Những độc tố tự nhiên cần đề phòng

Độc tố tự nhiên thường có sẵn ở động vật và thực vật, gây ngộ độc với tỷ lệ nguy hiểm đến tính mạng cao.

 Nấm tán giết ruồi (fly agaric) có màu sắc sặc sỡ nhưng chứa độc tố mạnh. Ảnh: Unsplash.

Nấm tán giết ruồi (fly agaric) có màu sắc sặc sỡ nhưng chứa độc tố mạnh. Ảnh: Unsplash.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trong vòng 7 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm và 2 ca đơn lẻ khiến 404 người mắc và vào viện và 3 trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp này đều dưới 14 tuổi. Nguyên nhân là ăn sắn cao sản, quả hồng trâu và nội tạng cóc.

Trong đó, số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên là 22 trường hợp, chiếm 64,7% tổng số vụ. Thức ăn gây ngộ độc chủ yếu là nấm (chiếm 56,3%), còn lại là các loại khác như sâu ban miêu, cóc, sắn cao sản, củ nâu, hoa chuông, cà độc dược, quả hồng trâu, củ thương lục. Những trường hợp này đều xảy ra tại các hộ gia đình, 88% nạn nhân là người dân tộc thiểu số.

Độc tố tự nhiên là độc tố có sẵn trong tự nhiên ở động vật và thực vật. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu khi ngộ độc là hội chứng thần kinh (buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, đau đầu,..) kèm hội chứng tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy).

Các vụ ngộ độc thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái. Số lượng mắc thường ít, lẻ tẻ nhưng tỷ lệ nguy hiểm đến tính mạng lại cao.

 Một cây nấm gây ngộ độc tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.

Một cây nấm gây ngộ độc tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, mọi người cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn hoặc biết cách chế biến, loại trừ chất độc trước khi ăn.

Theo Sở Y tế Lào Cai, mọi người nên thực hiện theo các khuyến cáo sau để đề phòng ngộ độc các thực phẩm có độc tố tự nhiên thường gặp:

- Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

- Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

- Vỏ củ cải trắng có độc tố furocoumarins. Để tránh ngộ độc, khi ăn củ cải cần gọt bỏ sạch vỏ, nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng, củ cải sẽ hết độc.

- Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đậu, lạc đã bị mốc, thâm đen.

- Xyanua là chất gây độc trong măng và củ sắn (khoai mì). Do đó, khi ăn măng tươi, mọi người cần phải ngâm, rửa kỹ trong nước nhiều giờ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến. Tương tự, sắn khi ăn phải bóc vỏ, ngâm nước lạnh nhiều giờ trước khi chế biến.

- Không uống mật cá. Mật cá trắm được truyền miệng có tác dụng tăng cường sức khỏe nhưng thực tế, mật cá trắm có chất độc có thể gây suy gan và suy thận cấp.

- Cóc hay được dùng làm thực phẩm bồi dưỡng cho người già và trẻ em nhưng nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh. Nếu gặp tình trạng ngộ độc, tiên lượng rất nặng, tỷ lệ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao. Để phòng tránh ngộ độc độc tố có trong thịt cóc, người dân không nên ăn thịt cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc.

- Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu...

Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể nhanh chóng gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, người bệnh cần được nhanh chóng đưa người tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-doc-to-tu-nhien-can-de-phong-post1480327.html