Những nhà tù nổi tiếng được xây dựng lại như thế nào?

Nhà tù 'Kresty' cũ của Nga ở Saint-Petersburg sắp được chuyển thành một khu phức hợp đa chức năng gồm một khách sạn và các không gian nghệ thuật. Các cuộc đấu giá để bán khu phức hợp dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm nay. Nhân dịp này, xin giới thiệu một số nhà tù nổi tiếng trên thế giới đã được xây dựng lại như thế nào.

"Kresty" - Nga

“Kresty” là nhà tù nổi tiếng nhất nước Nga, là biểu tượng của “Dân giang hồ Petersburg”, được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Antonio Tomishko. Khu phức hợp bằng gạch đỏ dưới dạng tòa nhà năm tầng hình thập ác được khánh thành vào năm 1864 với 999 phòng giam.

“Toàn bộ nhà tù được xây dựng theo nguyên tắc panopticon : cường độ chiếu sáng tối đa và không gian thoáng đãng để quan sát tù nhân. Người quản ngục có thể đứng ở điểm cao nhất của tầng bốn và nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra trong nhà tù từ tầng một đến tầng bốn. Nói chung, những nhà tù như vậy không được xây dựng ở Nga trước “Kresty”, - bà Natalya Klyuchareva, cán bộ phòng nhân sự của nhà tù nhận xét.

Nhà tù “Kresty” của Nga.

Nhà tù “Kresty” của Nga.

Nhà tù “Kresty”, hay còn được gọi là "Ngục Bastille của Nga" giam giữ các tội phạm hình sự và tù nhân chính trị. Những tù nhân đầu tiên của nó là thành viên của tổ chức khủng bố cách mạng “Ý chí nhân dân” Mikhail Olminsky, Vasily Priyutov, Aleksey Ergin. Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, các nhà cách mạng Lev Trotsky, Fyodor Raskolnikov, Anatoly Lunacharsky và nhiều người khác đã bị giam ở đây. Trong cuộc Đại thanh trừng ở Liên Xô (1936-1938), tù nhân nhiều đến mức mỗi phòng giam nhốt 15-17 người. Diễn viên Georgy Zhzhenov, Nguyên soái Konstantin Rokossovsky, nhà sử học Lev Gumilyov (chồng thứ ba của nữ thi sĩ Anna Akhmatova), đều đã sống trong những điều kiện như vậy.

Nhà văn Nga Daniil Kharms cũng phải ngồi tù vì tội “vu khống và tư tưởng chủ bại”. Để tránh bị hành quyết, ông đã giả điên và cuối cùng bị đưa vào phòng tâm thần của nhà tù, nơi ông qua đời vào mùa đông năm 1942 trong thời gian Leningrad bị phong tỏa. 20 năm sau, nhà thơ Joseph Brodsky, người đoạt giải Nobel Văn học, bị buộc tội ăn bám, trở thành tù nhân của “Kresty”, ông phải ngồi tù gần một năm.

Leonid Pantelkin (Lenka Pateleev), tù nhân duy nhất vượt ngục thành công ở “Kresty”.

Leonid Pantelkin (Lenka Pateleev), tù nhân duy nhất vượt ngục thành công ở “Kresty”.

Các tù nhân nhiều lần tìm cách chạy trốn khỏi “Kresty”. Ví dụ, một tù nhân tên là Volkov đã bỏ 2 tháng trời đục một lỗ trên bức tường gạch để chạy trốn. Được tự do, tên tội phạm đi tắm hơi và gặp một nhân viên của trung tâm tạm giam trước khi xét xử, y đã bị bắt và đưa trở lại. Hai tù nhân nữa đã trốn khỏi nhà tù bằng cách sử dụng giấy chứng nhận giả điều tra viên cao cấp của Bộ Nội vụ. Hai ngày sau, những người này bị bắt và đưa trở lại nhà tù.

Trong toàn bộ lịch sử, chỉ có một tù nhân trốn thoát khỏi “Kresty” và không quay trở lại - tên cướp Leonid Pantelkin, biệt danh Lenka Panteleev hay Fartovy. Mùa thu năm 1922, y đút lót cho viên quản ngục, chạy thoát và một thời gian làm cho cả thành phố Petrograd khiếp sợ. Năm 1923, bị bao vây tại một nhà thổ, Lenka chống cự và bị bắn chết.

Năm 2006, sau hơn 100 năm tồn tại, “Kresty” được thay thế bằng một tòa nhà khác ở thành phố Kolpin, tỉnh Leningrad. Năm 2017, tất cả tù nhân được chuyển đến “Kresty-2”. Người ta dự định xây dựng một bảo tàng trên địa điểm của nhà tù nổi tiếng, nhưng sau đó khu phức hợp này đã được chuyển giao cho tập đoàn nhà nước “Dom.RF”. Những người chủ mới muốn biến nhà tù cũ thành một khu đa chức năng gồm một khách sạn và các không gian nghệ thuật.

Nhà tù Tower of London - Vương quốc Anh

Pháo đài bên bờ sông Thames ở trung tâm Thủ đô London được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm. Từ năm 1190, địa danh này được sử dụng làm nhà tù. Nơi đây giam giữ các nhân vật cao cấp - các vị vua chúa và người thân của họ, đại diện của tầng lớp quý tộc và các linh mục. Tower of London không chỉ được biết đến là nơi giam giữ các nhân vật của xã hội thượng lưu mà còn là một trong những nhà tù tàn bạo nhất nước Anh. Các tù nhân bị tra tấn và hành quyết công khai. Chính tại đây, Vương hậu Anne Boleyn, người vợ thứ hai của Vua Henry VII, đã bị xử tử.

Ngoài ra, Vua Henry VI, các hoàng tử trẻ Edward V và Richard cùng nhà quý tộc kiêm kẻ chủ mưu Guy Fawkes đều bị xử tử tại nhà tù Tower of London.

Nhà tù Tower of London.

Nhà tù Tower of London.

Vào đầu thế kỷ XIII, Vua John the Landless của Anh đã nuôi ba con báo, một con gấu Bắc Cực và một con voi ở Tower of London. Những con vật này sau đó đã được chuyển đến một địa điểm khác. Hơn 500 năm, Tower of London là địa điểm đặt Xưởng đúc tiền Hoàng gia, nơi lưu giữ nhiều tài liệu quốc gia và vũ khí của gia đình Hoàng gia.

Nhưng lịch sử của Tower of London như một nhà tù chỉ kết thúc vào thế kỷ XX sau 2 cuộc chiến tranh thế giới. Trong Thế chiến thứ nhất, 11 điệp viên Đức đã bị xử bắn tại pháo đài này.

Phi công Đức nổi tiếng Josef Jacobs bị buộc tội làm gián điệp, đã bị bắn ở đây năm 1941. Đây là vụ hành quyết cuối cùng được thực hiện tại pháo đài cũ. Còn những tù nhân cuối cùng của Tower of London là hai anh em dân xã hội đen Ronald và Reginald Kray bị giam giữ một thời gian ngắn tại pháo đài vào năm 1952.

Năm 1988, Tower of London được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Hiện nay đây là bảo tàng vũ khí của các thành viên Hoàng gia Anh.

Hai nhà tù ở Hà Lan

Nhà tù Het Arrestuis ở thành phố Roermond của Hà Lan mở cửa vào năm 1862. Trong suốt một thế kỷ rưỡi, những tên tội phạm nguy hiểm nhất đã được giam tại đây. Nhưng năm 2007, chính quyền địa phương quyết định đóng cửa nhà tù và xây một khách sạn tại địa điểm này. 150 phòng giam được chuyển thành 40 phòng ở có TV, Wi-Fi miễn phí và máy pha cà phê. Khách sạn có một phòng tắm hơi, một khu vườn phía trước và trung tâm thể thao. Những người chủ khách sạn cũng không quên quá khứ của Het Arrestuis. Du khách có thể đặt bữa trưa theo chủ đề “nhà tù” và mặc áo kẻ sọc trắng đen.

Một nhà tù khác ở Hà Lan, Koepelgevangenis, tạm dịch là "Nhà tù dưới mái vòm", mở cửa vào năm 1886 tại thành phố Breda. Nó được xây dựng dưới dạng nhà bảo tàng panopticon, cho phép lính canh liên tục theo dõi tù nhân từ trung tâm tòa nhà. Thông thường, những kẻ phản bội bị kết án trong Thế chiến thứ hai trở thành tù nhân của nhà tù này.

Năm 2001, khu phức hợp Koepelgevangenis trở thành di tích quốc gia. Trước năm 2013, đây là nhà tù nữ, nhưng sau đó các tù nhân nữ đã được chuyển đến một cơ sở khác. Năm 2016, khu phức hợp đã đóng cửa hoàn toàn.

Năm 2018, cơ sở này có một “cuộc sống mới” - tại đây người ta tổ chức trò chơi phiêu lưu “Vượt ngục”. Trên diện tích 15.000 mét vuông, người chơi có thể cảm thấy mình như những tù nhân thực sự và thậm chí ngồi trong phòng giam.

Ngục Bastille-Pháp

Ban đầu, nhà tù nổi tiếng này là một trong những tháp canh bao quanh Paris. Pháo đài lớn bắt đầu được xây dựng dưới thời Vua Charles V và được hoàn thành dưới thời con trai ông là Charles VI vào năm 1382. Tù nhân đầu tiên của Bastille là kiến trúc sư Pháp Hugues Aubriot - người đã đặt viên gạch đầu tiên vào nền móng của pháo đài. Aubriot bị tù vì tội ngoại tình với một phụ nữ Do Thái và xúc phạm các thánh tích.

Bị giam tại nhà tù Bastille có các kẻ thù của Louis XI - Giám mục Verdun Guillaume de Horacourt, Bá tước Jacques d'Armagnac, bị buộc tội âm mưu chống lại nhà vua. Tù nhân bí ẩn nhất của pháo đài có biệt danh là Mặt nạ Sắt. Nhà văn và triết gia Voltaire, người đã hai lần bị giam ở Bastille, cho rằng “Mặt nạ Sắt” chính là anh trai ngoài giá thú của Louis XIV.

Năm 1789, tin đồn lan truyền ở Paris rằng Vua Louis XVI muốn giải tán Quốc hội lập hiến mới được thành lập và loại bỏ nhà cải cách Jacques Necker khỏi chức vụ kiểm soát tài chính nhà nước. Cuộc Cách mạng Pháp lần thứ hai bắt đầu. Ngày 14/7/1789, quân nổi dậy tấn công pháo đài, sự kiện này trở thành biểu tượng cho sự sụp đổ của chế độ chuyên chế. Ngày 14/7 trở thành Ngày Quốc khánh của nước Pháp.

Sau đó, pháo đài bị dỡ bỏ hoàn toàn và tại địa điểm này, người ta xây Quảng trường Bastille. Nhân kỷ niệm 200 năm cuộc tấn công pháo đài Bastille, ngày 13/7/1989, một nhà hát opera lớn với hơn 3.000 chỗ ngồi đã được xây dựng trên quảng trường. Vở kịch đầu tiên “Đêm trước bình minh” được trình diễn tại nhà hát do đạo diễn Mỹ Robert Wilson dàn dựng.

Pháo đài Fort Boyard - Pháp

Pháo đài Fort Boyard ở Pháp.

Pháo đài Fort Boyard ở Pháp.

Pháo đài Fort Boyard nổi tiếng nhờ một trò chơi truyền hình cùng tên, từng là một nhà tù. Ban đầu pháo đài được xây dựng như một căn cứ quân sự để chống lại các cuộc tấn công của quân đội Anh. Công trình này nằm trên một bãi cát giữa hai ốc đảo: Ile d'Aix và Oleron ở Đại Tây Dương. Pháo đài được khởi công xây dựng vào năm 1801 và hoàn thành năm 1866. Đến thời gian này, nhu cầu về pháo đài không còn nữa. Sau gần 70 năm, công nghệ quân sự đã được cải tiến: các loại pháo mới có tầm bắn tăng gấp ba lần và có thể dễ dàng đẩy lùi các cuộc tấn công từ vị trí của mình.

Lúc bấy giờ, pháo đài được chuyển thành nhà tù. Những người lính Phổ và Áo bị bắt trong cuộc chiến tranh năm 1870 đã bị giam giữ tại đây. Sau này, khoảng 300 tù chính trị của Công xã Paris trở thành tù nhân của Fort Boyard.

Nhưng vào năm 1872, các tù nhân được đưa đến một nhà tù khác trên đảo New Caledonia, còn pháo đài trở thành trụ sở của Bộ Tư lệnh Hải quân. Tổ chức này chỉ rời pháo đài vào năm 1913.

Mấy năm sau, chính quyền định “phục dựng” pháo đài và thậm chí còn đề nghị cho thuê nó với giá 300 franc một năm. Nhưng chỉ có hai người có nhu cầu.

Năm 1961, pháo đài được bán đấu giá. Người trúng đấu giá là bác sĩ Bỉ, triệu phú Eric Aert. Ông đã mua Fort Boyard với giá 28.000 franc. Người chủ mới có ý tưởng biến tòa nhà thành sòng bạc, khách sạn hoặc nhà nghỉ dưỡng. Nhưng tất cả đều không trở thành hiện thực.

Vào cuối những năm 1960, đạo diễn điện ảnh Pháp Robert Enrico đã quay cảnh cuối cùng trong bộ phim của ông “The Last Adventure” (“Chuyến phiêu lưu cuối cùng”) tại Fort Boyard. Sau đó, nhà sản xuất phim Jacques Antoine chú ý tới công trình này. Ông đã mua lại pháo đài từ tay Aert và quay một chương trình trò chơi truyền hình cùng tên Fort Boyard nổi tiếng khắp thế giới.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhung-nha-tu-noi-tieng-duoc-xay-dung-lai-nhu-the-nao--i737033/