Những người con của bản Mông: Đi tiên phong để về đích sớm
Muốn thoát nghèo và có cuộc sống tốt đẹp hơn, một trong những yếu tố căn bản vẫn là phải cắt bỏ những hủ tục, suy nghĩ lạc hậu. Để làm được điều đó, ngoài nguồn lực hỗ trợ, các đề án của Đảng, Nhà nước, góp một phần không nhỏ đó chính là những người con của bản Mông dám đi tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục và giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc Mông. 'Đi tiên phong để về đích sớm' là câu nói của ông Lâu Minh Pó mà tôi nhớ mãi.
Phải xóa bỏ những hủ tục
Với người Mông, họ cúng tổ tiên trong mọi sự kiện, từ khi vào nhà mới, lễ cưới, lễ cơm mới, lễ đặt tên cho trẻ đến khi tang ma... Trong thế giới tâm linh của người Mông, thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện niềm tin, mà còn là những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng.
Di cư từ Mường Lát sang Quan Sơn trong những năm 1989 đến 1991, hầu hết người Mông ở 3 bản: Xía Nọi, Mùa Xuân (Sơn Thủy); Ché Lầu (Na Mèo)... mang theo cả những phong tục tập quán vốn có của đồng bào mình.
Anh Thao Văn Công, hiện là Chủ tịch MTTQ xã Sơn Thủy (Quan Sơn) cho biết: Trước năm 2015, chuyện thờ cúng rất nặng nề với đồng bào Mông chúng tôi. Cụ thể là mỗi gia đình có 3 ngày thờ cúng chính: đón tết cổ truyền, ngày mùng 3 tết và ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch. Để cúng thì họ phải chuẩn bị 3 - 4 con gà, vài con lợn cỡ 1 tạ đến 1,5 tạ. Trong năm còn có nhiều ngày cúng quan trọng khác, và trên bàn thờ đều phải có gà, có lợn. Không chỉ cúng 1 lần/ngày, mà còn cúng 3 lần/ngày. Nghèo mấy cũng phải đi vay mượn.
Chúng tôi đến bản Mùa Xuân đúng vào dịp mọi người đang tập trung ăn uống ở đám tang ông Sung Ly Pó. Anh Sung Pó Ly, cho biết: Vì là con cháu trong gia đình nên tôi phải làm thịt sạch sẽ một cặp gà (2 con) để đến đám tang. Trong tháng này, ở bản có 3 người chết, đều là anh em họ hàng nên gia đình tôi đã thịt tổng cộng 6 con gà.
“Nhờ có tuyên truyền của Đảng và nhà nước mà bà con ở bản Mùa Xuân đã thay đổi rất nhiều những phong tục tập quán lạc hậu. Chuyện thờ cúng giờ đây đã không còn quá tốn kém, nhưng vẫn rất nặng nề”, Bí thư kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, anh Sung Văn Cấu chia sẻ với chúng tôi.
Là một trong rất ít người phản đối những tập tục thờ cúng, anh Thao Văn Công kể lại: Con cái trong gia đình ốm đau, họ chỉ chú ý cúng thần linh. Có lúc tôi vừa nhẹ nhàng vừa làm căng để họ hiểu rằng, thay vì tốn tiền mua lợn, mua gà thì số tiền đó đưa con đi khám ở bệnh viện, nó đã khỏi rồi. Nhiều người bị thuyết phục trong miễn cưỡng, họ chấp nhận đi bệnh viện nhưng còn nói thêm: Con tôi mà bị ma bắt là cán bộ chịu trách nhiệm đấy.
Bản Mùa Xuân hiện có 116 hộ với 563 nhân khẩu, hầu hết là thuộc hộ nghèo và cận nghèo. “Tốn kém lắm cô ạ. Cái nghèo vì thế cứ nghèo mãi. Tôi thường nói với đồng bào rằng, thờ cúng cốt ở tấm lòng, mình còn nghèo thì chỉ cúng đơn giản. Cúng lắm, người chết có ăn được đâu, mà mình thì mang một đống nợ”, anh Thao Văn Công cho biết thêm.
Trong thờ cúng thì nghi lễ tang ma là vô cùng quan trọng, vừa khép lại vòng đời của một con người, vừa gửi gắm những mong ước của người sống với người chết. Với đặc tính là thường xuyên di cư, lại sống ở nơi có địa hình rừng núi hiểm trở, mỗi khu dân cư chỉ có vài ba nóc nhà. Khi có người chết, gia đình đan một cái cáng để làm các thủ tục tang lễ trong nhà xong rồi mới khiêng đi bỏ vào quan tài đã đặt sẵn ở huyệt...Trong những ngày chờ đợi ấy là nhiều bữa cỗ linh đình.
Ông Lâu Minh Pó, người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) chia sẻ: Bản thân tôi là người Mông được học tập và thoát ly gia đình, được thấy sự tiến bộ, văn minh của đồng bào các dân tộc khác, tôi đã rất trăn trở và đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao người Mông khi chết rồi lại không đưa vào quan tài ngay như các dân tộc khác để đảm bảo vệ sinh hơn?. Mổ nhiều trâu bò làm gì, người chết có ăn được không?...
Quyết tâm thay đổi “thói quen” ấy bắt đầu từ gia đình mình, ngày 22/3/2013 cố nội ông là Lâu Chứ Dơ ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi qua đời. Ông Pó đã triệu tập họp dòng họ đồng thời giao nhiệm vụ cho một số anh em cán bộ công chức là người họ Lâu phụ trách tâm sự, thuyết phục, vận động các già làng, những người có tiếng nói trong việc tổ chức tang lễ. Đây là đám tang đầu tiên của đồng bào Mông Thanh Hóa đưa người chết vào quan tài. Ông Pó nhớ lại: Việc đưa người chết vào quan tài của dòng họ Lâu đã bị một số dòng họ khác chỉ trích, phản đối gay gắt. Nếu không có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự cương quyết của trưởng dòng họ, sự ủng hộ của người có uy tín trong cộng đồng người Mông thì không thể thực hiện được.
Dù đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đã kết thúc hơn 3 năm. Song, hiệu quả của nó là điều không ai có thể phủ nhận. Đến nay, 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ. Hiện tượng bắt mổ gia súc, gia cầm nhiều trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm đáng kể.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống
Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta thường nhớ đến đầu tiên là bộ trang phục, nhất là bộ váy với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Trang phục dân tộc Mông ngày nay có thể không được sử dụng hàng ngày, nhưng vẫn là sự lựa chọn của các cô gái trong nhiều sự kiện quan trọng, hay vào ngày lễ, ngày hội.
Thực hiện Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, Hội LHPN huyện Quan Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thành lập 3 tổ truyền thông cộng đồng tại 3 bản Mông ở Ché Lầu (Na Mèo); Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy). Tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông”, bản Mùa Xuân có 150 hội viên. “Với mong muốn phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, chị em phụ nữ đã đi đầu trong việc tổ chức học thêu thùa, học viết, giao lưu nghệ thuật múa, khèn, sáo, đàn môi...”, chị Hơ Thị Dính, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Mùa Xuân, cho biết.
Nếu chị em là những người đi đầu trong việc giữ gìn nghệ thuật thêu truyền thống của người Mông thì chính các thầy giáo lại là người giữ gìn ngôn ngữ và chữ viết của người Mông. Đến Pù Nhi (Mường Lát) không thể không nhắc tới ông Hơ Văn Tông A, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi.
Gắn bó với ngành giáo dục gần 40 năm cũng là ngần ấy thời gian thầy Tông A tìm tòi, nghiên cứu văn hóa dân tộc, trở thành một trong những người có vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc Mông.
“Muốn giữ được bản sắc dân tộc, trước hết phải giữ được tiếng nói và chữ viết. Tôi chỉ mong dân tộc mình giữ được bản sắc riêng, còn cán bộ thì có vốn kiến thức cơ bản về văn hóa Mông để làm công tác dân vận cho hiệu quả. Thực tế là trẻ nhỏ bây giờ không còn sử dụng tiếng Mông”. Ở tuổi 65 nhưng với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền dạy ngôn ngữ dân tộc, ông Hơ Văn Tông A vẫn thường xuyên tham gia các lớp dạy tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ địa phương. “Hy vọng rằng, từ những người lớn trong nhà biết tiếng Mông, mà trẻ nhỏ sẽ được học và sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc mình”, ông Tông A nói với chúng tôi.
Có thể không nhiều người am hiểu sâu sắc ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Mông như ông Hơ Văn Tông A nhưng góp gió thành bão, hy vọng rằng, nhìn vào những người đang dồn sức mình giữ gìn những giá trị truyền thống, mạnh dạn bỏ đi các thói quen, hủ tục... đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có sự thay đổi không chỉ từ nếp nghĩ mà cả trong hành động.
Cuộc “cách mạng” trong tang ma có thể đã qua giai đoạn đỉnh điểm, nhưng để bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp bên cạnh xóa bỏ những hủ tục của đồng bào Mông còn cần cả một hành trình dài, và sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền nơi đồng bào Mông đang sinh sống.
Sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn, đồng bào Mông Thanh Hóa hiện có khoảng 3.700 hộ, chiếm trên 17% tổng số đồng bào khu vực miền núi. Đồng bào dân tộc Mông đã và đang nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, chung tay phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới.