Những tác hại đối với sức khỏe khi tập leo núi trong nhà
Leo núi trong nhà thường được xem là một hoạt động thể chất lành mạnh, nhưng nghiên cứu mới đây lại tiết lộ một rủi ro tiềm ẩn.
Một nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Vienna và EPFL Lausanne thực hiện đã phát hiện ra rằng giày leo núi có thể thải ra các hóa chất có khả năng gây hại vào không khí thông qua quá trình mài mòn đế cao su.
Mối nguy ngay dưới chân
Những hóa chất này, trong đó có các hợp chất cũng được tìm thấy trong lốp xe hơi, có thể phát tán vào không khí trong các phòng tập leo núi (bouldering gyms) và khiến người leo hít phải. Trong một số trường hợp, nồng độ các hóa chất này còn cao hơn mức thường thấy trên các đường phố thành thị đông đúc. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Air.
Các phòng tập leo núi thường có một mùi đặc trưng: mồ hôi, phấn bột và thoang thoảng mùi cao su. Các nhà nghiên cứu do nhà khoa học môi trường Thilo Hofmann tại Đại học Vienna dẫn đầu đã xác nhận rằng các hạt cao su góp phần tạo ra mùi này không chỉ đơn thuần là một phiền toái về cảm giác – chúng còn là một mối quan ngại về sức khỏe.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cao su sử dụng trong giày leo núi chứa nhiều phụ gia hóa học, trong đó có những chất bị nghi ngờ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường. Khi đế giày mòn dần trong quá trình sử dụng, những chất này sẽ phát tán vào không khí và có thể bị các vận động viên hít vào trong lúc vận động mạnh.
Tác giả chính của nghiên cứu Anya Sherman và là nhà khoa học môi trường tại Trung tâm Vi sinh vật học và Khoa học Hệ thống Môi trường (CeMESS) thuộc Đại học Viennagiải thích: “Đế giày leo núi là sản phẩm hiệu năng cao, tương tự như lốp xe hơi”. Phụ gia là những hóa chất đặc biệt giúp vật liệu cao su bền hơn và dẻo dai hơn – chúng là yếu tố thiết yếu cho chức năng của đế giày.
Nhà hóa học mê leo núi
Sherman cũng là một người yêu thích bộ môn leo núi như một cách cân bằng lại công việc trong phòng thí nghiệm và trước máy tính. Tại một hội nghị, cô gặp Thibault Masset từ École Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL) – người cũng nghiên cứu các vấn đề tương tự và đam mê leo núi. Hai người, với vai trò đồng tác giả chính của nghiên cứu, đã nảy ra ý tưởng phân tích cao su từ chính đôi giày leo núi của họ bằng các phương pháp khoa học họ vẫn dùng để nghiên cứu lốp xe.
Sherman kể: “Chúng tôi đều quen thuộc với lớp bụi đen bám trên các tay nắm trong phòng tập. Thực ra chúng là bụi do quá trình mài mòn từ đế giày. Người leo thường lau đi để có độ bám tốt hơn và phần bụi đó bị khuấy tán vào không khí”.
Được trang bị thiết bị impinger (một công cụ đo hạt mô phỏng đường hô hấp của con người), Sherman cùng với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Lea Ann Daily, đã thu thập mẫu không khí từ 5 phòng tập thể chất tại Vienna. Thiết bị này hút không khí với tốc độ 60 lít mỗi phút và tách các hạt theo cách tương tự như khi chúng đi vào phổi người. Các mẫu bụi khác cũng được thu thập từ các phòng tập leo núi tại Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ với sự hợp tác từ EPFL Lausanne.
Tác giả chính Thilo Hofmann cho biết: “Ô nhiễm không khí trong các phòng leo núi cao hơn những gì chúng tôi dự đoán”. Điều đáng chú ý là nồng độ phụ gia cao su đặc biệt cao ở những nơi có nhiều người leo trong không gian hẹp. Hofmann kết luận: “Mức độ mà chúng tôi đo được thuộc hàng cao nhất từng được ghi nhận trên thế giới, tương đương với các con đường lớn ở các siêu đô thị”.
Đế giày cũng giống như lốp xe
Trong 30 đôi giày được thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện một số chất ô nhiễm tương tự như trong lốp xe, bao gồm 15 phụ gia cao su - trong đó có 6PPD, một chất ổn định cao su mà sản phẩm chuyển hóa của nó đã được liên hệ đến hiện tượng cá hồi chết hàng loạt ở các con sông.
Ảnh hưởng cụ thể đối với sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng. Nhưng Hofmann nhấn mạnh: “Những chất này không nên xuất hiện trong không khí mà chúng ta hít thở. Cần có hành động trước khi chúng ta hiểu đầy đủ mọi rủi ro, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em”.
Sherman cũng cho biết các quản lý phòng tập được nghiên cứu rất hợp tác và quan tâm đến việc cải thiện chất lượng không khí trong không gian của họ. Sherman cho rằng: “Sự phối hợp tích cực này có thể dẫn đến việc tạo ra một môi trường leo núi lành mạnh nhất có thể. Ví dụ như thông gió tốt hơn, vệ sinh thường xuyên, tránh các khung giờ cao điểm và thiết kế giày leo núi ít phụ gia hóa học hơn”. Còn Hofmann khuyên: “Việc chuyển sang sử dụng vật liệu đế có ít chất độc hại hơn là điều thiết yếu”.
Hofmann cho biết hiện các nhà sản xuất vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Cao su mà họ mua để sản xuất đế giày chứa một “cocktail” các hóa chất không mong muốn. Cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn các tác động của những chất này lên cơ thể con người. Sherman kết luận: “Tôi sẽ tiếp tục leo núi và tôi tin rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ góp phần cải thiện điều kiện trong các phòng tập leo núi”.