Những khung dệt cuối cùng của làng nghề chiếu cói Tiên Kiều

Từ hàng trăm khung dệt kẽo kẹt suốt ngày đêm, giờ đây làng nghề thủ công truyền thống Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) chỉ còn lác đác vài khung dệt đã xỉn màu cùng với thời gian.

Vợ chao thì chồng dệt. Vợ chồng ông Phạm Văn Thiếu đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề truyền thống

Vợ chao thì chồng dệt. Vợ chồng ông Phạm Văn Thiếu đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề truyền thống

"Em dệt đôi chiếu hoa cho anh trải giữa nhà"

Thật hiếm có nghề thủ công truyền thống nào đi vào thơ ca, nhạc họa nhiều như nghề dệt chiếu.

Em dệt đôi chiếu hoa/ Cho anh trải giữa nhà/ Mời thầy mẹ sang chơi/ Để anh thưa/ Để anh thưa (Nắng ấm quê hương của nhạc sĩ Vĩnh An). Hay Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo... (ca dao)

Trong lịch sử, Hải Dương có nhiều làng nghề dệt chiếu, như Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đậu, Mặc Xá của huyện Thanh Lâm (Nam Sách ngày nay); Quảng Uyên, Chu Uyên (Tứ Kỳ), hay Nga Hoàng (nay là Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng của huyện Cẩm Giàng). Song có lẽ, làng nghề chiếu cói Tiên Kiều có sức sống bền bỉ nhất và đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ người dân ở đây.

Tiếc rằng, ở xã Thanh Hồng không có một ghi chép nào về sự ra đời của làng nghề này hoặc ai là tổ nghề, ai đã mang nghề dệt chiếu về đây. Chỉ biết, nghề dệt chiếu cói ở Tiên Kiều đã có hàng trăm năm nay. Trước kia, những đứa trẻ 6-7 tuổi đã biết chao cói, tuột màu, cuốn biên, mắc đay, se sợi. Khi đó, những cây đặc sản như vải thiều, bưởi đào chưa phát triển ở Thanh Hồng thì cả làng Tiên Kiều bạt ngàn những cánh đồng trồng cói. Cói xanh mướt mắt từ trong nhà ra đến tận bãi sông.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề dệt chiếu, cói nguyên liệu của Thanh Hồng là cói trồng ở vùng nước ngọt nên mềm mại, có mùi thơm đặc trưng và làm ra những chiếc chiếu rất bền, không như cói ở những vùng nước mặn. Người làng Tiên Kiều chọn giống để làm chiếu là những cây cói tròn, sợi dẻo dai, óng ả. Đây còn gọi là "cói cơm". Hễ khi ruộng cói chuyền dần từ màu xanh sang vàng là cói chín. Bây giờ, thay vì những ruộng cói ngút ngàn khi ấy là những vùng trồng vải thiều, bưởi đào từ nhà ra ngõ, ra tận sát cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua làng.

Thời hoàng kim của nghề dệt chiếu, cả thôn Tiên Kiều có đến hàng chục ha trồng cói. Giờ diện tích thu hẹp, cả làng chỉ còn lại vài sào được trồng xen trong vườn vải. Vải thiều, bưởi đào là những cây đặc sản của Thanh Hồng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Vì thế, các ruộng trồng cói ngày càng co lại, cũng như nghề dệt chiếu ngày càng mai một.

Cả làng Tiên Kiều chỉ còn vài sào trồng cói nguyên liệu xen trong các vườn vải thiều đặc sản

Cả làng Tiên Kiều chỉ còn vài sào trồng cói nguyên liệu xen trong các vườn vải thiều đặc sản

Cói ở Tiên Kiều được thu vào 2 vụ mỗi năm. Vụ chính thu hoạch vào tháng 6 âm lịch. Cói ở vụ này đẹp hơn, đều hơn "vụ éo". "Vụ éo" thu vào tháng 10 âm lịch, là những cây cói tự mọc lên sau khi người dân cắt gốc ở vụ hồi tháng 6. Bây giờ ít cói nhưng loại cây này lại bị sâu bệnh nhiều hơn trước, vì thế người dân phải phun thuốc trừ sâu, trừ bệnh nhiều hơn. Nguyên liệu không còn nhiều, mỗi khi có khách đặt, người dân phải sang Thái Bình, Hải Phòng mua cói, hoặc có tiểu thương mua cả xe container về làng bán dần cho người dệt chiếu từ 25.000 - 30.000 mỗi kg cói thành phẩm.

Cói tươi thu về sẽ được chẻ đôi, phơi khô 5 nắng cất đi dùng dần. Mỗi kg cói tươi khi phơi khô chỉ còn khoảng 2 lạng rưỡi. Khi dệt chiếu, cói khô được mang ra rấp nước cho mềm mại để khi dệt cói không bị gãy.

Ông Phạm Văn Thiếu năm nay 65 tuổi. Sinh ra, lớn lên ở làng trong tiếng kẽo kẹt suốt ngày đêm của khung dệt chiếu nên ông đã có hơn 50 năm làm nghề. Nghề dệt chiếu được gia đình ông duy trì hàng trăm năm qua, từ thời cụ kỵ đã làm. Ngày nay gia đình ông Thiếu vẫn còn 1 chiếc khung dệt, song chỉ làm chiếu khi có khách gọi điện đặt mua. Vợ ông Thiếu - bà Nguyễn Thị Khuyên cũng sinh ra ở đây và cũng có từng ấy năm làm nghề dệt chiếu.

Ở Tiên Kiều bây giờ chỉ còn người lớn tuổi làm nghề vào những lúc nông nhàn. Tuyệt nhiên không còn hình ảnh người trẻ tuổi ngồi dệt chiếu. Dù là nghề gắn bó từ thời cụ kỵ, đã nuôi sống họ qua những giai đoạn khó khăn của đất nước song ít ai tha thiết. Bởi lẽ thu nhập từ nghề dệt chiếu không thể so sánh với mức lương khi họ đi làm công nhân cho các doanh nghiệp quanh vùng.

Nghề dệt chiếu đã đi vào thơ ca, nhạc họa, còn chiếc chiếu gắn chặt với con người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Từ sơ sinh, đứa trẻ đã được đặt lên chiếc chiếu bò lăn lóc dưới nền nhà. Thời khốn khó, người qua đời thậm chí chỉ có manh chiếu bó rồi mang đi chôn cất.

Chiếu còn hiện diện trong mỗi sự kiện quan trọng của đời người. Trước kia, khách đến đám cưới thường mang theo đôi chiếu hoa làm quà tặng cô dâu, chú rể. Rồi trước khi động phòng hoa chúc, gia chủ cũng phải chọn người trải chiếu. Người được vinh dự trải chiếu lên giường cưới phải là người bình an, có cuộc sống gia đình viên mãn, thuận hòa. Chiếu còn hiện diện trong mỗi sự kiện quan trọng của làng của nước. Hội làng không thể thiếu những chiếc chiếu hoa trải giữa sân đình để các cụ bà ngồi têm trầu, các cụ ông đánh tam cúc, tổ tôm...

Chiếu cói Tiên Kiều đã có một thời giữ vai trò quan trọng như vậy đó!

Làng Thiều dệt chiếu...

Làng Tiên Kiều còn có tên nôm là làng Thiều. Nghề dệt chiếu dù không mưa nắng dãi dầu song phải kiên nhẫn, suốt ngày đêm cần mẫn trong nhà. Ở làng còn có câu vè vui "Làng Thiều dệt chiếu thâm trôn", nói về nỗi vất vả của người dệt chiếu.

Đôi bàn tay chai sần của ông Phạm Văn Thiếu đã có hơn nửa thế kỷ làm nghề dệt chiếu

Đôi bàn tay chai sần của ông Phạm Văn Thiếu đã có hơn nửa thế kỷ làm nghề dệt chiếu

"Em dệt đôi chiếu hoa/ Cho anh trải giữa nhà". Dệt chiếu bao giờ cũng có đôi có cặp. Không ai dệt một chiếc chiếu, mà thường dệt một đôi. Không ai có thể dệt chiếu một mình, mà phải có 2 người.

Chao, go, ngựa, lụi, là những từ cổ người Tiên Kiều sử dụng hàng trăm năm qua miêu tả về hành động hoặc chỉ các bộ phận trên khung dệt. Chao là động tác dùng một chiếc thanh tre xuyên sợi cói vào khung dệt qua một dãy dây đay. Người vợ "chao" thì người chồng dệt. Cứ tỉ mẩn như thế, cả buổi mới được một đôi chiếu.

Chiếu Tiên Kiều có nhiêu kích cỡ, nhưng chủ yếu là 1,3 m x 1,9 m; 1,5 m x 1,9 m và 1,6 m x 1,9 m. Mỗi đôi được bán với giá từ 450.000 - 500.000 đồng. Nói đơn giản như thế, nhưng để có được một đôi chiếu thành phẩm mất rất nhiều công đoạn. Dệt xong, chiếu Tiên Kiều được mang đến xưởng trong làng để in hoa, hấp chín rồi phơi 3 sương, 3 nắng hoặc 5 sương, 5 nắng. Như thế mới ra được 1 chiếc chiếu thành phẩm, dùng từ 3-5 năm mới hỏng.

Dệt xong, chiếu Tiên Kiều được mang đến xưởng trong làng để in hoa, hấp chín rồi phơi 3 sương, 3 nắng hoặc 5 sương, 5 nắng

Dệt xong, chiếu Tiên Kiều được mang đến xưởng trong làng để in hoa, hấp chín rồi phơi 3 sương, 3 nắng hoặc 5 sương, 5 nắng

Chiếu Tiên Kiều cũng có nhiều loại. Chiếu trải ngồi ăn cơm, uống nước thì dùng cói sợi to và cứng, còn loại cói nhỏ, mềm mại thì dùng để làm chiếu ngủ. Lúc ăn nên làm ra nhất của làng nghề, chiếu cói Tiên Kiều đỏ rực chợ Hệ vào các phiên mùng 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch. Giờ người Tiên Kiều cũng không còn mang chiếu ra chợ mà thường có 1 tiểu thương thu gom để bán. Dù không còn tấp nập, song chiếu Tiên Kiều vẫn nức tiếng gần xa. Những người con ở xa mỗi lần về đều mua chiếu đi làm quà. Có người đi nước ngoài cũng mang theo chiếu để vơi nỗi nhớ quê.

Xã Thanh Hồng hiện chỉ còn 11 hộ chuyên làm nghề dệt chiếu. Dù thu nhập không cao song nhiều người vẫn bám trụ với nghề với mong muốn làng nghề còn mãi. Những người lớn tuổi ở Tiên Kiều luôn đau đáu nỗi lo, khi họ không còn nữa thì sẽ còn ai dệt chiếu. Con trẻ bây giờ thay vì ngồi cạnh khung cửi giúp cha mẹ dệt chiếu, nghe ông bà kể chuyện thì suốt ngày bận bịu học hành và cũng không đứa nào có hứng thú với nghề truyền thống. Như gia đình ông Phạm Văn Thiếu đã kể ở trên, dù ông bà đã có nửa thế kỷ với nghề truyền thống nhưng con cái ông bà không ai biết dệt.

Để giữ gìn nghề truyền thống, năm 2020 xã Thanh Hồng đã được UBND tỉnh hỗ trợ 4 tỷ đồng đầu tư xây dựng 3,7 km đường vào làng nghề truyền thống Tiên Kiều và Nhan Bầu. UBND xã đã tổ chức giải phóng mặt bằng. Người dân trong thôn hiến đất mở rộng đường và xây dựng hệ thống thoát nước. Tuyến đường đó bây giờ có tên đường Làng Nghề.

Không sinh ra ở Tiên Kiều, chỉ về đây làm dâu, song chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Đài Truyền thanh xã Thanh Hồng cũng như những người lớn tuổi ở làng luôn mong muốn duy trì được nghề truyền thống. Dù không được như ở thời kỳ hưng thịnh nhất thì nghề dệt chiếu Tiên Kiều cũng đừng mất đi, đừng chỉ còn là ký ức và những câu chuyện kể!

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-khung-det-cuoi-cung-cua-lang-nghe-chieu-coi-tien-kieu-361418.html