Những người lưu giữ ký ức Hà Nội
Họ là một người Việt Nam và một người nước ngoài, Lê Bích và Andy Soloman... nhưng đều gặp nhau ở một điểm: tình yêu Hà Nội. Và, họ đã lưu giữ tình yêu ấy bằng những bức ảnh. 'Hà Nội - Một thời để nhớ' như một cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô trong vòng hơn 20 năm kể từ những năm đầu của thời kỳ Đổi mới.
Có chung một tình yêu với Hà Nội, hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng Andy Soloman và Lê Bích đã ghi chép sự thật bằng ảnh, không dàn dựng, không hư cấu, kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh với những góc nhìn độc đáo qua 86 bức ảnh đen trắng được chụp từ giai đoạn năm 1992-2012.
Những bức ảnh đặc sắc này ghi lại cuộc sống của người dân Hà Nội trong thời kỳ Đổi mới, khi thành phố bắt đầu trải qua những thay đổi lớn về kinh tế. Các bức ảnh mang lại cho người xem một cái nhìn đầy hoài niệm và cảm xúc về cuộc sống trong thành phố và những bước chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ. Triển lãm tổ chức tại biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo từ ngày 10 đến 31/10.
Andy Soloman chia sẻ: “Khi tôi đi lang thang trên các con phố, mọi người thường gọi tôi là "Liên Xô”, nhầm tưởng tôi là người Nga. Tôi chỉ cười và đáp lại: “Không phải, tôi là người Anh" và điều đó luôn khiến họ bật cười và vẫy tay chào. Ngay từ khi đó, tôi đã cảm nhận được Hà Nội đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng. Những biệt thự Pháp từng nguy nga nhưng đã đổ nát và những ngôi nhà đông đúc nhưng đẹp đẽ trong khu phố cổ đã dần nhường chỗ cho các dự án phát triển mới. Những bức ảnh này là khoảnh khắc ghi lại thành phố trong quá trình chuyển mình. Qua nhiều năm, tôi đã quay lại Hà Nội nhiều lần. Dù thành phố đã thay đổi theo nhiều cách, bản chất của nó vẫn không đổi. Năng lượng và tình người đã cuốn hút tôi từ năm 1992 vẫn còn sống động cho đến ngày nay và Hà Nội sẽ mãi mãi giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”.
Anh hướng ống kính của mình vào những con người bé nhỏ của thành phố. Một người thợ mộc, một thợ cắt tóc, hay những người già, mộc mạc, giản dị. Cuộc sống thời Đổi mới vẫn còn gian khó, nhưng hồn hậu, đáng yêu. Anh chia sẻ cảm nhận về Hà Nội sau 32 năm gắn bó: "Tôi đã yêu Hà Nội và người dân nơi đây từ khi đặt chân đến vào năm 1992. Ở bất cứ đâu, tôi đều được đón tiếp bằng lòng hiếu khách và sự tử tế đáng kinh ngạc. Khi nhìn lại những bức ảnh tôi chụp vào thời điểm đó, tôi nhận ra chúng là những ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố. Tôi hy vọng những người Hà Nội khi đến tham quan triển lãm sẽ yêu thích chúng như tôi và rằng, chúng sẽ gợi lên những kỷ niệm và cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cũng mong muốn tìm lại được một số người trong những bức ảnh, vì thật tuyệt vời nếu được gặp lại họ, nghe câu chuyện của họ và chụp ảnh họ một lần nữa".
Rõ ràng, phải có một tình yêu Hà Nội đến nhường nào, Andy Soloman mới có thể có một góc nhìn gần gụi, ấm áp đến thế. Nó không phải là cái nhìn của người ngoài cuộc mà của một người đã sống rất sâu trong đời sống đô thị Hà Nội, như một phần của thành phố này, mới có được những cảm xúc sâu sắc đến vậy. Đó cũng là điểm gặp gỡ giữa Lê Bích và Andy Soloman. Nhiều người nói rằng, nếu che tên tác giả trên những bức ảnh sẽ khó nhận ra đây là tác phẩm của Lê Bích hay Soloman. Bởi, họ cùng có một góc nhìn chung về Hà Nội. Họ không chỉ chụp lại những con người, những góc phố mà còn hiểu tường tận từng số phận, từng tên người.
Đó là “Người khắc đá ở Hàng Mắm, người dân chào đón tôi bằng nụ cười, còn tôi ghi lại cuộc sống của họ bằng máy ảnh”. Hay, “Một người phụ nữ đi xe đạp qua Ngân hàng Nhà nước, chiếc xe đạp cũ, chiếc nón lá đã bảo vệ bà khỏi mưa nắng”. Rồi “những bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở quảng trường Ba Đình lịch sử, hay chân dung ông Ngô Trường Thọ 81 tuổi trong “Cả đời cắt tóc”. Ông bắt đầu cắt tóc từ năm 18 tuổi trong gian phòng cũ 8 m vuông trên phố Lê Văn Hưu, thực tế khách hàng của ông là những người già, có cả những gia đình 4 đời là khách quen. Rồi, một ông lão ngồi trên xích lô hay những đứa trẻ đang say mê chơi những trò chơi tuổi thơ.
Lê Bích chia sẻ: “Đây cũng là cơ duyên khiến tôi gặp Andy Soloman khi anh có dự án gặp gỡ sau 30 năm. Xem ảnh của anh, tôi rất nể phục bởi đó là bộ ảnh ấn tượng về Hà Nội và điều quan trọng là cả hai chúng tôi đồng điệu trong cách tiếp cận, cách nhìn về Hà Nội. Đó là những bức anh chụp từ năm 1992-1999, lúc đó Hà Nội còn khá nguyên vẹn, với những con người rất bình dị. Andy là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, anh có cái nhìn sâu sắc và có tầm nhìn xa. Anh hiểu đó là những thời khắc của lịch sử, vì thế những bức ảnh của anh mang tính thời đại trong đó. Tôi hạnh phúc vì được học thêm từ những bậc thầy”.
Quan sát sự thay đổi của Hà Nội qua nhiều năm tháng, nhiếp ảnh gia Lê Bích tâm sự: “Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi không cho phép mình quên đi vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội. Qua thời gian, tôi đã thực hiện những bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng những bức ảnh này sẽ là một nốt nhạc đẹp trong bản hòa ca về Hà Nội, như một tia nắng chiều làm bừng sáng những cổng chùa cổ kính đã phai màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ khi thu về... để chúng ta thêm yêu và trân trọng những gì mà Hà Nội đã và đang có hôm nay".
Qua những bức ảnh này, người xem có thể cảm nhận được sự phấn khởi, tinh thần khởi sắc của buổi bình minh kinh tế, cùng những mảnh ghép đời thường đầy chân thật và xúc động. “Tôi tìm lại được những nhân vật trong ảnh như bác vẽ truyền thần, các cổ động viên của Trường Đại học Xây dựng đang cổ vũ cho ban nhạc Bức tường... Rồi. những học sinh Trường Tiểu học Trần Phú... Họ đến và rất ngạc nhiên. Còn tôi, tôi thấy xúc động vì mình đã chạm vào một vùng ký ức của họ”, Lê Bích nói.
Nhiều người cho rằng, thời Đổi mới gian khó và cũ rồi, làm sao phải nhớ? Nhưng, những bức ảnh của hai nhiếp ảnh gia đã góp phần lưu giữ những ký ức đẹp về Hà Nội. Đó là dòng chảy của một đô thị. Giờ cuộc sống đủ đầy hơn, những ngôi nhà hiện đại hơn đã mọc lên giữa trung tâm Thủ đô, nhưng Hà Nội cũng bê tông hóa nhiều hơn, có những di sản đã biến mất. Những bức ảnh vẫn giúp ta nhắc nhớ về những giá trị xưa cũ để biết trân trọng những gì mình đang có. Đó là những ký ức của đô thị trong dòng chảy phát triển.
Andy Soloman (sinh năm 1962) là một nhiếp ảnh gia người Anh, lần đầu tiên đến Hà Nội vào tháng 10/1992, sống tại thành phố trong 7 năm và thường xuyên quay lại trong những năm sau đó. Máy ảnh của ông đã ghi lại một thành phố và con người nơi đây ngay tại thời khắc Hà Nội bước vào những thay đổi sâu sắc khi chính sách Đổi mới được thực hiện.
Andy Soloman là một nhiếp ảnh gia có nhiều tác phẩm được xuất bản rộng rãi. Anh dành thời gian giữa Anh và Việt Nam với những chuyến đi thường xuyên đến các vùng khác trên thế giới. Trong thời gian sống tại Hà Nội từ năm 1992 đến 1999, anh đã làm việc cho nhiều tờ báo và hãng tin khác nhau trước khi gia nhập Reuters vào năm 1997. Hiện nay, anh tập trung vào nhiếp ảnh du lịch, nghệ thuật và đang thực hiện một dự án lớn tại Việt Nam nhằm tìm lại những người anh đã chụp vào các năm 1992, 1993.
Lê Bích (sinh năm 1972) là nhiếp ảnh gia gốc Hà Nội, người đã đoạt nhiều giải thưởng với niềm đam mê đặc biệt dành cho nghệ thuật, văn hóa và truyền thống Việt Nam. Anh đã có nhiều triển lãm về Hà Nội ở những giai đoạn khác nhau. Triển lãm gần đây nhất mang tên “Tình mẹ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào năm 2024.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-nguoi-luu-giu-ky-uc-ha-noi-i747534/