Những dũng sĩ lẫy lừng núi rừng Mơ Nông

Ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sáp nhập thành một tỉnh Lâm Đồng có diện tích lớn nhất trong số 34 tỉnh thành mới cả nước. Cao nguyên Mơ Nông với trung tâm là Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông sẽ có vai trò quan trọng về mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh mới.

Lịch sử hình thành, phát triển cao nguyên này đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, trong đó có những câu chuyện nghĩa khí về những dũng sĩ đã đứng lên chống giặc ngoại xâm giữ lấy vùng đất còn ít được biết đến.

Biểu tượng NTrang Lơng

Cao nguyên Mơ Nông giáp cao nguyên Đắk Lắk ở phía bắc, cao nguyên Di Linh ở phía nam với giới hạn là đoạn sông Đồng Nai và sông Đăk N'Đrung chảy qua theo hướng đông tây, còn phía đông giáp cao nguyên Lâm Viên, phía tây là Campuchia. Cao nguyên trải dài và xoải thấp dần từ đông sang tây, chiều dài khoảng 500km tính từ dãy núi Lang Biang sang đến đồng bằng Kratie, Stung Treng ở Đông Bắc nước bạn.

Các nhà địa chất ví địa thế cao nguyên Mơ Nông như một mái nhà và cho rằng đây là “mái nhà của Cực Nam Đông Dương”. Đường nóc mái nhà là một cao nguyên dài và hẹp, người Mơ Nông gọi là Yôk Luaich, có nghĩa là “Cao nguyên Đồi Cỏ”. Từ đường nóc này đổ xuống bốn phía là những sườn dốc với những mạng lưới sông suối dày đặc ở phía bắc và phía tây chảy xuống các sông Srêpốk, Prêk Tê và Prêk Chlong để đổ vào sông Mê Kông, còn ở phía đông và phía nam thì chảy xuống các sông Đồng Nai, sông Bé để đổ ra Biển Đông.

Tượng đài Anh hùng NTrang Lơng.

Tượng đài Anh hùng NTrang Lơng.

Theo nhà nghiên cứu Y Thịnh, từ lâu đời cao nguyên này là địa bàn cư trú của tộc người Mơ Nông, một phần là người Stiêng, về sau thêm người Ê Đê, Mạ. Tuy nhiên, sau những đợt di dân tới nay đã có hơn 40 dân tộc cùng cư trú, trong đó người Mơ Nông vẫn chiếm số lượng đông nhất cao nguyên. Vì vậy, nói tới lịch sử cao nguyên Mơ Nông cũng chính là nói về lịch sử người Mơ Nông với quá trình sinh tồn, phát triển gắn liền với những nhân vật tiêu biểu, mà đỉnh cao là hình tượng anh hùng dân tộc quen thuộc NTrang Lơng.

Ông sinh tháng 3/1870 tại bon Bu Par phía bắc cao nguyên Mơ Nông, thời điểm một số người Mơ Nông đứng trong hàng ngũ liên quân khởi nghĩa Trương Quyền - Pu Kom Pô đang quyết liệt chống Pháp ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Lớn lên NTrang Lơng đến cư trú và làm tù trưởng của bon Bu NTrang. Viên chỉ huy Henri Maitre được lệnh Toàn quyền Paul Doumer nhiều lần cho người đi gặp thuyết phục NTrang Lơng hợp tác với Pháp nhưng không thành, bèn cho lính hành quân càn quét cướp bóc, giết chết dã man cả vợ con ông. Không chịu khuất phục âm mưu thống trị cao nguyên Mơ Nông và cả Tây Nguyên của thực dân Pháp, NTrang Lơng đã kêu gọi nhân dân đứng lên chống quân xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa do NTrang Lơng lãnh đạo kéo dài từ 1912 đến 1936 đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Nghĩa quân đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, bất ngờ phản công quét sạch hệ thống đồn bốt địch, giải phóng một vùng rộng lớn cao nguyên Mơ Nông. Đặc biệt, trận nghi binh trá hàng tiêu diệt Henri Maitre tại đồn Bu Nôrp diễn ra vào tháng 7/1914 là một chiến công vang dội mang tính lịch sử. Ngoài viên chỉ huy hống hách còn có hơn 30 lính Pháp bị nghĩa quân đầu độc rượu giết chết, thu nhiều vũ khí.

Vốn chỉ tên là Lơng, sau trận đánh này ông được nhân dân khâm phục, ngưỡng mộ gọi là NTrang Lơng (Anh hùng Lơng). Trong dân gian các bộ lạc Tây Nguyên còn truyền tụng rằng NTrang Lơng là con thần trời, có khả năng biến mặt mình thành mặt chim, có thuốc thoa dao đâm đạn bắn không thủng da của Anh hùng NDăm Leng Gung từ thời xa xưa.

Người hùng Brung nối gót Anh hùng N'Dăm Leng Gung

Vào thời kỳ Vương quốc Chiêm Thành của người Chăm (Prum) thống trị các bộ lạc Mơ Nông, dân cao nguyên bị đối xử rất man rợ. Ngoài việc nộp thuế bằng lúa, gạo, voi, trâu, bò, dê còn phải nộp hàng triệu dây mây mỗi người hàng năm. Có khi người Mơ Nông bị trói dắt đi từng hàng như trâu bò để huấn luyện làm lính trận hoặc lao động khổ sai. Như lời truyền miệng:

Chiêm Thành ác như ma quỷ dữ
Coi ta như mèo, cột luôn bằng dây mây
Thanh niên nam nữ, họ bắt làm lính ác
Ta tranh cãi, nó cắt cổ mình.

Trong hoàn cảnh ấy người hùng Brung xuất hiện. Vào mùa khô năm 1215, một tốp lính Chiêm Thành người bản xứ Mơ Nông gồm 17 người, vì nhớ tiếng chuông chùa bên thác Leng Gung quê mà bỏ trốn về. Brung là người thông minh tài giỏi đứng đầu nhóm. Vì biết tướng chỉ huy Chiêm Thành sẽ cho quân đuổi theo nên khi về tới các bon Dơng, Jôc Ju, Phê Pris, họ đã tập hợp lại bàn với các già làng cách chống cự.

Các bon đặt trong tình trạng cảnh giác cao, chuẩn bị sơ tán người già và trẻ em vào rừng sâu, cất giấu dự trữ lúa gạo và thực phẩm. Quanh các bon còn đào hào đắp lũy, cắm chông gài bẫy, giăng dây gai. Người trẻ được huấn luyện các cách đánh trận dựa vào ưu thế hiểm trở của rừng núi.

Từ năm 130, quân Chiêm Thành đã tấn công cao nguyên Mơ Nông lần thứ nhất. Người Mơ Nông dưới sự lãnh đạo của Anh hùng Ndăm Leng Gung đã dũng cảm đẩy lui quân giặc. Bây giờ, mùa thu lúa rẫy 1243, quân Chiêm Thành tại tấn công qui mô lần thứ hai. Quân dân Mơ Nông do dũng sĩ Brung chỉ huy đã đánh nhau với giặc nhiều trận ác liệt, cuối cùng buộc chúng phải rút lui hoàn toàn về đồng bằng duyên hải.

Vượt khỏi cao nguyên Mơ Nông, Brung chỉ huy đoàn quân tiếp tục truy kích địch trên đất Chiêm Thành. Cuộc chiến ngày càng quyết liệt hơn. Lãnh tụ Brung đã hy sinh giữa trận tiền. Đó là ngày 23/2/1257. Nghe tin cấp báo, cả dân tộc Mơ Nông tiếc thương, phong tặng cho Brung danh hiệu Ndăm Pri (Chàng dũng sĩ núi rừng) và ghi công Klâng mro (Đời đời nhớ ơn anh).

Từ thời điểm Anh hùng Brung hy sinh đến đầu thế kỷ XIX, cao nguyên Mơ Nông là vùng đất độc lập tự do dù không có thể chế nhà nước và không phụ thuộc quốc gia nào. Các bon tự quản theo luật tục dưới sự lãnh đạo của các chủ làng, già làng. Có một vài bộ lạc Mơ Nông bị các vương quốc Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La tìm cách kiểm soát để thu sưu thuế nhưng không đáng kể và luôn phản kháng.

Mối tình dũng sĩ NThu và bông hoa đẹp núi rừng Yă Wam

Năm 1843, tại bon Jâng Ndrâm ở gần suối Dak Dăm xảy ra một sự cố chấn động. Vì mâu thuẫn tranh chấp đất rừng, đánh giết người ma lai không minh bạch, không được dân làng đồng thuận nên các bon đã chống cự lẫn nhau. Già làng Ngky uy tín đã nhiều lần đứng ra phân xử nhưng không phải ai cũng thỏa mãn.

Sau khi già làng Ngky qua đời, một bộ phận dân làng vì thù ghét mà bắt vợ con ông là bà KNul và con trai NThu nhốt vào hang đá. Sau vài ngày, hai mẹ con may mắn trốn thoát. NThu lúc đó mới 14 tuổi nhưng thông minh và có sức mạnh hơn người, đã đưa mẹ cùng vài chục người thân tín xuôi dòng sông Sêrêpốk đến thác bảy nhánh lập bon mới Ngcô khai hoang làm rẫy.

Bon Ngcô sau này chính là Buôn Đôn, một vùng đất rộng lớn phía nam cao nguyên Mơ Nông. Ở đây bấy giờ toàn rừng nguyên sinh có nhiều thú hoang, đặc biệt là loài voi. Từ năm 17 tuổi, NThu bắt đầu lập các đội 3-5 người đi săn voi rừng về thuần dưỡng rồi đem bán đổi lúa gạo, chiêng ché, vải lụa. Về sau NThu lập hẳn đội săn voi chuyên nghiệp hàng trăm người, trong đó có những thợ săn cự phách như Prung, tức Ama Công lừng danh.

Riêng NThu có biệt tài chỉ cần nghe tiếng voi hú hay nhìn thấy dấu chân voi là ông biết đàn voi ấy có bao nhiêu con, đang di chuyển hướng nào, con voi đực dữ tợn đứng một mình cách voi đàn bao xa. Chẳng những ở cao nguyên Mơ Nông mà đội săn voi thiện chiến của NThu còn ngang dọc khắp các cao nguyên xứ Đông Dương và một phần núi rừng Xiêm La. NThu được xem như “vua voi” và người Mơ Nông là dân tộc duy nhất có biệt tài săn voi.

Vào năm 1856, NThu gặp Yă Wam, một bông hoa núi rừng tuyệt đẹp người Ê Đê. Bà Yă Wam tài đức vẹn toàn là tù trưởng đầy uy thế được suy tôn là Mtao Yă (Vua Bà). Mối tình giữa dũng sĩ săn voi và nữ tù trưởng không chỉ giúp liên kết chặt chẽ hai cộng đồng người Mơ Nông và Ê Đê mà còn là sự hợp lực chống giặc ngoại xâm và xây dựng Tây Nguyên thịnh vượng.

Năm 1857, hai vợ chồng Yă Wam và NThu đã phục binh đẩy lùi một cuộc xâm lăng của quân Xiêm, rồi bằng sự nhân đạo đã thuyết phục, hòa hiếu với triều đình vương quốc này. Ông NThu còn được vua Xiêm mời sang thăm và nhân dịp này ông tặng cho họ một đôi bạch tượng như một lễ vật ngoại giao ý nghĩa.

Ông bà cũng chặn đứng một âm mưu xâm lấn về phía nam của vua Lào Anuvong và tìm cách hòa hoãn với người Pháp khi họ âm mưu chiếm cứ. Nhờ sự khéo léo của vợ chồng NThu mà Buôn Đôn đứng vững trước nhiều âm mưu, xây dựng phát triển thành một trung tâm thương mại quan trọng của Tây Nguyên và cả khu vực Đông Nam Á.

Trên cao nguyên Mơ Nông, hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long trên đại ngàn. Đây là một hồ nước ngọt mênh mông với rất nhiều ngọn núi nhô lên thành những hòn đảo lớn nhỏ trông xa xa đủ hình thù như rồng bay phượng múa hay những bầy thú đang hòa mình tung tăng giữa loáng bạc cao nguyên. Tà Đùng còn thu hút bởi những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng.

Nam Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-dung-si-lay-lung-nui-rung-mo-nong-i774439/