Tưng bừng Lễ hội Khai hạ cầu mong mùa màng bội thu
Trong những lễ hội cổ truyền tổ chức vào dịp đầu Xuân, thì Lễ hội Khai hạ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Lễ hội Khai hạ, còn gọi là Lễ Tịch điền, hay Lễ xuống đồng, mở cửa rừng trong tâm thức của người Mường là sự khởi đầu cho một năm mới với mong ước mùa màng tươi tốt, may mắn, thịnh vượng. Đây cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Các thầy mo khấn mời thần linh và thành hoàng về dự Lễ hội Khai hạ. Ảnh: An Nhiên
Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Thảo, người Mường ở xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình tự hào cho biết: “Đối với người dân xứ Mường, Lễ hội Khai hạ là lễ hội điển hình có từ rất lâu đời. Khai hạ không làm lễ theo từng nhà mà làm lễ theo từng vùng. Tỉnh Hòa Bình có 4 vùng mường: Mường Bi, Mường Thàng, Mường Vang, Mường Động. Mỗi vùng tổ chức Lễ hội Khai hạ vào một ngày khác nhau. Có những năm UBND tỉnh đứng ra tổ chức, có năm huyện tổ chức, hoặc xã tổ chức. Năm nào Lễ Khai hạ được tổ chức ở vùng mường đó thì người dân rất là vui và phấn khởi”.
Nghệ nhân Nhân dân, thầy mo Bùi Văn Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mo Mường Hòa Bình cho biết: “Tín ngưỡng của người Mường hơi khác so với các dân tộc khác là thờ người có công với đất nước, thờ đích danh. Theo truyền thống, người Mường thờ Quốc mẫu Hoàng Bà, tức mẹ vua Hoàng Bà - người có công truyền dạy cho dân Mường biết cày bừa, cấy hái lúa nước, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, khai mương mở nước, dẫn thủy nhập điền, chăn nuôi gia súc. Ngoài Đức mẫu Hoàng Bà, người Mường còn thờ 3 vị thánh tản (3 vị Đại cổ tiếng Mường) - là người khai thiên lập địa, thành hoàng làng khai mở đất đó... Do đó, Lễ hội Khai hạ mang ý nghĩa tôn kính các vị thánh thần, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường. Qua lễ hội, người dân cũng cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà mạnh khỏe, súc vật sinh sôi nảy nở, trẻ lớn nhanh, già sống lâu, công việc thuận lợi”.
Trong các xứ mường thì Lễ hội Khai hạ Mường Bi nổi tiếng nhất. Lễ được tổ chức ở xóm Lũy, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Nơi đây có miếu thờ Đức mẹ Hoàng Bà, Đức vị Vua Cả, 3 vị Vua non, Vua quân Thái hậu, Vua hai Thành hoàng, quan lang bản thổ. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng theo lịch Mường, tức ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày này, người dân tập trung về miếu làng để tổ chức lễ. Khai hạ là lễ trọng nên khâu chuẩn bị rất kỹ, cần có ruộng, trâu, chiêng, trang phục dân tộc. Những thứ đó do đàn ông phụ trách, còn phụ nữ thì chuẩn bị đồ lễ là đầu trâu, các mâm cỗ, bánh trái, rượu cần, hoa quả, cá.
Để tiến hành Lễ Khai hạ, dân làng chuẩn bị thịnh soạn 3 mâm cỗ chính. Trước đây, đồ tế lễ nhất thiết phải có một con hoẵng đi săn được, nếu không có thì phải thay bằng một con bò, người Mường kiêng mổ trâu. Ngày nay, con hoẵng được thay bằng con vật khác, bên cạnh đó, dân làng để một cuộn vải mộc dệt bằng tơ tằm. Ngay từ sáng sớm, dân làng đưa các mâm cỗ từ nhà Lang ra miếu làng. Cỗ lễ bày biện xong, các vị chức sắc, già làng, trưởng bản, dân làng tề tựu đầy đủ, thầy mo Bùi Văn Minh trong trang phục áo chùng, đầu đội mũ mo, tay cầm quạt cùng ông trượng phụ lễ áo chùng, khăn đóng đọc bài cúng ướm hỏi Đức mẹ Hoàng Bà đang rong ruổi bốn phương trời, mười phương đất đã về núi Tản Viên nơi người ngự chính chưa để được đón Người cùng các vị thần linh về dự Lễ hội Khai hạ. Rung một hồi chiêng, thầy mo bước lên khấn mời thần linh và thành hoàng về dự lễ.
Tiếp sau đó là nghi lễ gọi hồn chiêng và đánh chiêng. Thầy mo Bùi Văn Minh đánh một hồi 9 tiếng chiêng và khấn: “Dậy dậy chiêng hỡi, dậy dậy chiêng à. Dậy hết dàn chiêng ngân chiêng nga. Da dậy từ nhà chín gian. Da dậy từ dàn bên trên cột cái. Rước chiêng lên tay tiếng hội Khai hạ. Tiếng chiêng động hết 9 tỉnh 10 mường. Chiêng động đất chiêng động trời. Cầu mưa cho thuận, nắng cho hòa. Cầu cho con dân Mường ta khỏe mạnh, lúa má tốt tươi, người người vui vẻ. Ta đánh lên 3 hồi chiêng. Cho dân Mường ta nhớ lấy. Dậy dậy chiêng hỡi, dậy dậy chiêng à”.
Kết thúc nghi thức gọi chiêng, thầy mo đánh trống khai hội, rước Quốc mẫu Hoàng Bà ra Nà Mường để thực hiện nghi thức xuống đồng. Trong âm thanh của dàn chiêng sắc bùa và nhạc ngũ âm, trai tráng trong làng khênh kiệu đi ra cánh đồng của mường. Tới nơi, thầy mo ra hiệu lệnh làm nghi thức xuống đồng. Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh cho biết: “Để mở đầu cho một năm mới làm ăn thịnh vượng thì lễ thức mở xá cày đầu tiên không thể thiếu được, đây là lễ thức quan trọng nhất trong tiết Khai hạ Khuống mùa. Người đặt xá cày đầu tiên là nhà vua hoặc chủ làng. Sau xá cày đầu tiên, người dân xứ Mường sẽ thực hiện nghi thức tưới những giọt nước đầu tiên xuống đồng cầu cho mưa thuận gió hòa, thái bình thịnh vượng. Sau Lễ Khai hạ, người dân mới được xuống đồng, mới được đi cày, đi bừa trồng cấy”.
Kết thúc phần lễ là đến phần hội, trong âm thanh rộn rã của dàn chiêng sắc bùa, các trò chơi dân gian diễn ra tưng bừng. Bà con xứ Mường cùng đánh chiêng, hát ví đôi, đâm đuống, múa mõ, nhảy sạp, múa xòe và các trò chơi thể thao dân tộc. Dân làng cùng các dân tộc anh em vui hội, mời nhau uống rượu cần, cỗ lá, buộc chỉ cổ tay, chúc nhau một năm may mắn, bình an, hạnh phúc.
Lễ hội Khai hạ mang đặc trưng của cư dân trồng lúa nước. Với nét độc đáo, lễ hội đã và đang được bảo tồn và duy trì phát triển hàng năm trên các vùng mường của tỉnh Hòa Bình và đã trở thành một lễ hội thu hút du khách gần xa về với Hòa Bình trong các dịp đầu năm.