Những lo ngại về thuế quan mới từ cuộc điều tra ngành bán dẫn của Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ công bố kết quả cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với sản phẩm bán dẫn nhập khẩu trong hai tuần tới.

Chip bán dẫn trên một bản mạch máy tính. Ảnh: Reuters/TTXVN
Động thái này dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ sẽ sớm áp đặt các mức thuế mới, trong bối cảnh Tổng thống Trump cũng vừa đưa ra những gợi ý về việc tăng thuế.
Phát biểu sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ông Lutnick tiết lộ rằng cuộc điều tra này chính là một trong những "lý do chính" thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) tìm kiếm một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn nhằm giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc.
Ông Trump cho biết nhiều công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp từ Đài Loan (Trung Quốc) đang có kế hoạch đầu tư vào sản xuất bán dẫn tại Mỹ để tránh bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới. Ông cũng nói rằng bà von der Leyen đã xử lý vấn đề thuế quan đối với chip "theo một cách tốt hơn nhiều".
Thực tế, ông Trump và bà von der Leyen vừa công bố một thỏa thuận khung thương mại mới, bao gồm mức thuế 15% áp dụng chung cho hàng hóa EU, kể cả ô tô – vốn phải đối mặt với mức thuế 25%.
Cuộc điều tra ngành chip được khởi xướng từ tháng 4/2025 theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962, có thể tạo cơ sở pháp lý cho các mức thuế mới. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã sử dụng luật này để áp thuế 25% lên thép, nhôm và ngành ô tô, cũng như đang tiến hành các cuộc điều tra riêng đối với đồng và gỗ. Cuộc điều tra tương tự đối với dược phẩm cũng đang được tiến hành.
Những động thái này là một phần trong chiến lược thương mại quyết liệt của ông Trump, vốn đã làm đảo lộn thương mại toàn cầu với mức thuế 10% có hiệu lực từ tháng Tư và dự kiến sẽ tăng mạnh đối với nhiều đối tác thương mại lớn từ ngày 1/8.
Hiện tại, Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào chip nhập khẩu từ Đài Loan. Đây là vấn đề mà chính quyền thời cựu Tổng thống Joe Biden đã cố gắng giải quyết thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó cấp hàng tỷ USD để khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng hoạt động tại Mỹ.