Những lễ hội làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân
Ngày 12/2, nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa đã được các địa phương Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần yêu nước, hướng nhân dân đến những điều tốt đẹp, góp phần quảng bá du lịch địa phương.
![Bí thư Thành ủy Lào Cai Giàng Thị Dung đánh trống khai hội Lễ hội Đền Thượng Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Hương Thu/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51461510/b35ab1b081fe68a031ef.jpg)
Bí thư Thành ủy Lào Cai Giàng Thị Dung đánh trống khai hội Lễ hội Đền Thượng Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Hương Thu/TTXVN
Lào Cai khai hội Đền Thượng Xuân Ất Tỵ
Ngày 12/2, hàng ngàn người dân và du khách tập trung dưới gốc cây đa hơn 300 năm tuổi tại phường Lào Cai (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tham dự khai mạc Lễ hội đền Thượng Xuân Ất Tỵ 2025.
Đây là sự kiện văn hóa tín ngưỡng, tâm linh được thành phố Lào Cai tổ chức hằng năm vào ngày Rằm tháng Giêng để tưởng nhớ Quốc công tiết chế, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm; đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mở đầu buổi lễ là màn diễn sử thi với chủ đề "Hào khí non sông vùng biên cương ngàn năm vang vọng" do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai Hoàng Đăng Khoa, Trưởng Ban tổ chức cho biết, sau nhiều thập niên tổ chức, đến nay, Lễ hội đền Thượng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của tỉnh Lào Cai mà ngày càng khẳng định là sự kiện đặc sắc về văn hóa.
![Đoàn rước cùng đoàn đại biểu và đông đảo du khách tham gia Lễ dâng hương tại Đền Thượng. Ảnh: Hương Thu/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51461510/7aca7220426eab30f27f.jpg)
Đoàn rước cùng đoàn đại biểu và đông đảo du khách tham gia Lễ dâng hương tại Đền Thượng. Ảnh: Hương Thu/TTXVN
Trong không khí trang nghiêm, Bí thư Thành ủy Lào Cai Giàng Thị Dung đã đánh trống chính thức khai hội đền Thượng Xuân Ất Tỵ 2025. Sau đó, các đại biểu cùng đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự lễ rước kiệu lên đền Thượng để thành kính dâng hương bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ Đức Thánh Trần; cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, dân an, nước thịnh.
Lễ hội Đền Thượng xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 - 12/2 (tức ngày 13 - 15 tháng Giêng). Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhân dân và du khách được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Giải thi đấu 7 môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; chương trình Khai bút đầu Xuân; giao lưu văn nghệ quần chúng; tổ chức Hội thi Dân vũ; chương trình nghệ thuật và trình diễn “Diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”; đêm thơ Nguyên Tiêu...
Đền Thượng là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, được xây dựng từ thời nhà Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) trên đồi Hỏa Hiệu, thuộc dãy núi Mai Lĩnh (nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai).
Năm 1996, Đền Thượng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2016, Lễ hội đền Thượng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thành phố Hồ Chí Minh: Rộn ràng Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2025
Tối 12/2 (tức 15 tháng Giêng), tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao Quận 5, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Quận 5 tổ chức Đêm hội Nguyên tiêu Xuân Ất Tỵ năm 2025. Đây là một trong những hoạt động chính của Lễ hội Tết Nguyên tiêu.
Năm nay, Đêm hội Nguyên tiêu Xuân Ất Tỵ là không gian phong phú gồm nhiều chương trình ca nhạc cổ, lân sư rồng, cùng các triển lãm tranh, ảnh, viết thư pháp, trò chơi dân gian… Ngoài ra, tại các hội quán ở Quận 5 tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu: Lễ Tế Thánh, đấu thỉnh đèn lộc, biểu diễn ca kịch (của các nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam), trang trí lồng đèn trước hội quán…
Trước khi đến với đêm hội, phần diễu hành với hơn 1.000 diễn viên, người dân hóa trang thể hiện phong tục tập quán của các nhóm ngôn ngữ người Hoa, kết hợp biểu diễn lân - sư - rồng, xiếc... là tâm điểm của Lễ hội. Đoàn các diễn viên và người dân diễu hành trên các đường phố chính của Quận 5 như: Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hòa, Trung tâm Văn hóa Quận và các Hội quán của người Hoa.
Diễu hành đường phố cũng là những hoạt động tiêu biểu hằng năm được người dân và du khách mong chờ.
Trước đó, Lễ hội Tết Nguyên tiêu đã mở màn với nhiều nội dung và hoạt động phong phú, hấp dẫn như Lễ Nghinh Ông quan thánh đế quân tuần du, Đêm thơ Việt Nam…
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, Lễ hội Nguyên tiêu ở tại địa phương đã được duy trì và tổ chức trong hơn 30 năm qua, trở thành sự kiện thường niên quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội, Lễ hội còn thể hiện giá trị của cộng đồng, dấu ấn của thời gian và cũng là tài sản tinh thần của người dân; là nét đẹp hài hòa được kết hợp giữa văn hóa Việt và văn hóa dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cùng với đó, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào chuỗi sự kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc-Tết Nguyên đán và là một trong 19 sự kiện văn hóa nghệ thuật lễ hội thường niên tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôn vinh tinh thần yêu nước, sáng tạo của các bậc tiền nhân
![Tiết mục sân khấu hóa về phát triển thơ ca ở thành phố Hà Tiên. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51461510/b0d0ba3a8a74632a3a65.jpg)
Tiết mục sân khấu hóa về phát triển thơ ca ở thành phố Hà Tiên. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN
Tối 12/2 (tức Rằm tháng Giêng) tại công viên Trần Hầu, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) diễn ra Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 289 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Đây là một trong những hoạt động lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần yêu nước, sáng tạo của các bậc tiền nhân trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và góp phần quảng bá du lịch địa phương.
Khai mạc Chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên Mai Quốc Thắng cho biết, theo truyền thống, hằng năm cứ đến Rằm tháng Giêng, dòng người từ khắp nơi hội tụ về thành phố để tham dự Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, cùng hòa mình vào các hoạt động mang nét đặc trưng của vùng đất xứ thơ.
Theo ông Mai Quốc Thắng, Hà Tiên được người xưa ví là "thập cảnh thiên phú", được thiên nhiên ban tặng cảnh quan kỳ vĩ, phong cảnh non nước hữu tình làm rung động lòng người. Càng tự hào hơn khi vùng biên thùy này là đất của thơ văn, điểm sáng là Tao đàn Chiêu Anh Các.
Cách đây 289 năm, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), tại trấn Hà Tiên đã xuất hiện một hiện tượng văn học được đánh giá là độc đáo. Đó là sự ra đời Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích, tự Sĩ Lân, vị Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ sáng lập và đứng ra làm chủ súy, góp phần đáng kể vào việc đặt những viên gạch nền móng cho thơ ca Hà Tiên. Tao đàn ra đời đã quy tụ được nhiều văn nhân thi sĩ và để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật.
Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động sản xuất của người dân; khắc họa tư tưởng, tinh thần yêu nước, nhân văn; có tầm ảnh hưởng rộng lớn, có sức hút mạnh mẽ và lan rộng, có giá trị nghiên cứu đặc sắc và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong giới học thuật, lan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ cùng thời thi nhau xướng học.
![Nhiều người dân tham gia thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ cầu Quốc thới dân an. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51461510/c0a1cd4bfd05145b4d14.jpg)
Nhiều người dân tham gia thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ cầu Quốc thới dân an. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN
Thành tựu về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Chiêu Anh Các là những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Hà Tiên - Kiên Giang nói riêng và cả Nam Bộ nói chung. Di sản Tao đàn Chiêu Anh Các là tài sản văn hóa vô giá, tạo điều kiện để Hà Tiên phát triển du lịch bền vững dựa trên các giá trị lịch sử, văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Tao đàn góp phần giữ gìn di sản, mở ra hướng phát triển du lịch văn hóa mang tính lâu dài.
Thành phố Hà Tiên duy trì tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các gắn với kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam hằng năm cùng nhiều chương trình, hoạt động phong phú như: Tổ chức Phố ông Đồ và trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay; Đường sách Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các; triển lãm ảnh về Hà Tiên xưa và nay, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hà Tiên; hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thương mại và quảng bá du lịch; tổ chức Ngày thơ Việt Nam gắn với họp mặt, giao lưu các văn nghệ sĩ; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Đông Hồ; viếng mộ các nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết; diễu hành xe hoa; thả hoa đăng cầu quốc thái dân an…