Những nữ tướng thời Hai Bà Trưng trên quê hương Đất Tổ

PTĐT - Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý (40 - SCN) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến phương Bắc.

Hậu cung nơi thờ Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương. Ảnh: Anh Tuấn

Hậu cung nơi thờ Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương. Ảnh: Anh Tuấn

Bát Nàn Công chúaTheo Thần tích xã Phượng Lâu, Bát Nàn có tên khác là Thục Nương (tên đầy đủ là Vũ Thị Thục), người trang Phượng Lâu (nay là xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì). Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân. Năm 18 tuổi, bà đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu. Thái thú Tô Định háo sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ. Bị bà từ chối, Tô Định bèn trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay Tô Định, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân, sau dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân” (Tướng quân phá nạn).

Một góc khuôn viên Đền thờ Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương.

Một góc khuôn viên Đền thờ Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương.

Năm 40, khi vừa phát động khởi nghĩa, nghe tin Bát Nàn cũng là người cùng chí hướng với mình lại đang có sẵn lực lượng trong tay. Hai Bà Trưng liền cho người tới mời hợp sức. Bát Nàn đồng ý và kể từ đó, bà đã từng trải bao phen trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột, đánh cho quân đô hộ Hậu Hán thất điên bát đảo. Nhờ có công lớn, bà được Trưng Nữ Vương phong Công chúa, chức Đại tướng và được trao quyền chỉ huy quân tiên phong đóng tại trang Tiên La. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Bát Nàn đã chiến đấu rất anh dũng, gây cho địch những tổn thất lớn, nhưng rồi vì thua kém cả về thế lẫn lực, Bát Nàn đã buộc phải thua trận và tuẫn tiết ngay tại trang Tiên La. Để tưởng nhớ công ơn bà, nhân dân các làng Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) và Tiên La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã lập đền thờ bà, nguyện đời đời khói hương.

Nàng Nội (Bạch Hạc Thủy Công chúa)

Theo Thần tích đền Minh Nông (còn gọi là đền Kẻ Lú, thuộc phường Minh Nông, thành phố Việt Trì) thì nàng Nội là cháu gọi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bằng chú ruột. Vì căm giận ách thống trị tàn bạo của quân đô hộ nhà Hậu Hán, thân sinh của nàng Nội và Thi Sách dự tính sẽ tổ chức nhân dân nổi dậy đấu tranh, nhưng vì kế hoạch bị bại lộ nên cả hai anh em đều bị Tô Định giết hại. Để tránh sự trả thù, hai mẹ con Nàng Nội phải tạm lánh sang phía hữu ngạn sông Hồng. Nhưng, đến đó chưa được bao lâu thì thân mẫu của Nàng cũng vì lo lắng và buồn rầu nên đã qua đời.Khi nghe tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, Nàng Nội đã hăng hái xin theo. Binh lính dưới quyền chỉ huy của Nàng Nội đã đánh thắng giặc nhiều trận lớn ngay tại quê hương của mình, khiến chúng phải kính nể gọi Nàng Nội là “Nữ thần Bạch Hạc”.Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, nàng Nội là tướng chỉ huy quân đội của Trưng Nữ Vương ở khu vực Bạch Hạc đã chiến đấu rất ngoan cường và gây cho giặc rất nhiều tổn thất nặng nề. Khi bị giặc đàn áp bà đã anh dũng hy sinh tại Bạch Hạc lúc tuổi đời mới vừa đôi mươi. Để mãi mãi tôn vinh và ghi nhớ công đức to lớn của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà tại phường Minh Nông.

Nàng Trăng (hay Nguyệt Điện Công chúa)

Theo Thần tích đền Tây Cốc (nay thuộc xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng) nàng Trăng là một cô gái vừa đẹp người lại đẹp nết, khỏe mạnh và linh lợi, võ nghệ cao cường và lắm cơ mưu, thiên hạ khó ai bì kịp. Bấy giờ, quan đô hộ của nhà Hậu Hán là Tô Định khét tiếng tham lam và tàn bạo, dân khắp cõi phải chịu cảnh lầm than, nàng Trăng ngày đêm lo nghĩ tìm cách cứu giúp dân lành. Nàng tự mình chiêu tập được trên hai trăm tráng sĩ, hễ nơi đâu có tiếng kêu oan là lập tức có mặt để trừng trị kẻ ác.Được tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, nàng Trăng liền đem tất cả tráng sĩ của mình về với hai Bà. Nàng được hai Bà tin cậy, phong làm Tiền Đạo Tả Tướng Quân và ban cho hiệu là Nguyệt Điện. Nàng Trăng và đội quân do Nàng chỉ huy đã chiến đấu rất dũng cảm, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc khởi nghĩa. Sau ngày đại thắng, nàng Trăng đã lâm bệnh và qua đời. Để bày tỏ lòng đặc biệt kính trọng và thương tiếc khôn nguôi, nhân dân các địa phương thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã xây dựng khá nhiều đền thờ bà.

Nàng Xuân Hoa Nương Công chúa

Theo Thần tích đình Hương Nha (nay thuộc xã Hương Nha, huyện Tam Nông), đình làng Hương Nha thờ Đông Cung đệ nhất bát vị Xuân Hoa Nương công chúa (còn gọi là Xuân Nương), một nữ tướng kiệt xuất của Hai Bà Trưng. Xuân Nương còn có tên tục gọi là Xuân Hoa, là con thứ 8 của thủ lĩnh Châu Đại Man tên là Hùng Sát, quê ở làng Hương Nha (Hùng Sát là cháu đời thứ 10 cha truyền con nối chủ trưởng Châu Đại Man). Bà là người có khí chất mạnh mẽ, giỏi võ nghệ và cương trực hơn người. Do Tô Định tàn bạo với dân ta, Hùng Sát đã liên minh với Thi Sách ở Chu Diên bàn mưu nổi dậy chống quân xâm lược. Việc đại sự chưa thành thì Hùng Sát bị ốm rồi qua đời. Năm 39 SCN, 5 người anh của Xuân Nương bị Tô Định sát hại. Bà cùng 2 người anh còn lại trốn về thôn Quế Phong (nay thuộc xã Hương Nộn) ở ẩn để chiêu mộ quân sĩ đứng lên báo thù. Năm 40 Xuân Nương cùng các anh đưa quân về Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sau khi đánh đuổi được quân xâm lược Hán, bà Trưng Trắc lên ngôi vua phong cho Xuân Nương làm Đông Cung công chúa nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Năm 43, Mã viện cầm binh nhà Hán lại ồ ạt tiến sang xâm lược nước ta. Xuân Nương cùng chồng cầm quân chống giặc ở Bạch Hạc, sau rút về bến Nam Cường. Khi được tin Hai Bà Trưng thất thủ, để giữ trọn khí tiết bà đã gieo mình xuống dòng sông Thao tự vẫn. Tưởng nhớ công ơn của bà, dân làng Hương Nha và các làng lân cận đã lập đền thờ bà làm Thành Hoàng làng để đời đời hương khói.

Thiều Hoa Công chúa

Theo Thần tích đền Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông) nữ tướng Thiều Hoa là con của một gia đình nông dân nghèo ở động Lăng Sương bên bờ sông Đà thuộc huyện Thanh Châu (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy). Khi bà 16 tuổi thì cha mẹ mất, bà rời động Lăng Sương đi tìm nơi cảnh phật làm nữ tu hành. Qua nhiều nơi bà đến chùa Phúc Khánh, trang Song Quan (chùa Hiền Quan ngày nay). Thấy Thiều Hoa đã trưởng thành, nhà sư khuyên bà cùng với những đồng môn khác đến ứng nghĩa dưới lá cờ kháng chiến của Hai Bà Trưng. Tại Mê Linh, những tráng sĩ trai gái sông Đà, sông Thao được bà Trưng tiếp đón nồng nhiệt. Hai Bà Trưng cử Thiều Hoa làm Tiên phong Hữu tướng và giao trách nhiệm chỉ huy trận đánh quyết định với giặc ở Luy Lâu. Thiều Hoa lập công lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, được Trưng Nữ Vương phong làm Đông Cung Công chúa.Sau khi đánh tan giặc Hán, bà xin trở lại Song Quan tiếp tục tu hành cứu nhân độ thế. Sau khi bà mất, Trưng Nữ Vương đã truy phong bà là “Phụ vương công chúa” và truyền cho dân làng lập đền thờ bà.

Phạm Bá Khiêm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202003/nhung-nu-tuong-thoi-hai-ba-trung-tren-que-huong-dat-to-169623