Những 'người dẫn đường' nơi vùng cao giúp phụ nữ Yên Bái thoát nghèo
Với sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, nhiều phụ nữ tại tỉnh Yên Bái đang vươn lên thoát nghèo, trở thành ngọn lửa sưởi ấm, thắp sáng tương lai cho tương lai của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều chương trình thiết thực nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ
Giữa những dãy núi trùng điệp và bản làng mờ sương của vùng cao Yên Bái, có những người phụ nữ đang từng ngày nỗ lực vươn lên khẳng định giá trị bản thân.
Vợ chồng chị Nông Thị Nhiệm, thôn Trạng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, vốn chỉ sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên thu nhập bấp bênh, bao năm cái nghèo vẫn quẩn quanh. Năm 2018, chị Nhiệm được Hội LHPN xã ủy thác với ngân hàng cho vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 700 con gà về nuôi.
Chị còn tham gia nhiều lớp tập huấn chăn nuôi do Hội LHPN tổ chức. Do vậy, đàn gà của gia đình được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt. Tích lũy vốn, chị mở rộng dần thành 3 khu chăn nuôi, với tổng diện tích trên 1.000 m2, mỗi lứa nuôi gần 3.000 con, mỗi năm 4 lứa. Trung bình mỗi năm chị cũng thu về trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm 2020, gia đình chị Nhiệm được công nhận thoát nghèo và từ đó đến nay vươn lên trở thành hộ khá của xã.

Chị Nông Thị Nhiệm (giữa) đã tự tin phát triển kinh tế
Tại thôn Tầm Vông, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, câu chuyện của bà Vi Thị Thúy cũng là một ví dụ điển hình cho sự đổi đời nhờ tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế. 5 năm trước, bà Vi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, trồng keo và cấy lúa nước. Đến nay, đàn bò nhà bà đã lên tới 12 con, rừng cây công nghiệp rộng 2,5ha. "Nhờ đồng vốn chính sách, tôi mở rộng được quy mô gia trại, có việc làm ổn định, thu nhập đều đặn và gia đình tôi chính thức thoát nghèo từ năm 2022", bà Thúy chia sẻ trong niềm hạnh phúc giản dị.
Không riêng tại Lục Yên, tại nhiều huyện khác của tỉnh Yên Bái như Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình…, đời sống của người phụ nữ cũng đang có những bước phát triển mới.
Ở Trạm Tấu, một huyện vùng cao còn nhiều gian khó, những người phụ nữ không đơn độc trên hành trình phát triển kinh tế. Luôn sát cánh bên họ là những người cán bộ Hội phụ nữ – những "người dẫn đường" bền bỉ và tâm huyết.
Chị Hảng Thị Dông, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu, cho biết: "Phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chị em vùng cao. Vì vậy, các chủ tịch Hội phụ nữ cấp cơ sở không chỉ tuyên truyền mà còn trực tiếp vận động, khuyến khích hội viên tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi".
Từ sự định hướng đó, nhiều mô hình kinh tế mới đã ra đời như mô hình trồng dưa Mông, trồng su su ở xã Bản Công; chăn nuôi tổng hợp ở xã Hát Lừu; dệt may thổ cẩm ở xã Làng Nhì. Đặc biệt, nhiều phụ nữ đã biết khai thác lợi thế địa phương để phát triển sản phẩm đặc trưng như chè Shan, khoai sọ nương, du lịch cộng đồng… Từ sản xuất tự cung, tự cấp, họ đã từng bước tiếp cận thị trường, mở rộng sinh kế và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều chương trình thiết thực nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ
Cung cấp kiến thức, kỹ năng và sự tự tin cho phụ nữ
Với mong muốn giúp chị em nâng cao kiến thức, bảo vệ bản thân và xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai hàng loạt hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, mua bán người, bạo lực gia đình…
Chị Lý Thị Cầu, Chủ tịch Hội LHPN xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong giai đoạn 2017 - 2025, Hội LHPN xã đã tổ chức 24 buổi truyền thông, 12 lớp tập huấn kỹ năng bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, thu hút trên 1.500 lượt chị em phụ nữ tham gia; tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, nâng cao nhận thức về pháp luật cho hội viên".
Chính từ những buổi trò chuyện gần gũi, những hội thi sôi nổi ấy, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống được lan tỏa, giúp chị em mạnh dạn hơn trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và con cái.
Theo chia sẻ của đại diện Hội LHPN tỉnh Yên Bái, Phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" được Hội LHPN tỉnh triển khai đồng bộ khắp các huyện, xã. Các cấp Hội vận động hội viên tiết kiệm để giúp nhau về vốn, cây con giống, ngày công lao động; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ vay vốn ưu đãi; tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Hội LHPN tỉnh còn vận động các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi năm, Hội đều khảo sát, lập danh sách "phụ nữ nghèo có địa chỉ" để có phương án hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Hàng trăm ngôi nhà "Mái ấm tình thương" đã được dựng lên, hàng nghìn hộ nghèo có phụ nữ làm chủ được tiếp cận vốn, sinh kế, từ đó dần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái quan tâm
Đổi mới thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, nâng cao vị thế phụ nữ
Những nỗ lực từ các cấp Hội và chính bản thân mỗi hội viên, phụ nữ tỉnh Yên Bái đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh. Từ năm 2021 đến 2024, Yên Bái giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 30,36% xuống 10,04%, vượt xa chỉ tiêu trung ương giao (5%/năm). Thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 2 lần, đạt 33,25 triệu đồng/người/năm (vượt 5,41 triệu so với mục tiêu). Tỉnh Yên Bái phấn đấu năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 4,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,69%; tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 giảm 2,57% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc. Trong đó, nâng cao ý thức tự lực, tự giác vươn lên của chính người nghèo là yếu tố then chốt. Bằng cách đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp, triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, tỉnh Yên Bái đang từng bước khơi dậy nội lực của mỗi người dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào hành trình phát triển bền vững, gìn giữ bản sắc và làm giàu cho quê hương.