Những thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Jimmy Carter

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời ở tuổi 100 hôm 29/12. Dưới đây là một số sự kiện quan trọng trong thời gian tại vị của cựu tổng thống đảng Dân chủ từ năm 1977 đến năm 1981.

Hiệp ước Trại David

Hiệp ước Trại David là các thỏa thuận được ký kết vào năm 1978 giữa Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Các thỏa thuận, do ông Carter làm trung gian, cuối cùng đã dẫn đến việc Israel và quốc gia láng giềng Ả-rập ký kết hiệp ước hòa bình đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin duyệt đội danh dự trong cuộc gặp ba bên trước khi ký kết Hiệp ước Trại David năm 1978. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin duyệt đội danh dự trong cuộc gặp ba bên trước khi ký kết Hiệp ước Trại David năm 1978. (Ảnh: Reuters)

Hai ông Begin và Sadat đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1978.

Ông Carter cũng giành Giải Nobel Hòa bình vào năm 2002 vì "nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế".

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dần ấm lên trong nhiều năm trước khi ông Carter nhậm chức, nhưng dưới chính quyền của ông, hai nước mới tuyên bố sẽ chính thức công nhận lẫn nhau, mở ra quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979 sau nhiều tháng đàm phán bí mật.

Các cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Gerald Ford trong một cuộc họp báo năm 1989. (Ảnh: Reuters)

Các cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Gerald Ford trong một cuộc họp báo năm 1989. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng con tin ở Iran

Năm 1979, những người ủng hộ Cách mạng Hồi giáo đã bắt 52 nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và giữ họ làm con tin trong 444 ngày, để trừng phạt Mỹ vì đã cấp quy chế tị nạn cho nhà lãnh đạo Iran vừa bị phế truất.

Một nhiệm vụ giải cứu quân sự mà ông Carter ra lệnh vào năm 1980 đã kết thúc trong thất bại với tám binh sĩ Mỹ thiệt mạng vì tai nạn máy bay.

Các con tin được thả ra chỉ vài phút sau khi ông Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức tổng thống, kế nhiệm ông Carter vào năm 1981.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có bài phát biểu tại Jerusalem ngày 21/4/2008, sau các cuộc đàm phán tại Syria và Ai Cập với các nhà lãnh đạo Hamas. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có bài phát biểu tại Jerusalem ngày 21/4/2008, sau các cuộc đàm phán tại Syria và Ai Cập với các nhà lãnh đạo Hamas. (Ảnh: Reuters)

Khủng hoảng năng lượng

Trong suốt những năm 1970, sản lượng và giá năng lượng trên thế giới đã không ổn định. Cuộc cách mạng Iran năm 1979 đã trở thành điểm bùng phát của sự biến động trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, dẫn đến sản lượng giảm mạnh và chi phí tăng vọt. Mùa hè năm 1979 được đánh dấu bằng hình ảnh hàng dài người lái xe xếp hàng chờ tại các trạm xăng.

Ông Carter đề ra biện pháp ứng phó bằng cách cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu nước ngoài và tập trung cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.

Khó khăn về kinh tế

Chiến dịch tái tranh cử của ông Carter năm 1980 bị ảnh hưởng bởi nỗi lo về suy thoái kinh tế. Chính quyền của ông đã phải nỗ lực để đối phó với lạm phát ở mức hơn 14% vào năm 1980, do giá năng lượng tăng cao sau đợt thiếu hụt khí đốt năm 1979. Ông Carter và các cố vấn đã cố gắng giải quyết lạm phát bằng cách tăng lãi suất lên hơn 17%, nhưng điều này đã góp phần gây ra suy thoái trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter hồi năm 2004. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter hồi năm 2004. (Ảnh: Reuters)

Ông Carter thăm Sudan năm 2007. (Ảnh: Reuters)

Ông Carter thăm Sudan năm 2007. (Ảnh: Reuters)

Ông Carter tại Oslo (Na Uy) khi ông nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002. (Ảnh: Reuters)

Ông Carter tại Oslo (Na Uy) khi ông nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu dục năm 1977. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu dục năm 1977. (Ảnh: Reuters)

Lời chia buồn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden

"Hôm nay, nước Mỹ và thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo, một chính khách và nhà hoạt động nhân đạo kiệt xuất.

Trong hơn sáu thập kỷ, chúng ta đã vinh dự được gọi Jimmy Carter là một người bạn thân thiết. Nhưng điều phi thường về Jimmy Carter là hàng triệu người trên khắp nước Mỹ và thế giới, dù chưa từng gặp ông, cũng coi ông là một người bạn thân thiết".

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

"Những thách thức mà ông Jimmy Carter phải đối mặt với tư cách là tổng thống đã đến vào thời điểm quan trọng đối với nước Mỹ, và ông ấy đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để cải thiện cuộc sống của tất cả người Mỹ. Vì điều đó, tất cả chúng ta đều nợ ông một lời cảm ơn.

Melania và tôi đang nghĩ về gia đình Carter và những người thân yêu của họ trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi kêu gọi mọi người hãy luôn ghi nhớ và cầu nguyện cho họ".

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-thach-thuc-lon-nhat-trong-nhiem-ky-tong-thong-my-cua-ong-jimmy-carter-post1705236.tpo