Những người gìn giữ mạch nguồn văn hóa tộc người
Say mê với văn hóa truyền thống của dân tộc, tự mày mò nghiên cứu và truyền dạy cho các thế hệ trẻ, với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, những người nghệ nhân ưu tú như ông Ma Thanh Sợi, Tẩn vần Siệu, vẫn ngày đêm miệt mài với các công việc 'vác tù và hàng tổng' không biết mệt mỏi.
Người dạy chữ Nôm Dao trên sườn núi Tà Chải
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, cách xa với khu vực trung tâm xã Tả Phìn, ngôi nhà của ông Siệu nằm chênh vênh trên sườn núi, thuộc thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Lâu nay, ông Tẩn Vần Siệu được dân bản ví như người “lưu giữ linh hồn của làng Dao” ở đất Tả Phìn. Cũng bởi sự uyên thâm về chữ Nôm Dao, sự nhiệt tình dạy dỗ các học trò không những ở xã Tả Phìn mà còn trong vùng người Dao ở Sa Pa và các huyện lân cận.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Siệu nói: "Tôi luôn lo lắng thế hệ trẻ lớn lên không còn biết chữ Nôm Dao nữa, thì sẽ không duy trì được các giá trị văn hóa truyền thống, các tri thức của người Dao được lưu truyền qua hệ thống sách cổ. Từ những năm 2000, tôi đã tổ chức mở lớp truyền dạy cho học trò. Lúc đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhưng sau đó được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất nên lớp học đã thuận lợi hơn rất nhiều”.
Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: "Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu là người rất có uy tín ở địa phương, có kiến thức về người Dao rất giỏi, lại là người có tâm với việc duy trì, gìn giữ văn hóa phong tục tập quán truyền thống của người Dao. Nên người dân địa phương rất tôn trọng và đều cho con theo học lớp chữ Nôm Dao của thầy Siệu”.
Anh Tẩn Láo Lở, ở xã Tả Phìn, chia sẻ: “ Ngày tôi mới hơn mười tuổi đã đến học lớp của thầy Siệu, thầy dạy dỗ rất tận tình mà không thu học phí, thậm chí còn hỗ trợ sách bút cho học trò không có điều kiện mua. Thầy tự biên soạn các sách giáo trình cho từng cấp độ học, như cấp độ 1, cấp độ 2, và cấp độ 3. Bây giờ tôi đã có con cái, sau này con tôi lớn một chút nữa tôi cũng sẽ cho con mình theo học thầy Siệu, Vì ở lớp học của thầy, thì ngoài việc thầy dạy chữ, còn dạy cho các con đạo lý làm người rất ý nghĩa”.
Người níu giữ những giá trị truyền thống bên dòng suối Nậm Luông
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, ở xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai), dù đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy, nhưng ông vẫn thường xuyên tổ chức lớp truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày cho các thế hệ trẻ trong vùng.
Xuất thân là một thầy giáo, sau đó ông chuyển qua làm công tác quản lý ở UBND xã Nghĩa Đô cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng với lòng say mê nghiên cứu sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày, từ cách đây hàng chục năm, ông Ma Thanh Sợi đã cộng tác với Sở Văn hóa và Thông tin Lào Cai (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) để nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian truyền thống của người Tày ở địa phương.
Với niềm đam mê nghiên cứu, cùng gánh nặng trách nhiệm phải gìn giữ văn hóa dân tộc mình mà ông đã tự đặt nó lên vai. Sau nhiều năm miệt mài, ông Sợi đã tích cóp cho mình một kho tàng văn hóa dân gian khổng lồ.
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, chia sẻ: "Sau khi nghiên cứu sưu tầm các kho tàng văn hóa của người Tày ở địa phương, từ các câu chuyện, các làn điệu dân ca, dân vũ, lịch sử địa danh, phong tục tập quán trong đời sống, trong lao động sản xuất…, tôi thấy phải truyền thụ lại cho lớp trẻ, để dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới được duy trì, không đứt đoạn, không mai một. Nên tôi đã tổ chức các lớp truyền dạy lại cho lớp trẻ. Nhận được sự hỗ trợ của ngành văn hóa tỉnh, huyện và đặc biệt là sự tạo điều kiện của lãnh đạo xã, lớp truyền dạy của chúng tôi cũng khá thuận lợi”.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho biết: "Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, Ma Thanh Sợi đều là những người rất có tâm với công cuộc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Họ tự nguyện làm với niềm đam mê, sự trách nhiệm cá nhân, nên được đồng bào đánh giá cao và rất trân trọng. Với sự cống hiến nhiệt tình và ý nghĩa cho cộng đồng, cả hai ông đã vinh dự được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng. Đây là sự đánh giá, động viên rất ý nghĩa cho những người đang ngày đêm giữ mạch nguồn văn hóa tộc người ở vùng đất biên cương này”.