Những kỷ niệm khó phai của người cựu binh

Khi những chiến sĩ của Trung đoàn 102, Đại Đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, người dân đổ ra hai bên đường chào đón Anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều đường phố có hoạt động ca múa khuya, thậm chí đến sáng hôm sau.

Vợ đeo khăn tang tìm thấy chồng đã báo tử trong đoàn quân

Những ngày này, hàng triệu người dân Hà Nội đang hướng về lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô với nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa. Nhắc đến sự kiện ấy cách đây 70 năm, ông Nguyễn Thụ (SN 1933, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Trung Đội trưởng Trung đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 không khỏi bồi hồi xúc động. Bởi lẽ, ông là một trong những chiến sĩ của đoàn quân về tiếp quản Thủ đô.

Ông Nguyễn Thụ kể lại những kỷ niệm trong ngày tiến về Giải phóng Thủ đô.

Ông Nguyễn Thụ kể lại những kỷ niệm trong ngày tiến về Giải phóng Thủ đô.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Tiên Du (Bắc Ninh), vì thế khi chưa đầy 16 tuổi (năm 1949), ông đã xung phong nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Trong quá trình kháng chiến, ông đã lập được nhiều thành tích. Năm 1952, ông được chọn đi học sĩ quan khóa 7 tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Tốt nghiệp khóa học 1952 - 1953, ông được điều về công tác tại Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (sau đổi tên là Trung đoàn Thủ đô), Đại đoàn 308, với chức vụ Trung đội trưởng.

Trên đường về Thủ đô, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công ở khu vực đồi trọc Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Hay tin, hàng vạn người dân từ vùng tự do và vùng địch tạm chiếm thuộc Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên kéo nhau về Trại Cờ đón đoàn quân, cũng là để tìm người thân sau 9 năm xa cách.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 là một trong những đơn vị chủ lực. Bản thân ông cũng trực tiếp chiến đấu, tấn công đồi A1. Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của quân ta. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi Việt Nam.

Tháng 9/1954, các Trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 được lệnh về tiếp quản Thủ đô. “Khi nhận thông tin ấy, chúng tôi mừng lắm. Bởi lẽ, 9 năm kháng chiến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ hầu như không ai có được một bức thư của gia đình, người thân”, ông Nguyễn Thụ chia sẻ.

Trên đường về Thủ đô, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công ở khu vực đồi trọc Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Hay tin, hàng vạn người dân từ vùng tự do và vùng địch tạm chiếm thuộc Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên kéo nhau về Trại Cờ đón đoàn quân, cũng là để tìm người thân sau 9 năm xa cách.

Hình ảnh Đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu)

Hình ảnh Đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu)

Tối hôm ấy, Đại đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ tại khu vực Trại Cờ. Cả khu vực rực sáng bởi ánh lửa bập bùng, dân vây quanh nghe chiến sỹ ca hát, múa sạp, múa lụa. Tại sân khấu chính, các chiến sỹ đã diễn lại trận chiến Điện Biên Phủ. Khi đang biểu diễn, trên sân khấu đã xảy ra một “sự cố” bất ngờ.

Ông Thụ kể, khi ấy trên sân khấu, một chiến sĩ diễn lại cảnh đánh bộc phá khi tấn công đồi A1 tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau tiếng “rầm” mà anh chiến sĩ biểu diễn, một phụ nữ đầu chít khăn tang lao lên sân khấu ôm lấy người chiến sĩ ấy khóc nức nở, vở diễn phải ngừng lại. Cả nghìn khán giả và các đồng đội ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì xảy ra.

Qua câu chuyện người phụ nữ trình bày, mới biết chị là vợ của chiến sĩ (diễn viên) đang biểu diễn. Cách đấy ít lâu, gia đình chị đã nhận được giấy báo tử, cho biết chồng đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ nên mang khăn tang. Khi đoàn quân về chị đi xem biểu diễn văn nghệ, ngờ đâu lại gặp được chồng mình bằng xương, bằng thịt. Nghe câu chuyện ấy, nhiều người chúc mừng đôi vợ chồng trẻ, nhưng cũng có nhiều người “thút thít” vì không được may mắn như cặp vợ chồng ấy. Đêm ấy, các chiến sĩ cùng đơn vị đã nhường chiếc lán cho vợ chồng chị để cả hai trò chuyện, tâm sự.

Thực hiện nghiêm lời Bác dặn

Hôm sau, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân về tiếp quản Thủ đô. Ngày 19/9, Đoàn quân đến đất Phú Thọ. Tại Đền Hùng, ông và nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn đã được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện. Bác giới thiệu về Đền thờ Vua Hùng, về những người đã có công dựng nước.

Bác căn dặn: Ngày xưa các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”.

Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của người nhân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.

Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) tiến về cửa ô Cầu Giấy. Hai bên đường, nhân dân đông như hội đón Anh bộ đội Cụ Hồ. Đơn vị ông tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tham mưu - Chợ Đồng Xuân - Cầu Long Biên và nhiều nơi khác. Đúng 18h ngày 9/10, tốp lính Pháp cuối cùng ở bốt gác cầu Long Biên rời khỏi vị trí, Hà Nội hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược.

Ngày 10/10/1954, ngay từ sáng sớm, trong rừng cờ hoa rực rỡ, hơn 20 vạn người dân Hà Nội xuống đường đón đoàn quân chiến thắng trở về. Khi đoàn quân tiến vào Thủ đô, hàng vạn nhân dân ngoại thành đổ về các phố phường Hà Nội đón Anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều đường phố tổ chức ca múa đến tận đêm khuya. Riêng khu vực chợ Đồng Xuân, bộ đội cùng nhân dân ca hát đến sáng. Dù trong ngày vui, nhưng các chiến sĩ Đại đoàn 308 nghiêm chỉnh thực hiện những lời Bác căn dặn.

Sau này, ông được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Tại đây, đến năm 1959, ông được bổ nhiệm Trưởng khoa của 1 khoa giáo viên tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 43 năm công tác phục vụ Quân đội, ông được tặng thưởng 8 huân chương...

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-ky-niem-kho-phai-cua-nguoi-cuu-binh-post1668076.tpo