Những ngày vui ở làng

Làng tôi nằm gọn trong một thung lũng rất lớn. Nhà làm sát chân núi, trước mặt là cánh đồng cứ thoai thoải chạy tít ra tận bờ sông Lô. Giữa làng là đường ô tô. Một con suối chảy xuyên qua cánh đồng.

Người ta dùng cọn để kéo nước từ suối vào những thửa ruộng. Người Tày canh tác trên ruộng lúa nước nên bao giờ cũng chọn thung lũng để lập làng, xửa xưa đã thế, nay cũng vậy. Trong làng thì ruộng lúa nào sát sông, phía mà mùa lũ nước dâng lên phủ kín phù sa, thì trồng hoa màu: các loại đậu, lạc, ngô...

Mỗi năm tôi thường về làng vào mấy dịp quan trọng: rằm tháng Bảy, tết Nguyên đán hay hội Lồng Tồng.

Với người Tày thì rằm tháng Bảy cũng là tết, to gần bằng tết Nguyên đán. Bà con gọi là tết Rằm. Sở dĩ tết Rằm to là bởi vì đó là thời điểm rất quan trọng: thu hoạch vụ mùa, vụ thu chính trong năm.

Rằm tháng Bảy làng ăn to lắm. Hồi tôi còn bé, học cấp 1, cấp 2, cứ rằm tháng Bảy là trường lớp vắng hoe. Trường không cho nghỉ thì các bạn cũng tự nghỉ. Người lớn nghỉ làm, trẻ con nghỉ học, lại còn được may quần áo mới. Khắp làng thơm phức mùi bánh trái, xôi nếp. Khắp làng ríu ran tiếng cười tiếng hát. Thứ bánh quan trọng nhất, không bao giờ thiếu là bánh chuối. Tầm tháng Năm tháng Sáu, các bà các mẹ để dành những nải chuối tây đẹp nhất, ngon nhất để làm bánh. Chuối chín kỹ, bóc vỏ, bổ đôi, xếp lên những giàn phơi đan bằng nứa. Nắng thì phơi nắng mà ngày nào không nắng thì đem sấy trên gác bếp. Chiều chiều đi học về, ngang qua nhà hàng xóm, dù không cố tình thì lúc nào tôi cũng ngửa mặt nhìn lên phía sàn phơi lúa nhà họ. Trên ấy là mấy mẹt chuối phơi của bà cụ chủ nhà. Chuối chín phơi được nắng, sao mà nó thơm. Nó thơm đến tận bây giờ, trong ký ức của tôi. Thỉnh thoảng lắm thì bà cụ cũng gọi tôi lại, cho một miếng. Chao ôi, sao mà ngon. Dẻo dẻo, thơm phức, ngọt lịm.

Bắt gà vịt về thăm cha mẹ tết Pây tái - một tục lệ của người Tày đã được lưu giữ nhiều thế hệ.

Bắt gà vịt về thăm cha mẹ tết Pây tái - một tục lệ của người Tày đã được lưu giữ nhiều thế hệ.

Chuối chín phơi khô, gần đến rằm thì mang ra làm bánh. Nghiền chuối ra, trộn với bột nếp. Bánh có thể có nhân bằng lạc rang giã nát hoặc chẳng có nhân gì cả. Xưa kia làm gì có đường, người ta chỉ dùng chuối để lấy vị ngọt cho bánh. Bánh chuối được gói trong lá chuối. Những tàu chuối tây to, rộng, phơi héo cho dẻo. Bao giờ người ta cũng gói bánh chuối thành một cặp. Một mảnh lá chuối gói hai nắm bột, xong gập ở giữa lại. Sở dĩ người ta gói thành cặp là để sau khi luộc chín sẽ giăng lên dây như vắt những cái khăn mặt. Bánh cứ ở trên dây, ăn cái nào lấy xuống cái ấy. Vì thoáng gió nên dù để cả tuần lá bánh có thể khô đi nhưng bên trong không hỏng, cũng không bị khô.

Ngoài cái việc cỗ bàn đúng là “ăn Tết”, còn có một điều quan trọng hơn vào rằm tháng Bảy ở làng Tày là tục “Pây tái”. Đấy là một tục lệ vô cùng đẹp đẽ của người Tày đã được lưu giữ suốt nhiều thế hệ. Vào dịp này, tất cả các bà vợ, các cô con dâu đều được các ông chồng, các anh con rể cùng tất cả con cái tháp tùng về thăm cha mẹ đẻ. Xa mấy thì xa, tết Nguyên đán không về cũng không sao, nhưng tết Rằm thì nhất định phải về. Giàu hay nghèo cũng đều sắm sửa lễ vật quà cáp để về thăm cha mẹ. Con gái thì về báo hiếu, con trai thì về tạ ơn. Tạ ơn cha mẹ đã trao con gái cho mình, tin cậy mình, yêu thương mình. Nhà nào mấy ngày này cũng đông chật người. Nhà nào càng nhiều con gái thì càng đông. Đông vừa thì mổ gà mổ vịt, đông quá thì mổ dê mổ lợn.

Lễ vật mang về biếu cha mẹ bao giờ cũng có một gà một vịt. Quan trọng nhất là vịt. Những con vịt béo, khỏe. Vịt càng kêu to thì càng chứng tỏ con rể có hiếu. Thế nên nhiều anh rể khi mang vịt về đến đầu làng còn thò tay vào giỏ bóp một cái để nó kêu toáng lên. Khắp làng quàng quạc tiếng vịt kêu. Ngoài vịt ra bao giờ cũng có gạo nếp, rượu, bánh chuối, hoa quả. Vợ chồng con cái sắm sắm sửa sửa mấy ngày liền, váy áo đẹp, khăn mới, giày dép mới, rồi rồng rắn dẫn nhau về thăm cha mẹ. Ra ở riêng mà gần cha mẹ, nhất là cùng làng thì sướng, vì chỉ đi một lúc là tới. Trót lấy chồng xa thì phải đi xe đi đò, có khi mấy ngày liền. Con vịt về đến nhà cha mẹ cũng khản cả giọng chả kêu nổi.

Trong gia đình người Tày, vai trò của người phụ nữ rất được coi trọng. Tất nhiên những việc nặng, việc lớn chủ yếu vẫn do đàn ông quyết định, nhưng trước khi quyết định bao giờ ông ta cũng bàn với bà vợ già, hỏi bà vợ già một câu. Ý tôi thế, bà có đồng ý không. Chuyện làm ăn hay chuyện dựng vợ gả chồng cho con, đều nhất nhất hỏi ý kiến vợ. Xưa kia, người Tày có lệ thách cưới rất cao. Nhà nào con gái càng xinh càng ngoan thì thách cưới càng cao. Ít thì vài chục, nhiều thì hàng trăm. Là trăm cân gà, trăm cân lợn, 1 tạ thóc nếp, 1 tạ thóc tẻ, trăm lít rượu, trăm đồng bạc... Tốn kém quá mới lấy được cô vợ nên anh chồng nào cũng yêu chiều vợ hết mực.

Con gái Tày nổi tiếng xinh đẹp. Da trắng, vóc dáng thon thả, giọng nói trong trẻo, chăm chỉ, nết na. Đẹp cả người lẫn nết. Thế nên trai Tày ít khi đi tìm vợ ở nơi khác, cứ loanh quanh trong cái làng của mình. Khi ở cữ, người mẹ trẻ được kiêng suốt ba tháng trời. Không phải làm việc nặng, không phải đi ra ngoài, ăn ngon, đủ chất, nên con cái khỏe mạnh. Người Tày ở một số nơi còn chăm bà đẻ bằng rượu nếp hấp cách thủy với lòng đỏ trứng gà con so. Cứ mỗi sáng một bát. Suốt ba tháng như thế, bà mẹ trẻ nào cũng xinh đẹp nên muôn phần.

Tuy được chiều nhưng phụ nữ Tày được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận nên rất tôn trọng chồng, cha mẹ chồng. Hiếu thảo, biết điều, khéo vun vén. Tất nhiên, chồng bát cũng có lúc xô, nhưng căn bản người Tày sống hiền lành, nhu hòa, ít to tiếng, ít va chạm.

Giờ thì làng tôi thay đổi nhiều lắm rồi. Thanh niên không bỏ dở học hành như xưa mà ít nhất cũng học hết cấp 2, cấp 3, đi học đại học, cao đẳng. Nhiều bạn trẻ tham gia công tác ở tỉnh ở huyện. Trong cái được của văn minh cũng có cái mất đi. Ví như mất đi nhiều nhà sàn. Các cặp vợ chồng trẻ khi ra ở riêng đã xây nhà đất để ở. Gặp nhau thì họ nói tiếng Tày, mà khi ra ngoài thì nói tiếng phổ thông. Nhìn các cô tham gia hội phụ nữ xã mặc quần âu, áo sơ mi, đi giày cao gót, nói tiếng phổ thông, chả ai biết họ là người Tày.

Luôn có bánh chuối vào rằm tháng Bảy.

Luôn có bánh chuối vào rằm tháng Bảy.

Nhưng dù bề ngoài có đổi thay thế nào, sâu thẳm họ vẫn mang trái tim và linh hồn của tổ tiên người Tày. Tết Pây tái nhất định phải thu xếp về thăm cha mẹ. Ở ngoài có làm cán bộ tỉnh đi nữa, về nhà vẫn là con gái, con rể cha mẹ. Trên dưới tăm tắp đâu vào đấy.

Bọn tôi đi một vòng, bước lên cầu thang nhà sàn nào cũng thấy phảng phất bay ra mùi rượu gạo thơm thơm, mùi bánh chuối ngọt ngọt và tiếng cười nói của người già trẻ con. Mâm cao cỗ đầy, rượu thịt bát to chén to cũng không đáng kể bằng việc con cháu về đầy một nhà. Với người Tày, nối dài dòng họ là việc mà bất cứ gia đình nào cũng coi trọng bậc nhất.

Tết rằm tháng Bảy vừa xuôi xuôi cái bụng thì lại chuẩn bị rình rang cái tết Nguyên đán. Nhưng tết Nguyên đán thực ra không vui bằng ngày hội Lồng Tồng (tức hội xuống đồng, gần giống như lễ Tịch điền của bà con miền xuôi). Làng bao giờ cũng dành một thửa ruộng đẹp nhất ở dưới chân ngọn núi ở trung tâm của làng, trước tết các mẹ các chị đã cày bừa thật tơi, thật mịn màng. Mạ cũng gieo sẵn từ trong tết. Thường thì hội Lồng Tồng làm vào quãng 12-15 tháng Giêng. Mưa xuân lây phây, trời còn chút ren rét, rừng bung lộc xanh biếc, nước suối trong veo. Ngày này dành cho tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, giàu nghèo... Tất cả đều đổ ra nơi dựng cây nêu, ngay bên trên thửa ruộng đẹp nhất ấy. Thầy cúng làm lễ cúng tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên của người Tày đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lại xin cho một năm nữa cũng bội thu như thế. Rồi đến phần hội, bọn thanh niên thì ném còn, đánh yến, kéo co, các bà các chị thì thi cấy, trẻ con thì nô đùa la hét chạy nhảy...

Hết ngày hội thì cũng là hết những ngày nghỉ xuân, ngày hôm sau ai nấy lại ra đồng bắt đầu một mùa vụ mới.

Tôi đứng lẫn với đám trẻ con xem người ta chơi kéo co. Kiểu gì cuối cùng cũng có một bên ngã lăn ra đất dúi dụi vào nhau. Đấy là lúc vui nhất, tiếng hò reo vang lên tận trời.

Tôi vẫn thường nghĩ rằng, thật may mắn vì mình có một nơi để quay về, bất cứ lúc nào cũng có thể quay về.

Bài & ảnh: Đỗ Bích Thúy

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-ngay-vui-o-lang-47641.html