Những người làm đẹp cho vịnh Lan Hạ

Tại quần thể vịnh Hạ Long - Lan Hạ, song song với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chính những người đang trực tiếp hưởng lợi từ vẻ đẹp thiên nhiên này đã tiên phong hành động qua phong trào thu gom rác bảo vệ môi trường.

Từ năm 2023, một số trang tin và tạp chí nước ngoài đã thực hiện khảo sát online và đưa quần thể vịnh Hạ Long – Lan Hạ vào danh sách “No list” (Không nên đến) do có cảnh báo về tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vịnh.

Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt của Vịnh Lan Hạ chính là ý thức bảo vệ môi trường mạnh mẽ từ các doanh nghiệp du lịch địa phương. (Ảnh: Từ Hải)

Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt của Vịnh Lan Hạ chính là ý thức bảo vệ môi trường mạnh mẽ từ các doanh nghiệp du lịch địa phương. (Ảnh: Từ Hải)

Việc này đã phần nào làm sụt giảm lượng du khách nước ngoài đến với Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong khi đó, cơn bão Yagi năm 2024 đã gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng về môi trường tại hai vịnh này.

Mặc dù vậy, cả hai địa phương từ bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân… đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác thu gom, xử lý rác thải để khôi phục cảnh quan và môi trường du lịch.

Những ngày qua, điều đặc biệt làm nên sự khác biệt của Lan Hạ chính là ý thức bảo vệ môi trường mạnh mẽ từ các doanh nghiệp du lịch địa phương.

Ông Phạm Xuân Sang, chủ một đơn vị kinh doanh du thuyền trên Vịnh Lan Hạ chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng vịnh Lan Hạ là nguồn sống của chúng tôi. Nếu chúng ta không tự bảo vệ nó, thì không ai có thể làm thay. Ban đầu, chỉ là những hoạt động nhỏ lẻ của từng thuyền, từng doanh nghiệp, nhưng dần dần, nó đã trở thành một phong trào chung".

Phong trào thu gom rác tự giác của các doanh nghiệp diễn ra định kỳ, thường là vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. (Ảnh: Từ Hải)

Phong trào thu gom rác tự giác của các doanh nghiệp diễn ra định kỳ, thường là vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. (Ảnh: Từ Hải)

Theo ghi nhận của phóng viên, phong trào thu gom rác tự giác của các doanh nghiệp diễn ra định kỳ, thường là vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. Các doanh nghiệp, từ các công ty lữ hành lớn đến các hộ kinh doanh cá thể, đều khuyến khích nhân viên của mình tham gia.

Họ sử dụng các thuyền nhỏ hoặc thuyền kayak để tiếp cận các khu vực khó khăn, những bãi biển hẻo lánh, những hốc đá trong di sản và thậm chí là lặn xuống đáy biển để thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Sau khi thu gom, rác sẽ được tập kết để chuyển lên tàu chở rác chuyên dụng của Ban quản lý vịnh.

Anh Nguyễn Công, nhân viên du thuyền Aclass Cruise trên vịnh Lan Hạ, tâm sự: "Nhiều du khách rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi làm việc này. Họ thường bày tỏ sự ngưỡng mộ và thậm chí có những người tình nguyện tham gia cùng. Điều đó cho thấy, việc làm của chúng tôi không chỉ làm sạch vịnh mà còn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến du khách".

Các doanh nghiệp cho rằng đây là phong trào lâu dài trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch. (Ảnh: Từ Hải)

Các doanh nghiệp cho rằng đây là phong trào lâu dài trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch. (Ảnh: Từ Hải)

Nhờ phong trào này, lượng rác thải trên vịnh Lan Hạ đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là rác thải nhựa, ngày càng trở nên sạch đẹp hơn, thu hút nhiều du khách có ý thức về môi trường. Điều này không chỉ nâng cao hình ảnh du lịch của Lan Hạ mà còn góp phần vào việc bảo tồn hệ sinh thái biển quý giá.

"Chúng tôi không chỉ thu gom rác mà còn tích cực tuyên truyền cho du khách về việc không xả rác bừa bãi", anh Lê Văn Thao, đại diện một hiệp hội du lịch địa phương chia sẻ. "Ngay trên tàu du lịch, chúng tôi tổ chức quy trình phân loại rác chuyên nghiệp có phân biệt rõ rác thải hữu cơ và vô cơ. Cùng với đó, chúng tôi lắp đặt hệ thống điều hòa làm lạnh và hệ thống khử khuẩn đạt tiêu chuẩn để không gây hại ra môi trường trước khi chuyển rác lên đất liền xử lý".

Anh Lê Văn Thao tin rằng, "với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính quyền, Vịnh Lan Hạ sẽ mãi mãi giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của mình".

Sau khi thu gom, rác sẽ được tập kết để chuyển lên tàu chở rác chuyên dụng của Ban quản lý vịnh.

Sau khi thu gom, rác sẽ được tập kết để chuyển lên tàu chở rác chuyên dụng của Ban quản lý vịnh.

Có thể nói, phong trào thu gom rác tự giác tại vịnh Lan Hạ là một ví dụ điển hình cho thấy sự chủ động và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch.

Đây không chỉ là hành động làm sạch môi trường mà còn là minh chứng cho một triết lý phát triển bền vững, nơi vẻ đẹp tự nhiên và ý thức con người hòa quyện, tạo nên một Lan Hạ không chỉ đẹp mà còn mang đến ấn tượng khó phai trong mắt du khách nước ngoài.

Từ Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-nguoi-lam-dep-cho-vinh-lan-ha-319871.html