Những sinh viên ủng hộ cựu Thủ tướng Bangladesh đang đối mặt với sự trả thù

Những sinh viên Bangladesh thuộc đảng của cựu Thủ tướng bị lật đổ Sheikh Hasina đang phải lẩn trốn sự trả thù của những hội nhóm của phe đối lập.

Từ đầu tháng 8, Fahmi, 24 tuổi, từng là nhân vật có ảnh hưởng lớn của Đại học Dhaka ở thủ đô Bangladesh, đã phải lẩn trốn.

Fahmi là thành viên của Liên đoàn Chhatra Bangladesh (BCL), một nhánh sinh viên của đảng Liên đoàn Awami (AL) của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Đảng này đã lãnh đạo Bangladesh trong hơn 15 năm, trước khi bà Hasina buộc phải chạy trốn sang Ấn Độ sau cuộc bạo loạn lật đổ chính quyền do sinh viên lãnh đạo vào tháng 8.

Ngày 22/10, chính quyền lâm thời Bangladesh do ông Muhammad Yunus lãnh đạo đã tuyên bố BCL là "tổ chức khủng bố" và cấm tổ chức này. Bộ Nội vụ Bangladesh cho biết BCL có tiền sử hành vi sai trái nghiêm trọng trong 15 năm qua, bao gồm bạo lực, quấy rối và khai thác tài nguyên công.

"Cách đây không lâu, tôi là người có tiếng nói ở đây. Bây giờ, tôi loanh quanh như một kẻ chạy trốn với tương lai mịt mù", Fahmi, sinh viên đại học chuyên ngành hóa học ứng dụng, cho biết.

 Một lãnh đạo của BCL, cánh sinh viên của đảng của cựu Thủ Hasina, đang ẩn náu ở ngoại ô Dhaka. Ảnh: AJ

Một lãnh đạo của BCL, cánh sinh viên của đảng của cựu Thủ Hasina, đang ẩn náu ở ngoại ô Dhaka. Ảnh: AJ

Giống như Fahmi, hàng nghìn sinh viên trước đây từng liên kết với AL hiện phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, trả thù và thậm chí là bị bỏ tù vì đã cố gắng trấn áp cuộc nổi loạn chống lại bà Hasina. Fahmi khẳng định anh không trực tiếp tham gia vào cuộc trấn áp của chính quyền trong các cuộc biểu tình chống bà Hasina.

Cuộc biểu tình của sinh viên về việc làm nhà nước ở Bangladesh đã phát triển thành cuộc nổi loạn quy mô lớn chống lại Thủ tướng tại vị lâu nhất của đất nước.

Đối phó với tình trạng này, lực lượng an ninh đã phải dùng vũ lực, bắn hơi cay và đạn thật vào đám đông biểu tình và bạo loạn, khiên hơn 1.000 người thiệt mạng trong ba tuần và bắt giữ hàng nghìn người khác. Bà Hasina đã chạy sang Ấn Độ vào ngày 5/8 khi cuộc bạo loạn trở nên mất kiểm soát.

Tuy nhiên, bạo lực không kết thúc khi bà Hasina bị lật đổ. Những người từng tham gia trấn áp cuộc biểu tình đã trở thành mục tiêu mới. Hàng trăm chính trị gia và thành viên AL, bao gồm cả sinh viên, bị tấn công hoặc giết chết. Nhiều người đã trốn hoặc bị giam giữ khi cố gắng chạy trốn.

Fahmi cho biết những kẻ bạo loạn đã đốt nhà và cơ sở kinh doanh kho lạnh của gia đình anh ở quận Noakhali, cách Dhaka 173km. "Họ dọa giết em trai tôi nếu nó không tiết lộ nơi ở của tôi", anh nói. Em trai của anh cũng bị bắt nạt tại madrasa (một cơ sở giáo dục Hồi giáo) nơi cậu bé theo học.

Chia sẻ về sự tham gia của mình vào BCL, Fahmi thừa nhận, "Tôi là một sinh viên giỏi và không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng tại Đại học Dhaka, chính trị là điều không thể tránh khỏi. Hoặc là gia nhập, hoặc là chịu thiệt". Hiện tại, Falmi vẫn phải đối mặt với mối đe dọa liên tục về bạo lực hoặc bắt giữ.

Với kỳ thi năm cuối đang diễn ra, anh không thể tham gia các lớp học hoặc hoàn thành bằng cấp của mình. "Tôi muốn tham gia vào công chức và phục vụ đất nước", anh nói. "Nhưng nếu bước chân vào khuôn viên trường, tôi có thể bị bắt hoặc tệ hơn là bị đánh chết".

Không chỉ Falmi, Liên đoàn Awami ước tính rằng ít nhất 50.000 nhánh sinh viên của mình trên toàn quốc hiện đang trong tình trạng bấp bênh, vật lộn để tiếp tục học lên bậc đại học.

Shahreen Ariana, một lãnh đạo BCL từ Đại học Rajshahi, đã bị bắt vào ngày 18/10 vì "tội danh giả mạo". Cô bị giam giữ khi đang cố gắng tham gia kỳ thi cuối kỳ. Saikat Raihan, một lãnh đạo BCL khác tại Đại học Rajshahi, đã bị bắt vào cùng ngày.

Vào ngày 25/10, hai nhà lãnh đạo BCL nữa - Abul Hasan Saidi, một sinh viên tài chính và Kazi Shihab Uddin Taimur, một sinh viên nhân chủng học - đã bị bắt khi đang tham gia kỳ thi tại Đại học Dhaka. "Đã có những vụ án hiện hữu chống lại hai sinh viên này và họ đã bị bắt giữ theo đúng quy định", Hiệu trưởng trường đại học Saifuddin Ahmed cho biết.

Làn sóng bạo lực chống lại sinh viên liên kết với Liên đoàn Awami đã lan rộng khắp các trường đại học. Ở ngoại ô thủ đô, cựu nhà hoạt động BCL của Đại học Jahangirnagar Shamim Ahmed đã bị đánh chết vào ngày 18/9, trong khi Masud, một nhà lãnh đạo BCL khác, đã bị đám đông giết chết ở Rajshahi vào ngày 7/9.

Trong khi đó, cảnh sát đã lập hồ sơ vụ án lớn về vụ tấn công người biểu tình do BCL lãnh đạo vào ngày 15/7, buộc tội 391 cá nhân, bao gồm cả Thủ tướng Sheikh Hasina khi đó và một số nhà lãnh đạo BCL. Hồ sơ cũng nêu tên tới 1.000 cá nhân không xác định danh tính.

Giữa bối cảnh hỗn loạn này, Sujon, một lãnh đạo cấp cao của BCL, hiện đang lẩn trốn ở một địa điểm bí mật. "Tôi lớn lên trong một thế hệ chỉ thấy Liên đoàn Awami nắm quyền. Liên kết với họ là lựa chọn duy nhất", anh ông nói.

Sujon đang theo học bằng cử nhân vật lý tại Đại học Rajshahi và chỉ còn một kỳ thi cuối kỳ nữa là tốt nghiệp trước khi cuộc biến động tháng 8 buộc anh phải ẩn náu.

Khalid Mahmud Chowdhury, cựu bộ trưởng trong nội các của bà Hasina, hiện đang lưu vong ở Ấn Độ, đã chỉ trích chính phủ lâm thời vì sự bất an mà sinh viên BCL phải đối mặt. "Chính phủ này tuyên bố sẽ xây dựng một Bangladesh không phân biệt đối xử, nhưng lại tước đi quyền được giáo dục của hàng nghìn sinh viên", ông nói.

Ông lập luận rằng việc gạt BCL, tổ chức sinh viên lớn nhất của đất nước với ước tính 100.000 thành viên, sang một bên có thể gây ra hậu quả cho toàn bộ Bangladesh. "Làm sao Tiến sĩ Yunus có thể hy vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Bangladesh trong khi lại loại trừ một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên của nước này?", ông nói.

Hoài Phương (theo AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-sinh-vien-ung-ho-cuu-thu-tuong-bangladesh-dang-doi-mat-voi-su-tra-thu-post318810.html