Những giọt nước mắt

Không biết tự lúc nào, chị Bàn Tay cùng các đồ vật trong nhà lại gắn bó và yêu quý nhau đến vậy. Suốt ngày, chị cần mẫn làm việc và động chạm đến các đồ vật trong nhà, nhiều khi không để chúng ngủ yên. Vậy mà chúng đều ngoan ngoãn cho chị chạm đến hoặc xê dịch đi chỗ này, chỗ khác. Thích nhất là anh Bộ Ấm Chén, sáng nào cũng được chị đặt nhẹ nhàng vào chậu nước trong vắt rồi kỳ cọ cho bóng loáng lên như mới. Các cô cậu trong Mâm Bát Đũa khi các chủ nhân vừa dùng bữa xong trông thật nhếch nhác. Vậy mà gặp chị Bàn Tay chỉ một loáng đã sáng choang. Sạch bong đến mức khi chị miết vào miệng bát đĩa, chúng thích chí reo lên những tiếng kin kít thật vui tai. Bác Chổi cũng nhờ có chị mà lao vào các xó xỉnh lùa hết bọn rác ra ngoài khiến căn nhà lúc nào cũng sạch sẽ, 'bói không ra cọng rác' - ấy là bác Chổi cố ý thưởng cho mình câu ngợi ca ấy, sau một lần nghe lỏm thấy chủ nhân của chị Bàn Tay tự khen như vậy…

Truyện ngắn:

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Chiếm một góc phòng của bà chủ là tủ quần áo với một ngăn nhỏ đựng quần áo cũ, phía trên phủ mấy mảnh bóng kính trong suốt. Bên ngăn to đựng quần áo đang dùng được gấp gọn gàng. Đứa nọ ôm lấy đứa kia hít hà mãi hương nắng từ người chúng bay ra.

Đã lâu rồi, ngăn tủ bé không được chị Bàn Tay động đến. Những bộ quần áo cũ im lìm nằm bên nhau. Tối đến, các bạn ngăn bên sau khi được phơi nắng, thơm tho lại được chị Bàn Tay khéo léo gập gọn xếp vào, thì tất cả quần áo cũ bên ngăn nhỏ mới choàng tỉnh giấc. Chúng cùng ngước cặp mắt thèm khát vươn ra thế giới bên ngoài cánh tủ, cùng phập phồng cánh mũi hít hà rồi thầm thì với nhau:

- Ôi! Hôm nay chị Bàn Tay lại vẩy hương lên các bạn ấy. Bao giờ bọn mình mới được chị quan tâm đến?

- Các bạn ấy thích thật đấy!

- Chúng mình cũng có một thời kỳ được nâng niu như vậy mà. Giờ bà chủ cùng các cô cậu không cần đến chúng mình nữa đâu! Hu Hu…

- Chị Bàn Tay ơi! Chị Bàn Tay ơi!

Một đứa cố ngóc đầu dậy gọi, nhưng chị Bàn Tay nào có nghe thấy.

Sau một hồi buồn bã về thân phận và ngập tràn nỗi ghen tỵ như vậy, cả lũ ngáp ngắn, ngáp dài nằm im rồi lại vùi đầu vào giấc ngủ triền miên. Trong giấc mơ của chúng thoang thoảng hương thơm mát từ ngăn tủ bên đưa lại.

Một ngày, chợt có tiếng nói từ cô chủ:

- Hôm nay nhân mẹ đi vắng, mình phải dọn bỏ hết chỗ quần áo cũ này cho đỡ chật tủ.

Cả lũ bật dậy, ngơ ngác nhìn chị Bàn Tay đang thoăn thoắt mở ngăn. Năm ngón tay búp măng sắp chạm lên da thịt chúng rồi. “Ối! Đừng mà! Đừng mà!”. Cả bọn đồng loạt kêu lên rồi chúi đầu vào nhau rền rĩ. Lần đầu tiên chúng hoảng sợ đến thế!

Chị Bàn Tay điềm nhiên ngồi lên lớp giấy bóng. Rột roạt, rột roạt. Mấy lớp bóng kính được nhặt ra. “Ôi bao nhiêu là quần áo cũ!”. Chị kêu lên...

Cả lũ xôn xao. Tự nhiên chúng níu vào nhau không muốn rời ngăn tủ thân thuộc đã gắn bó hàng bao nhiêu năm trời với chúng.

Bàn Tay nhấc lên một cái áo nữ màu xanh da trời lẩm bẩm:

- Áo này trước của ai nhỉ? Sao có vết xước ở chỗ khuỷu tay thế này?

Chiếc áo trầm mặt xuống “Chị không nhớ sao. À mà hồi đó chị chưa ra đời. Tôi thuộc về bà chủ. Bà yêu quý tôi lắm. Trong các buổi hội họp bà hay diện tôi vào. Còn vết xước này… Vết xước này… Hôm đó, bà chuẩn bị đi làm thì cậu chủ mới 2 tuổi lon ton chạy theo. Bà quay lại, đúng lúc cậu đang đà chạy nhanh, vấp ngã trên sân trơn nước mưa, lao chúi đầu về phía trước đang để một chồng gạch. Bà chủ chỉ kịp lao đến ôm lấy con. Đúng lúc, đầu cậu chủ sắp chạm đến góc nhọn của chồng gạch gần nhất. Vì bà lao ra nhanh quá, bị trượt ngã, va mạnh vào chúng khiến bà bị xây xước hết cánh tay đấy!”.

Chị Bàn Tay tần ngần, vuốt ve lại cái áo rồi gập lại gọn gàng như ban đầu.

Chị nhặt lên chiếc áo sơ mi rất cũ nhưng sờn hết hai vai và đằng sau lưng đã loăn xoăn mấy nếp nhăn. Chị vuốt nhẹ nhưng những vết nhăn vẫn cứng cổ không chịu duỗi ra. Chị cau mày vừa vuốt tiếp vừa cố nghĩ tại sao trong tủ giờ vẫn còn cái áo cổ lỗ sĩ của mấy chục năm trước thế này? Đúng lúc đó có tiếng rên se sẽ “Ái chà! Vuốt nhẹ thôi, tôi đau hết cả gân cốt rồi này” - “Vậy bạn từ đâu đến? Chị Bàn Tay sẽ sàng hỏi - Tôi ở đây thôi. Tôi là bộ cánh của bà chủ thời xưa đấy. Mấy chục năm trước, cuộc sống quá khó khăn. Bà chủ một nách mấy con nhỏ, chồng đi bộ đội xa nhà. Bà đã bươn trải rất nhiều nghề để nuôi các con. Bà chuyên địu con trên lưng khi làm mọi việc. Do địu nhiều quá mà dây địu tì lên sờn hết vai áo. Thân địu - thực ra có các cô cậu chủ trên đó - chịt vào lưng khiến nó nhăn nhúm thế ấy”…

Bàn Tay rưng rưng nghe Áo Nhăn tâm sự. Bất chợt, Áo Nhăn ngoái sang bên cạnh:

- Chị Địu, chị còn đấy không?

Góc trong có một bó vải ngọ nguậy, ngọ nguậy rồi một chiếc địu may theo kiểu của người dân tộc vùng cao lăn ra với hai dải địu dài màu chàm, mặt địu là miếng vải hoa đào đã cũ sờn, nhưng cái địu ấy vẫn còn chắc chắn lắm.

Chị Bàn Tay thú vị lấy địu ra ấp vào người chủ nhân rồi xoay xoay. Thật là một cái địu lạ mắt mà chủ nhân của chị chưa nhìn thấy bao giờ. Chủ nhân chỉ biết những cái địu của thời hiện đại bán đầy ở các siêu thị. Những cái địu ấy tiện dụng, có thể để em bé ngồi thoải mái, người bế chỉ cần dùng một tay đỡ. Còn địu này, cô chưa mường tượng cách dùng thế nào… Khi được Bàn Tay cuốn gọn đặt xuống bên cạnh các bạn, chị Địu tiện tay kéo ra một tấm áo trẻ con loang lổ mực xanh, mực tím. Thấy Bàn Tay còn đang ngạc nhiên, chị Địu ríu ran kể:

- Đây là cái áo cậu chủ ngày đầu đi học lớp 1. Cậu nghịch lắm, mực dây hết ra quần áo. Cậu lại đánh nhau với cậu bé cùng bàn làm đổ lọ mực tím vào người. Thế là cậu bị ông tét cho một trận. Hi hi…

Sau đó, từng chiếc áo, quần, khăn, gối cũ nhảy vào chị Bàn Tay và tự kể về xuất xứ của mình. Chiếc gối đôi thêu cặp chim ngậm cành hoa, kỷ vật thời ông bà chủ về ở cùng nhà. Bộ quần áo lọt lòng bé xíu của chính cô chủ ngày mới ra đời. Lại có cái áo của ông chủ đã phải may lộn cổ áo vì cổ áo bị sờn rách. Hồi đó nhà nghèo, ông bà phải chắt chiu tằn tiện từng tý một để nuôi các con...

Chị Bàn Tay thấy một chiếc áo bộ đội nằm im lìm trong cùng. Chị nhấc lên. Chiếc áo còn mới nhưng lại có vệt sẫm ở phần tay và ngực.

- Còn bạn? Bạn rất mới nhưng sao lại có vết sậm màu ở tay và ngực vậy? Chắc là trước đây bạn theo chủ nhân đi rừng bị nhựa cây bám vào, đúng không? - Bàn Tay lên tiếng hỏi.

Mãi rồi Áo Bộ Đội mới cất giọng khàn đục:

- Tớ thuộc về ông chủ. Năm ấy, ông là tân binh, được phát quân trang. Ông để dành một bộ mới để khi được về nghỉ tranh thủ, còn mặc khoe với bố mẹ! Nhưng chưa kịp về thì ông đã lên biên giới. Trong trận giữ chốt mùa xuân năm ấy, đồng đội bị trúng đạn. Ông bế lên và anh ấy hy sinh ngay trong vòng tay ông. Máu anh ấy ướt đẫm ngực áo mới này… Sau đó, ông đã nhiều lần giặt áo bằng xà phòng nhưng vết bầm ấy vẫn nằm mãi ở đây…

Chị Bàn Tay run run xòe cả thân mình xoa mãi, xoa mãi vào vết thẫm trên ngực Áo Bộ Đội. Những giọt nước mắt rơi xuống áo. Vệt bầm tươi lên màu đỏ thắm rồi biến mất, loang loáng hình ảnh anh bộ đội đang cười rạng rỡ. Giọt nước mắt rơi xuống chị Địu. Những bông hoa đào trên mặt chị bừng nở lung linh hồng rực. Giọt nước mắt rơi xuống anh Áo Lộn Cổ, những vệt ố mờ dần rồi biến hẳn, cho ra hình hài chiếc áo trắng tinh. Giọt nước mắt lăn xuống Áo Lấm Mực. Vết mực như tươi đậm hơn với hình ảnh chú bé học trò lớp 1 hồn nhiên, trong veo. Giọt nước mắt rơi xuống chị Áo Xanh Da Trời. Vết xước dài ở khuỷu tay biến mất, chiếc áo trở lại với màu xanh da trời thật tươi tắn - màu của ước mơ và hy vọng năm xưa…

Cứ thế… Nước Mắt rơi xuống xấp quần áo cùng vật dụng cũ ấy và điều kỳ diệu liên tiếp xảy ra. Tất cả trở nên tươi mới như hình hài lúc ban đầu. Từ người chúng một hương thơm dịu nhẹ lan tỏa. Ở đấy có mùi nắng thơm tho, mùi mưa ngai ngái. Có hương bếp lửa nồng nàn và mặn khét vị mồ hôi, nước mắt…

Tối, sau chuyến đi thăm đồng đội cũ về, cả ông bà chủ không hề biết ngăn quần áo cũ của mình đã có một sự xáo trộn không hề nhỏ, nhưng vẫn vẹn nguyên…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358319-nhung-giot-nuoc-mat