Những dự án ngàn tỉ vì sao chậm tiến độ?
TP.HCM quyết tâm bứt phá hạ tầng nhưng hàng loạt dự án ngàn tỉ ở khu đông, từ An Phú, Mỹ Thủy đến các tuyến đường vành đai, đường nối lại đang bị chậm tiến độ bởi những khó khăn tồn tại cũ.
LTS: Trong văn bản mới đây Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban hạ tầng) khẩn trương làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có hướng giải quyết việc dự án nút giao An Phú và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát liên tục chậm tiến độ.
Ngoài hai dự án trên, thực tế tại TP.HCM nhiều dự án được coi là trọng điểm liên tục chậm tiến độ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong bối cảnh ấy rất cần một “nhạc trưởng” nhanh chóng giải quyết những tồn động này để tiếp “lửa” cho hạ tầng kết nối, liên thông các tuyến đường, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn.
Nút giao An Phú hiện là điểm kết nối chiến lược của hàng loạt trục giao thông huyết mạch phía đông TP.HCM: Từ Đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định cho đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Với mật độ phương tiện dày đặc, khi dự án nút giao An Phú “trễ nhịp” cũng chính là lúc người dân còn phải chịu cảnh kẹt xe triền miên.
Nút giao An Phú, Mỹ Thủy: Tiến độ chậm, ùn tắc triền miên
Ghi nhận của báo Pháp Luật TP.HCM, tại công trường nút giao An Phú (phường Bình Trưng, TP.HCM), hằng ngày người dân và các phương tiện đều đối mặt với nỗi ám ảnh về ùn tắc giao thông.
“Cao điểm ùn ứ thường rơi vào khung giờ sáng từ 6 giờ đến 8 giờ và chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30. Riêng thứ Sáu, lượng xe container từ các tỉnh đổ về cảng Cát Lái khiến khu vực này luôn trong tình trạng nghẹt thở. Các hướng đổ về đều kẹt, mỗi lần qua đây như bước vào một trận chiến. Thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng, áp lực cho tài xế và doanh nghiệp là rất lớn” - tài xế Lâm Đình Khoa ngao ngán.

Nút giao Mỹ Thủy (khởi công từ năm 2016), đến tháng 6-2025 mới đạt khoảng 39% tiến độ. Ảnh: THUẬN VĂN
Chị Nguyễn Thị Y Phụng, mỗi ngày di chuyển từ chỗ làm đi qua hầm chui sông Sài Gòn, rồi theo Đại lộ Mai Chí Thọ, di chuyển tới nút giao An Phú, lắc đầu ngao ngán: “Áp lực giao thông khi qua khu vực thi công nút giao An Phú là rất lớn. Mỗi ngày, người dân sống trong khu vực luôn mong mỏi dự án hoàn thành, tháo dỡ rào chắn, tổ chức lại giao thông để đi lại dễ thở hơn”.
Đến thời điểm hiện nay, tiến độ thi công 10 gói thầu xây lắp chính của dự án nút giao An Phú vẫn còn nhiều vướng mắc. Được kỳ vọng là điểm giải cứu giao thông phía đông nhưng sau gần ba năm khởi công, đến nay nút giao An Phú mới chỉ đạt 68% tiến độ (tính đến tháng 6-2025), tăng 13% so với tháng 9-2024.
Gói thầu XL6 làm hầm chui HC1-02 đã đạt 67% tiến độ, hoàn thành 17/21 đốt hầm. Trong khi đó nhiều gói thầu khác vẫn đang “ì ạch” chậm tiến độ. Điển hình là hai gói thầu XL12 và XL13 mới đạt 11%-15%. Với gói thầu XL12 xây dựng nhánh 2 cầu vượt đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, sản lượng chỉ tăng 5% trong chín tháng qua.
Nguyên nhân của chậm tiến độ chính là “căn bệnh trầm kha” mang tên giải phóng mặt bằng cùng hàng loạt nguyên nhân khác.
Đặc biệt, khu đất 22.000 m² thuộc khu đô thị An Phú dù đã được cảnh báo từ nhiều năm trước vẫn án ngữ tiến độ của toàn dự án. Diện tích này nằm trải dọc đường Lương Định Của, kéo theo cả đoạn đường dài 600 m chưa thể triển khai thi công vì không có đất để làm.

Khu đất 22.000 m2 thuộc khu đô thị An Phú chậm giải phóng mặt bằng một trong những nguyên nhân cản trở tiến độ của toàn dự án. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo kế hoạch, công trình nút giao An Phú sẽ hoàn thành trong năm 2025. Trong bối cảnh chỉ còn năm tháng nữa là đến hạn hoàn thành theo cam kết, câu hỏi lớn nhất hiện nay là: Bao giờ khu đất 22.000 m² kia mới được “gỡ nút”, để một trong những công trình kỳ vọng nhất TP không tiếp tục lỡ hẹn, chậm tiến độ thêm nữa.
Trong bản đồ các dự án hạ tầng trọng điểm đang bị “níu chân” tại TP.HCM, nút giao thông Mỹ Thủy (phường Cát Lái) hiện lên như một điểm nghẽn gai góc.
Tọa lạc ở vị trí chiến lược, nơi hội tụ các tuyến huyết mạch như đường vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, nút giao này không chỉ đóng vai trò điều phối luồng giao thông đô thị mà còn là cửa ngõ gần như duy nhất dẫn vào cảng Cát Lái.
Dự án được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán quá tải kéo dài nhiều năm quanh cảng Cát Lái, nơi được ví như “yết hầu” của hoạt động xuất nhập khẩu khu vực phía Nam thay vì trở thành một đại công trường sôi động, hối hả như kỳ vọng, Mỹ Thủy suốt gần một thập niên tiếp tục gắn liền với hình ảnh dở dang, chậm tiến độ, ì ạch, nơi lời hứa về tiến độ nối tiếp nhau rồi vỡ vụn.
Mỗi ngày, hàng ngàn lượt xe container và xe tải nặng rền vang động cơ, chen chúc giữa biển xe cá nhân tại nút giao này. Dòng xe rồng rắn, cuộn chặt các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống trong những giờ cao điểm căng thẳng. Tiếng thắng rít, mùi khói dầu nồng nặc và lớp bụi dày đặc trở thành “bầu không khí thường nhật” đối với hàng ngàn hộ dân tại khu vực này.
Nguyên nhân chậm tiến độ không mới nhưng hậu quả thì ngày một rõ ràng hơn, công tác giải phóng mặt bằng theo kiểu “da beo”, manh mún khiến toàn bộ công trường như một tấm chăn vá tạm bợ. Nhà thầu không thể triển khai thi công đồng bộ, thiết bị không thể tập trung, tiến độ rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
Từ sự chậm tiến độ đó, Mỹ Thủy đã trở thành nỗi lo về an toàn. Sự trì hoãn kéo dài khiến việc quản lý công trường trở nên lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đơn cử là vụ tai nạn hồi cuối tháng 5, một cần cẩu bất ngờ đổ sập khi đang thi công, đè trúng hai xe tải đang lưu thông trên đường.
Nút giao Mỹ Thủy (khởi công từ năm 2016), đến tháng 6-2025 mới đạt khoảng 39% tiến độ, dù đã trôi qua gần một thập niên thi công. Sau gần chín năm thi công, dự án nút giao Mỹ Thủy hơn 3.400 tỉ đồng hứa hẹn sẽ được bàn giao dứt điểm các mặt bằng còn lại trong quý III-2025 và tập trung đẩy nhanh, cải thiện việc chậm tiến độ, thi công hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30-4-2026.

Nút giao Mỹ Thủy, một trong những công trình cần đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: N.NGỌC
Khu đông “kẹt” hàng loạt siêu dự án
Ngoài các nút giao quan trọng, khu đông còn có các “đại dự án” còn ngổn ngang, chậm tiến độ.
Không kém phần bế tắc, đoạn nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (thuộc đoạn 3 của dự án đường vành đai 2), phường Tam Bình vẫn chưa thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn sau nhiều năm đình trệ.
Dự án được khởi công từ năm 2017, mang theo kỳ vọng giải quyết bài toán kết nối giao thông khu đông với các tuyến huyết mạch khác của TP.HCM. Thế nhưng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thủ tục đầu tư và thanh toán quỹ đất đã khiến công trình chậm tiến độ suốt năm năm qua.
Từng được kỳ vọng là mảnh ghép quan trọng để hoàn chỉnh trục đường vành đai 2, đoạn đường dài 2,7 km này giờ đây chỉ còn là bức tranh hoang hóa, u ám.
Ghi nhận giữa tháng 7 cho thấy toàn bộ công trường không còn dấu hiệu của một dự án đang thi công. Hàng đống vật liệu sắt thép hoen gỉ nằm phơi mình dưới nắng mưa, phủ lớp bụi thời gian. Cỏ dại phủ kín các hạng mục dang dở, che mờ hình hài của một công trình từng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ.
Một phần cầu cạn hiện nằm chỏng chơ giữa khu dân cư mà không có bất kỳ hàng rào bảo vệ nào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Máy móc, công nhân vắng bóng, thay vào đó là đàn gia súc được người dân tận dụng chăn thả trong khu vực bỏ hoang. Nước đọng lâu ngày, rác thải và cỏ mọc tràn lan khiến nơi đây trở thành điểm tụ ô nhiễm trong mùa mưa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh, là những hình ảnh của công trình chậm tiến độ này.
Ông Bình, người dân phường Tam Bình, chia sẻ đầy tâm tư: “Người dân ở đây mong mỏi từng ngày công trình được khởi động lại. Để thế này vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Nắng thì bụi mù mịt, mưa thì đường sá lầy lội, nhếch nhác. Chúng tôi chỉ mong dự án không còn chậm tiến độ, sớm được tiếp tục để cuộc sống trở lại bình thường”.
Về dự án này, UBND TP đang chỉ đạo Tổ công tác do Sở Xây dựng làm tổ trưởng cùng Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị liên quan đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án (điều chỉnh dự án, đàm phán phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất, giải phóng mặt bằng...) để tiếp tục triển khai thi công các hạng mục còn lại. Hay mới đây nhất, Nghị quyết 212 của Chính phủ ra đời để tháo gỡ vướng mắc cho đoạn 3, đường vành đai 2, mang đến nhiều hy vọng dự án sắp được hồi sinh.

Thi công đẩy nhanh tiến độ đường nối cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Thuận Văn
Ngoài đường vành đai 2, gói thầu XL1 đoạn kết nối nhánh từ đường vành đai 3 TP.HCM, khu vực nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Ban giao thông đảm nhận có tiến độ thi công “trái ngược” với phần đường dẫn phía cầu Nhơn Trạch và một phần kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng thông xe vào ngày 19-8.
Theo quan sát thực tế, đoạn đường dẫn phía cầu Nhơn Trạch cùng phần kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất. Mặt đường đã được trải nhựa bằng phẳng, êm thuận; hệ thống trạm thu phí cũng đã được lắp đặt đầy đủ, sẵn sàng đưa vào khai thác.
Trái ngược, gói thầu XL1 - đoạn kết nối từ đường vành đai 3 TP.HCM đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, do Ban giao thông phụ trách vẫn còn nhiều hạng mục đang thi công dang dở.
Tại khu vực vòng xoay trung tâm, điểm giao giữa đường vành đai 3 và đường dẫn cầu Nhơn Trạch, một số máy móc làm việc, các trụ cầu và dầm đang được lắp dựng, nhiều đoạn đường mới được trải đá. Đây là một trong những điểm nóng về tiến độ, nơi các đơn vị thi công đang nỗ lực “chạy nước rút” để thu hẹp khoảng cách so với phần dự án đã hoàn thành.
Trước đó, TP.HCM đã yêu cầu Ban giao thông phải đảm bảo tiến độ một số hạng mục gói thầu XL1 của dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TP.HCM để khai thác đồng bộ với dự án cầu Nhơn Trạch. TP.HCM yêu cầu thông xe một số hạng mục từ tháng 4, sau đó dời đến tháng 6 nhưng hiện kế hoạch phải lùi tiếp đến cuối tháng 9.
Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục cho biết cầu Nhơn Trạch hiện đã hoàn thành khoảng 99% khối lượng và sẵn sàng đưa vào khai thác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tuyến đường kết nối cầu với đường vành đai 3 TP.HCM.
Ban giao thông cho biết một số hạng mục thuộc gói thầu XL1 phải đến cuối tháng 9-2025 mới xong. Lý do vì thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ, đặc biệt là các đợt mưa giông kéo dài từ giữa tháng 5 đến nay. Để “chữa cháy”, các bên liên quan thống nhất làm đường tạm cho xe chạy hai chiều, kết nối cầu Nhơn Trạch với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đại diện Ban giao thông cho biết đang triển khai công việc đúng theo tiến độ do UBND TP.HCM giao và cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn đường dẫn nối cầu Nhơn Trạch giai đoạn 1 vào ngày 19-8 và hoàn tất toàn bộ hạng mục vào ngày 30-9.
Nút giao An Phú liên tục bị nhắc nhở về tiến độ
Về nút giao An Phú, trong văn bản ngày 18-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực tế tình hình thi công tại hai dự án nêu trên. Từ đó tổng hợp, phân tích, tham mưu, đề xuất UBND TP các giải pháp toàn diện nhằm chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ.
Trong đó phải có đề xuất, phân định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của từng đơn vị (chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát...) và cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó là xây dựng, đề xuất các biện pháp chế tài đủ mạnh, cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình và các quy định hợp đồng khác.
Đây không phải là lần đầu tiên nút giao quan trọng ở cửa ngõ phía đông TP này được lãnh đạo TP quan tâm về tiến độ. Trong lần khảo sát thực địa tại dự án này vào tháng 3-2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức (cũ) nhanh chóng tìm phương án tháo gỡ để giúp chủ đầu tư hoàn thiện nút giao An Phú trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, khi khởi công vào cuối năm 2022, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) từng cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30-4-2025. Tuy nhiên, tiến độ liên tục trễ hẹn khiến mốc này được lùi sang cuối năm 2025.
Trước đó, trong tháng 5-2025, gói thầu hầm chui HC1 cũng liên tục lùi tiến độ. Ngày 26-4, tại Văn bản số 2606/BQLDAGT-KHĐT gửi UBND TP.HCM, Ban giao thông xin nhận khuyết điểm trước UBND TP vì không thể thông xe hầm chui HC1 vào ngày 29-4 như dự kiến (thay vào đó là thông ngày 9-5) và sẽ có báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về việc này như UBND TP đã chỉ đạo.
Song đến ngày 7-5, Ban giao thông cho biết tiến độ thông xe hầm chui HC1 tiếp tục điều chỉnh, lùi lại so với dự kiến ban đầu, hầm HC1 sẽ được đưa vào khai thác ngày 30-6. Tại thời điểm đó, đây là lần thứ ba tiến độ thông xe hầm HC1 bị điều chỉnh. Trước đó, hầm chui này từng được kỳ vọng hoàn thành vào ngày 29-4, sau đó là ngày 9-5 và cuối cùng chính thức thông xe trưa 30-6.
Nút giao An Phú liên tục được quan tâm tiến độ. Ảnh chụp trước khi thông hầm HC1. Ảnh: N.N

Hầm HC1 nút giao An Phú thông xe sau nhiều lần dời tiến độ. Ảnh: NN
Địa phương “sốt ruột” vì công trình trọng điểm chậm tiến độ
Nút giao An Phú là đầu mối giao thông phục vụ nhu cầu đi lại trong nội thành, kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm.
Đại diện UBND phường Bình Trưng, TP.HCM cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP liên quan tiến độ thi công của dự án nút giao thông An Phú.
“Ban giao thông tổ chức thi công chậm (thi công nhỏ lẻ, cầm chừng) làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, PCCC, vệ sinh môi trường và chưa đảm bảo việc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật dùng chung nhằm phát huy hiệu quả khai thác phục vụ cộng đồng của khu vực dự án và của địa bàn phường Bình Trưng” - UBND phường Bình Trưng nhận định.

Nút giao An Phú đang thi công. Ảnh: THUẬN VĂN
Từ thực tế trên, UBND Bình Trưng đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Chỉ đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm (chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính) và các nhà đầu tư thứ cấp đang thực hiện dự án khu đô thị phát triển An Phú phải đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án khu đô thị Phát triển An Phú theo quy định.
Đặc biệt là phần đất cần khẩn trương thu hồi để bàn giao và thực hiện dự án xây dựng nút giao thông An Phú và dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; khẩn trương thực hiện đầu tư hoàn chỉnh đường Nguyễn Hoàng (phần còn lại trong ranh dự án 88,03 ha) để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông của khu vực.
Địa phương mong muốn dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, giảm áp lực ùn tắc, nâng cao chất lượng sống cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển bền vững của khu vực trong thời gian tới” - lãnh đạo UBND phường Bình Trưng nói.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện UBND phường Cát Lái, TP.HCM cho biết ngay sau khi chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị hai cấp, phường đã nhanh chóng bắt tay vào việc rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án nút giao thông Mỹ Thủy.
Với tinh thần chủ động, phường đã trực tiếp đến từng hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng bởi dự án để thông tin lại về quy mô, mục tiêu công trình, đồng thời lắng nghe và giải đáp cụ thể các vướng mắc, băn khoăn của người dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng, phường cũng tích cực phối hợp với chủ đầu tư là Ban giao thông và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức (trước đây) để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, vốn đang là điểm nghẽn lớn nhất khiến dự án chậm trễ.
UBND phường Cát Lái nhận định nút giao Mỹ Thủy không chỉ là đầu mối giao thông quan trọng, mà còn là cửa ngõ then chốt dẫn vào cảng Cát Lái. Việc dự án kéo dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn gây tác động đến hoạt động logistics, vận tải và chuỗi cung ứng của cả khu vực phía Nam.
Chính vì vậy, chính quyền phường luôn mong muốn dự án sớm được hoàn thiện, đưa vào khai thác, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông vốn đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân suốt nhiều năm qua. Trong thời gian tới, phường cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nỗ lực giải phóng toàn bộ phần mặt bằng còn lại trong năm nay, tạo điều kiện thuận lợi để dự án có thể tăng tốc và về đích đúng kỳ vọng. NHƯ NGỌC
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-du-an-ngan-ti-vi-sao-cham-tien-do-post862652.html