Những 'ông vua con' và cơ chế ngầm - Bài 5: Cần hành lang pháp lý minh bạch
Quyết liệt xử lý tham nhũng, đưa một loạt cán bộ, đảng viên cấp cao ra xét xử là một việc buộc phải làm để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thanh lọc để xây dựng và hoàn thiện một thể chế mạnh mẽ, minh bạch và hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: 'Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây'.
Trong đấu tranh, xử lý tội phạm về tham nhũng, tổn thất đầu tiên là tổn thất cán bộ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản, dày dặn kinh nghiệm thực tiễn... nhưng lại bị “nhúng chàm” bởi không vượt qua được những cám dỗ trong quá trình công tác, làm việc. Nguyên nhân là do cá nhân họ không bền bỉ tu dưỡng, không tôn trọng kỷ luật, không nghiêm khắc giữ gìn bản thân. Mặt khác, những kẽ hở trong công tác quản lý, trong hoạt động của bộ máy cơ quan Nhà nước cũng đã tạo cơ hội cho họ sa ngã và phải trả giá.
Tại phiên tòa xét xử vụ Công ty AIC, khi nói lời sau cùng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã dành lời xin lỗi đến Đảng bộ, nhân dân tỉnh Đồng Nai và gia đình, bạn bè vì sai phạm trong vụ án Công ty AIC ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Nhà nước, trở thành tấm gương xấu, trong khi bản thân là lãnh đạo cao cấp. Bị cáo Thành đau xót bày tỏ: "Bị cáo đã đem đến vết nhơ cho Đảng bộ tỉnh, trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên trong lịch sử 80 năm của Đảng bộ Đồng Nai vướng lao lý”. Từ bài học của mình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhắn nhủ các cán bộ đang công tác phải thường xuyên tự soi xét, tự cảnh giác với chính bản thân mình trong cơ chế kinh tế thị trường đầy cám dỗ.
Đi cùng với tổn thất về cán bộ, đất nước cũng bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ngoài số tiền bị thất thoát do tham nhũng, do sai phạm lên tới hàng nghìn tỉ đồng, còn có tới hàng chục công trình, dự án nghìn tỷ bị đắp chiều, nợ ngân hàng không có khả năng chi trả... khiến hàng vạn công nhân, người lao động rơi vào nguy cơ thất nghiệp, thu nhập bấp bênh. Từ đó làm tăng thêm gánh nặng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đất nước.
Ngoài ra, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn kéo theo một hệ lụy nữa là thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. Nhiều bệnh viện có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế vì cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Ngoài nguyên nhân do vướng mắc chính sách, pháp luật, bản thân những cán bộ này có thể có năng lực, ý thức, tinh thần hạn chế... nên sợ, không dám làm, làm việc theo kiểu “nghe ngóng”, né tránh. Thậm chí, có nhóm cán bộ không muốn làm, không dám làm, làm cầm chừng bởi vì cán bộ tiền nhiệm làm không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm… nên họ sợ làm sai, sợ nếu mình làm tiếp những việc này sẽ phát sinh ra những vấn đề sai phạm trước đây.
Trên thực tế, nhiều cán bộ muốn sáng tạo, đổi mới hoạt động, lĩnh vực công tác, nhưng sợ vướng cơ chế, ngại dấn thân... nên lại thôi. Điều này vừa kéo lùi sự phát triển chung, vừa lãng phí nhân lực, giảm hiệu quả công việc.
Để quản lý kinh tế, chúng ta đang có một “rừng” quy phạm ở nhiều cấp độ, từ quy phạm nền tảng là Hiến pháp đến Nghị định, Thông tư, thậm chí là quyết định chỉ đạo, điều hành kinh tế của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước. Đó là chưa kể các quy định này còn chưa ổn định, chồng chéo, mâu thuẫn, có diễn giải khác nhau. Trong “rừng” quy phạm đó, người quản lý kinh tế ắt vừa làm vừa run.
Những tồn tại này thực sự đã trở thành một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt, để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và công tác phục vụ nhân dân. Theo các chuyên gia, trước mắt, cần tạo dựng hành lang cơ chế rõ ràng, minh bạch; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tuyển chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, cống hiến cho đất nước. Từ đó, tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho cán bộ yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ, yên tâm làm việc mà không “nơm nớp” lo sợ mình vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, xét về lâu dài, cần đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, vững về kiến thức, có đức, có tài để làm việc. Muốn năng động, sáng tạo và đổi mới công việc của mình thì người cán bộ đó phải vững về chuyên môn, nắm chắc kiến thức thì mới dám làm. Những người không dám làm, không dám nghĩ thường là do người đó không đủ tự tin về năng lực bản thân, không chắc chắn về việc mình làm có bị pháp luật cấm hay không, vừa làm vừa thấp thỏm xem mình làm đúng hay sai.
Mục tiêu trọng tâm để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật... Bên cạnh đó cũng cần thực hiện đầy đủ cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát... mới ngăn chặn sự hình thành cơ chế ngầm từ trong trứng nước, đủ lực để chặt đứt các “vòi bạch tuộc” của tội phạm tham nhũng.
Quyết liệt xử lý tham nhũng nhằm thanh lọc thể chế, loại bỏ những hành vi vi phạm và tạo dựng hành lang minh bạch cho hoạt động kinh tế lành mạnh, tạo đà phát triển cho đất nước.