biến chứng nặng hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và phối hợp điều trị hồi sức tích cực. Việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng virus có thể được chỉ định nhằm điều trị những trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn.
5. Chăm sóc trẻ bị cúm
Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh cúm, bố mẹ cần lưu ý tuân thủ một số quy tắc quan trọng sau:
- Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, sự tím da, môi và đầu ngón tay.
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C. Cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, chia thành các bữa nhỏ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ.
- Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ (thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt).
- Nếu trẻ đang bị cúm, bạn cần để trẻ nghỉ ngơi thoải mái. Ngoài ra, bạn không nên để trẻ vận động mạnh. Bởi nếu vận động quá mạnh, cơ thể trẻ dễ bị đau nhức, thời gian hồi phục lâu hơn.
6. Phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ
Để phòng tránh trẻ em bị cúm, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ. Rửa tay trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi nên dùng khăn giấy che và vứt bỏ, rửa tay sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh và nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau dọn.
- Trong mùa cúm nên hạn chế đến những nơi đông người hoặc tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
- Tiêm vaccine phòng bệnh cúm mỗi năm./.