Những ngôi đình Mường nối liền thế kỷ

Quanh Sân bay Buôn Ma Thuột, có đến 7 ngôi đình Mường, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa Mường.

Ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người biết Cảng hàng không Buôn Ma Thuột từng có tên là “Sân bay Hòa Bình”; giao lộ giữa Quốc lộ 26 và Quốc lộ 27 ở cửa ngõ phía đông thành phố có tên là “Ngã ba Hòa Bình”… Nhưng ít người biết, cái tên Hòa Bình là do những người Mường ở tỉnh Hòa Bình, “gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”, đưa tới đây từ giữa thế kỷ 20. Quanh Sân bay Buôn Ma Thuột, có đến 7 ngôi đình Mường, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa Mường.

Đậm đặc tâm linh xứ Mường

Lễ khai hạ mồng Bảy tháng Giêng năm nay của người Mường ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, được tổ chức tại đình Lạc Sơn 1, thôn 2, xã Hòa Thắng, trong đậm đặc ký ức xa xưa: Trang phục và lễ phục Mường, tiếng chiêng Mường, cùng những lời mo Mường chất chứa tâm linh...

Chiêng Mường ở Đình Lạc Sơn trong Lễ Khai hạ Xuân Ất Tỵ

Chiêng Mường ở Đình Lạc Sơn trong Lễ Khai hạ Xuân Ất Tỵ

Theo ông Bùi Văn Thành, chủ trì đình Lạc Sơn, một mo mường nổi tiếng ở Hòa Thắng, ở mỗi làng Mường, đình Mường xứ này, có một Ban chức sắc 6 người, chịu trách nhiệm tổ chức các lễ trọng và nhiều việc phúc lợi cho dân làng. Trong đó Chủ trì là vị trí cao nhất, kế đó là Chủ đình, Phó Chủ đình, thư ký và 2 tổ trưởng. Trong đó, Chủ trì đảm đương phần nghi lễ, Chủ đình đảm đương phần dân sự tổ chức họp bàn với dân về các vấn đề chung của làng trước khi tổ chức các nghi lễ. Trong đó, vị trí Chủ trì không phải được bầu chọn, mà có tính chất trao truyền từ đời này qua đời khác. “Chủ trì là phải có dòng dõi đấy. Phải là thầy mo, thông thạo văn tự cổ, phong tục tập quán, các nghi lễ, cúng khấn”- ông Bùi Văn Thành cho biết.

Cũng theo thầy mo Bùi Văn Thành, toàn bộ các nghi lễ còn được duy trì ở cộng đồng Mường Hòa Thắng hiện nay đều là những “bản gốc” từ cổ xưa và vai trò của thầy mo là không thể thay thế. Trong số hàng chục thể lễ cúng mà thầy mo đảm nhiệm, chỉ 3 lễ được tổ chức tại đình làng, là Lễ Hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng còn gọi là “Lễ Khai hạ” ra đồng; Lễ Xuống mùa- cầu mưa thuận gió hòa, vào ngày 15/3 (âm lịch) và Lễ Thượng điền còn gọi là Lễ Rửa lá lúa vào 15/7 (âm lịch)-cầu cây lúa sạch bệnh, tốt tươi.

Chủ trì đình Lạc Sơn- thầy mo Bùi Văn Thành (cầm quạt) trong lễ cúng Khai hạ

Chủ trì đình Lạc Sơn- thầy mo Bùi Văn Thành (cầm quạt) trong lễ cúng Khai hạ

Ngoài 3 lễ chính, đình làng chỉ mở và thực hiện các nghi lễ đặc thù, rất cần thiết để cầu an cho dân làng. Thẩm quyền mở cửa đình để làm lễ thuộc về ban chức sắc và sẽ họp dân để quyết định. Nếu vì một lý do nào đó không thể họp, Chủ trì và ban chức sắc tự bỏ tiền để tổ chức. Gần đây nhất lễ cầu an đột xuất được tổ chức tại đình Lạc Sơn là năm 2021, khi dịch Co-vid 19 lên đến đỉnh điểm ở Đắk Lắk, toàn dân phải thực hiện cách ly xã hội. Ban chức sắc ở đây đã tự bắt heo nhà mình để làm lễ. “Dịch vừa rồi thì Lạc Sơn 1 và Lạc Sơn 2 không ai mắc Covid-19, không ai có vấn đề gì. Dù không thể nào chứng minh là do đâu, nhưng chúng tôi cũng tự hào là bên âm cũng độ cho mình”- thầy mo Bùi Văn Thành chia sẻ.

Những ngôi đình nối liền thế kỷ

Người Mường hiện nay cư trú ở nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên, tập trung đông nhất là ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum... Nhưng xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột , tỉnh Đắk Lắk là nơi định cư sớm nhất và là nơi duy nhất ở các tỉnh phía Nam có đình Mường được xây dựng.

Theo các bậc cao niên, cộng đồng người Mường ở xã Hòa Thắng, đều là dân gốc tỉnh Hòa Bình. Những gia đình rời quê cha đất tổ sớm nhất là từ 1952. Sau 2 năm tạm cư ở Hà Nội, họ dắt díu nhau vào Nam. Đến năm 1955, những gia đình đầu tiên đã tới Buôn Ma Thuột. Trong số cụ tới đây lập ấp, có 2 cụ họ Bùi, 3 cụ họ Quách, 1 cụ họ Cao. Số dân Mường Hòa Bình ít ỏi định cư ở vùng ven hoang vắng của Buôn Ma Thuột, và được đặt tên là "Ấp Hòa Bình". Sau Giải phóng 1975, mới là xã Hòa Thắng bây giờ.

Đến năm 1959, để tưởng nhớ tổ tiên, gìn giữ văn hóa, dân cư Ấp Hòa Bình xây ngôi đình đầu tiên, lấy tên làng cũ làm tên đình: Lạc Sơn.

Kể từ đó, người Mường Hòa Bình coi Ấp Hòa Bình như quê mới và quần tụ thêm đông sau mỗi năm. Và cũng từ đó, lần lượt có thêm 6 ngôi đình được xây dựng ở ấp này, là Đình Thịnh Lang 1, Thịnh Lang 2, Đình Lạc Sơn 2, Mường Pi, Cao Phong, Thạch Yên…

Đình Mường Pi dưới gốc đa cổ thụ, nơi phát sinh một trong những đầu nguồn của suối Ea Tam, suối quan trọng nhất của Buôn Ma Thuột

Đình Mường Pi dưới gốc đa cổ thụ, nơi phát sinh một trong những đầu nguồn của suối Ea Tam, suối quan trọng nhất của Buôn Ma Thuột

Đình Mường Pi nhìn từ phía đường chính

Đình Mường Pi nhìn từ phía đường chính

Trong số này, đình Mường Pi nổi bật bởi vẻ u trầm, với cây đa cổ thụ phủ bóng hết cả khuôn viên; Đình Cao Phong cổ kính và trang nhã với những cây sứ cổ thụ cùng hệ thống tường rào, cây cảnh được chăm chút cẩn thận; và tất nhiên phải kể đến đình Lạc Sơn, nơi diễn ra các lễ tiết trang trọng của cả cộng đồng Mường, nay đã chiếm ¼ dân số xã Hòa Thắng; biến xã Hòa Thắng, thành một vùng văn hóa Mường đậm đặc, lưu giữ nhiều vốn cổ cùng chất tâm linh huyền bí.

Đình Cao Phong nhìn từ phía trục đường chính của Thôn 3, xã Hòa Thắng

Đình Cao Phong nhìn từ phía trục đường chính của Thôn 3, xã Hòa Thắng

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa từ tỉnh Hòa Bình, không có nơi nào trong một xã lại có nhiều ngôi đình như ở xã Hòa Thắng. Đình không được trạm trổ cầu kỳ như các đình của người Kinh, nhưng chắc chắn bề thế hơn cả đình Mường tại quê gốc Hòa Bình. Mỗi ngôi đình đại diện cho một vùng Mường, với ý niệm tâm linh ngưỡng vọng về quê cha, đất mẹ.

Tác giả Lê Quốc Khánh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình cho biết, trong hành trình tìm hiểu thực tế để viết sách “Người Mường Hòa Bình trên đất Tây Nguyên" của các văn nghệ sỹ Hội Văn Học nghệ thuật tỉnh, không ít văn nghệ sỹ phải bất ngờ vì những vốn văn hóa Mường đang được lưu giữ dưới những mái đình, trong trái tim những người con xứ Mường ở Hòa Thắng. Ở đây, có những người sau hơn 60 năm xa quê vẫn nhớ như in các địa danh của đất mẹ; nhớ chuyện về các vị lang Mường, các vùng Mường lớn nhỏ ở ở quê nhà.

Từ cộng đồng xa xứ này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cả trăm tên cũ của các địa danh Mường, thuộc các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình. Nhiều địa danh khiến những nhà nghiên cứu cũng chưa từng biết đến.

Từ những ngôi đình, những lễ hội dân gian được thực hành với tính "nguyên bản" rất cao, được duy trì nối 2 thế kỷ, ông Lê Quốc Khánh cảm nhận việc bảo tồn di sản của những người xa xứ dường như tốt hơn nơi quê gốc. “Chứng kiến lễ hội và những hoạt động văn hóa tín ngưỡng của các ngôi đình Mường ở nơi này mới cảm nhận được cái gốc cổ Mường chưa bị văn hóa hiện đại can thiệp vào di sản, đúng là phải "Đi xa để tìm gần”- ông Lê Quốc Khánh cảm thán.

Từ Ấp Hòa Bình tới xã Hòa Thắng

Sau 70 năm những dân Mường đặt chân tới vùng đất mới, thành lập Ấp Hòa Bình và 50 năm sau ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột, ở xã Hòa Thắng đã có hơn 1.200 hộ, hơn 5.000 cư dân là người Mường, từ khắp các xứ Mường gốc Hòa Bình: Bi-Vang-Thàng-Động. Ấp Hòa Bình cũng đã trở thành Xã Hòa Thắng, một trong những trung tâm sản xuất giống cà phê và cây nông, lâm nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Sau lễ khai hạ đầu xuân mồng 7 tháng Giêng, khi hoa cà phê nở trắng các thôn mường, thì khắp xóm cùng thôn cũng rậm rịch tiếng máy đảo đất, chuẩn bị vào bầu cho mùa ươm cây giống.

Vườn ươm

Vườn ươm

Ấp Hòa Bình xưa, xã Hòa Thắng nay, đã trở thành một trong những trung tâm giống cây cà phê và cây nông-lâm nghiệp của Việt Nam.

Tây Nguyên càng có những vụ mùa thắng lớn, Hòa Thắng càng thắng to. Cà phê, sầu riêng, hồ tiêu càng lập nhiều kỷ lục về giá trị, người dân Hòa Thắng càng giàu lên nhanh chóng. Làm việc tại một vườn ươm rất lớn ngay cổng đình Cao Phong, thôn 3, xã Hòa Thắng, chị Lưu Thị Dân cho biết, chủ các vườn ươm ở đây cũng là người dân tộc Mường và căn biệt thự lớn mọc lên cách không xa đình, cũng là của chủ vườn.

Những biệt thự hiện đại không làm suy giảm sự tôn nghiêm của những ngôi đình Mường truyền thống.

Những biệt thự hiện đại không làm suy giảm sự tôn nghiêm của những ngôi đình Mường truyền thống.

Ấp Hòa Bình-Xã Hòa Thắng, từ một vùng ven đô thị vắng vẻ, nay trở thành một trung tâm dịch vụ-nông nghiệp hiện đại, là điểm kết nối của Đại lộ Võ Nguyên Giáp, cảng hàng không Buôn Ma Thuột và Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Đi bộ con đường nhỏ cắt ngang cánh đồng lúa, nơi hạ những nhát cuốc khai hoang đầu tiên từ 70 năm trước, nối đại lộ Võ Nguyên Giáp với “Ấp Hòa Bình” năm nào, có thể nghe được trên trời có tiếng phi cơ rẽ gió, trong đình Mường Pi có tiếng mo Mường xuyên không… Bên lúa xuân mơn man, những hàng Huỳnh Liên vàng rực rỡ, “Ấp Hòa Bình” vừa lãng mạn vừa cổ kính, vừa xuân sắc vừa u trầm.

Hoa Huỳnh Liên trong Ấp Hòa Bình thời hiện đại

Hoa Huỳnh Liên trong Ấp Hòa Bình thời hiện đại

Nơi những dân Mường cắm dùi gần 70 năm trước thật sự là vùng đất lành. Không chỉ cây cà phê, sầu riêng tìm thấy sự thịnh vượng, mà hồn quê cũng tìm được nơi dung dưỡng. Những giá trị truyền thống Mường gieo xuống nơi đây vẫn tươi xanh sống động, nối liền thế kỷ, nối mạch nguồn Nam-Bắc.

Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/nhung-ngoi-dinh-muong-noi-lien-the-ky-post1155849.vov