Những mùa vàng ở xứ Thanh

Nếu trước kia cứ mỗi kỳ giáp hạt, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa ở miền Tây Thanh Hóa lại phải trông chờ nguồn hỗ trợ lương thực từ Chính phủ, thì đến nay, Thanh Hóa chẳng những đã tự chủ được nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân địa phương mà còn cung ứng ra thị trường những 'hạt ngọc' chất lượng cao, thơm ngon nức tiếng gần xa. Vậy điều gì khiến Thanh Hóa tạo nên kỳ tích như vậy trên mặt trận nông nghiệp?

Bảo đảm cả chất lẫn lượng

Gia đình ông Đỗ Văn Quý, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi, trắm...

Ông Quý cho hay: Trước đây, khu ruộng của gia đình ông nằm ở vùng trũng, năng suất thấp nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều thời điểm ruộng bỏ hoang. Chỉ đến khi được xã và Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ.

"Gia đình tôi sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước, đáy ruộng nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn, qua đó giúp nâng cao sức đề kháng của cá, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu trước đây, hơn 1 ha lúa chỉ thu về khoảng 2-3 tấn thóc, thu nhập vừa đủ ăn, thì nay nhờ sự kết hợp hiệu quả, năng suất lúa đạt trên 3,5 tấn/ha, cộng thêm thu nhập 35-50 triệu đồng/vụ từ cá. Tính bình quân mỗi vụ, tôi thu về 60-70 triệu đồng", ông Quý hồ hởi chia sẻ.

 Kiểm tra lúa tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Kiểm tra lúa tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa hồ nói: Hàng chục năm qua, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, nông nghiệp Thanh Hóa luôn tăng trưởng ở con số 3%/năm; riêng năm 2023, tăng trưởng tới 4,16%. Đây là thành quả, nỗ lực của Đảng bộ và người dân trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ hàng chục năm nay khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Nếu trước kia, chúng tôi chỉ chú trọng năng suất thì nay chú trọng đến chất lượng, hiệu quả kinh tế. Lấy ví dụ, các giống lúa đặc sản: Lúa nếp Hạt Cau (Hà Trung), nếp Cáy Nọi (Mường Lát) và các giống lúa thuần chủng chất lượng cao của Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Binh Seeds (Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình)... gắn với mô hình lúa - cá (Hà Trung), lúa hữu cơ, lúa - rươi...

"Nếu chỉ tập trung chất lượng mà ít quan tâm đến năng suất, vậy còn vấn đề bảo đảm an ninh lương thực" - ông Cao Văn Cường tỏ ra băn khoăn.

Không chút đắn đo, ông Cao Văn Cường giải thích: Thanh Hóa với diện tích lúa 115.000 ha/vụ và 230.000 ha lúa 2 vụ/ năm - với diện tích lớn nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ. Trước đây, Thanh Hóa luôn luôn mơ ước sản xuất được 1 triệu tấn lúa. Thế nhưng hiện nay, mặc dù, diện tích đất lúa của Thanh Hóa giảm đi, nhưng năng suất lúa thuần tăng nên tổng sản lượng lúa vẫn bảo đảm. Hiện nay với các giống thuần, sạch bệnh, chất lượng cao vẫn cho năng suất 3 tạ/sào (tương đương năng suất của lúa lai). Các giống lúa thuần chất lượng cao không chỉ đảm bảo năng suất ở mức cao, ổn định, đặc biệt chất lượng gạo thơm ngon. Tổng sản lượng lương thực của Thanh Hóa những năm gần đây luôn đảm bảo 1,5 triệu tấn lương thực ( năm 2023, lương thực đạt 1,57 triệu tấn/năm, lúa 1,38 triệu tấn). Đúng như chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 tỉnh Thanh Hóa đề ra 1,5 triệu tấn.

Thấy nét mặt tôi vẫn còn hồ nghi, ông Cao Văn Cường chia sẻ: Này nhé, theo tính toán của chúng tôi, với dân số khoảng 3,8 triệu dân, lượng lúa dùng để tiêu dùng tại tỉnh mỗi năm 800.000 tấn lúa/năm. Như vậy dư ra khoảng 500.000 tấn lúa, trong đó có 300.000 tấn lúa phục vụ các nhà máy chế biến, xay xát để cung ứng ra thị trường, xây dựng thương hiệu lúa gạo Thanh Hóa, 200.000 tấn lúa còn lại phục vụ cho chăn nuôi. An ninh lương thực của Thanh Hóa đã được đảm bảo. Đặc biệt, những năm gần đây Thanh Hóa không còn phải xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân vùng sâu, vùng xa thời điểm giáp hạt nữa.

Lại nhớ, ngày 29-7-2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 1.765 tấn lương thực, thực phẩm trị giá hơn 72 tỷ đồng giúp nhân dân TP Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn trong những thực hiện ngày giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Những nghĩa cử, sự sẻ chia đầy tình cảm ấy của Thanh Hóa, người dân TP Hồ Chí Minh cũng như người dân cả nước ắt hẳn sẽ chẳng bao giờ quên.

Lắng nghe thị trường, doanh nghiệp để sản xuất

Ngành nông nghiệp của xứ Thanh đang đầy tự tin, mong muốn vươn tới phục vụ thị trường lúa gạo có giá trị kinh tế cao, đặc trưng của Thanh Hóa để phục vụ thị trường các địa phương miền Bắc, xây dựng thương hiệu gạo. Thậm chí, chúng tôi còn có tham vọng hơn phải có gạo hữu cơ, gạo sạch, gạo ngon. Hiện Thanh Hóa đã triển khai thành công bước đầu các mô hình: lúa- cá Hà Trung, lúa -rươi ( 1 vụ lúa, 1 vụ cá; 1 vụ lúa, 1 vụ rươi)- ông Cao Văn Cường thông tin.

Giống lúa chất lượng cao vừa đạt năng suất lẫn chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ thị trường (Ảnh chụp tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Giống lúa chất lượng cao vừa đạt năng suất lẫn chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ thị trường (Ảnh chụp tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp của Thanh Hóa, đặc biệt đối với cây lúa đặt ra yêu cầu vừa phải an ninh lương thực cho 3,8 triệu dân vừa tăng thu nhập cho nông dân là câu chuyện không đơn giản. Nhất là trước xu thế hiện nay ở các địa phương trong cả nước, giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang cây trồng khác, chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp phục vụ cho xây dựng phát triển hạ tầng: Giao thông, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Thanh Hóa sẽ khó thể thành công nếu không có những nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng dựa vào việc ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề thị trường. Kết quả, Thanh Hóa đã có những thành công ban đầu.

Ông Cao Văn Cường chia sẻ: Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Đó là sản xuất cái gì thị trường cần, có nhu cầu, trồng trọt hay chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều gắn với đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến. Nông dân- hợp tác xã, tổ hợp tác- doanh nghiệp được Thanh Hóa xác định là những thành tố chính đề xây dựng liên kết chuỗi sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, mới nâng cao được hiệu quả kinh tế của từng mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Cùng với tái cơ cấu cây lúa, những cây, con, các lĩnh vực khác: Thủy sản, lâm nghiệp cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, đẩy mạnh thực hiện theo hướng khai thác lợi thế đặc trưng, sản xuất chế biến, đặc biệt là gắn với thị trường, chẳng hạn như: Tre, nứa, đặc biệt là cây luồng...sản xuất ván ghép. Thanh Hóa là địa phương có diện tích cây luồng lớn nhất cả nước. Ván ghép từ cây luồng dùng trong xây dựng, làm đồ gia dụng vừa thân thiện môi trường, độ cứng, độ bền không thua kém so với gỗ.

Chúng tôi về thăm xứ Thanh vào thời điểm những cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông ở các huyện Hà Trung, huyện Nông Cống, Hậu Lộc... Hương lúa thơm thoang thoảng trong gió nhẹ, đem đến cho chúng tôi những cảm xúc rất lạ. Kỳ vọng những mùa vụ thắng lợi mới, không chỉ đem lại no ấm, hạnh phúc còn đem đến cơ hội vươn lên khá giả, thậm chí làm giàu cho nông dân xứ Thanh từ những mùa vàng.

Bài, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-mua-vang-o-xu-thanh-781032