Những thương binh vượt khó
Trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, đối mặt với không ít khó khăn, thương tật nhưng những người thương binh ấy luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dạy các con ăn học thành đạt, góp sức xây dựng quê hương.
Đến xã Mỹ Phước (Mỹ Tú), vùng căn cứ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thăm gia đình ông Phạm Văn Hây ở ấp Phước An B, là tấm gương thương binh vượt khó nuôi dạy các con ăn học thành đạt. Năm 1969, khi mới tuổi đôi mươi, ông tham gia du kích ấp, rồi làm ấp đội trưởng. Trong một trận bao vây đồn địch, ông đã bị thương khá nặng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương, là thương binh hạng 3/4. Ông Hây tâm sự: “Khi lập gia đình, cha mẹ cho được 7 công đất, kinh tế gia đình khó khăn, các con còn nhỏ và đang đi học. Vợ chồng tôi phải cố gắng lao động để lo cho các con. Ngoài làm ruộng, tôi còn chăn nuôi vịt đẻ, chạy qua khắp các cánh đồng, mặc dù những vết thương thường hay đau nhức mỗi khi "trái gió trở trời". Sau hơn 30 năm cần mẫn chăn nuôi vịt đẻ và làm ruộng, tôi đã lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và mua thêm được 10 công đất”.
Ông Hây có 4 người con trai, hiện nay 2 người con lớn là công chức nhà nước, người con trai kế là chiến sĩ công an. Lúc nào ông cũng luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, bản thân luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Còn thương binh Nguyễn Văn Ngãi cùng ấp Phước An B cũng là thương binh hạng 3/4, ông được mọi người biết đến là một cựu chiến binh (CCB) sản xuất giỏi. Ở tuổi 70 nhưng giọng nói của ông vẫn sang sảng, kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng chiến đấu kiên cường, ông cùng đồng đội bẻ gãy nhiều đợt càn quét của địch vào vùng căn cứ cách mạng và ông đã 4 lần bị thương, hiện nay trong người ông vẫn còn những mảnh đạn, cứ đau âm ỉ mỗi khi trời trở lạnh.
Ông Nguyễn Văn Ngãi tham gia cách mạng từ năm 1968, tham gia du kích ấp rồi làm Xã đội trưởng xã Mỹ Phước. Thời gian tham gia cách mạng đã rèn luyện cho ông ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông về địa phương lo phát triển kinh tế gia đình và tham gia hội CCB, có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Phước An B.
Ông Ngãi cho biết: “Nhờ được Chi hội CCB ấp cho mượn 1 con bò giống và vay vốn ngân hàng được 10 triệu đồng, tôi phát triển mô hình nuôi bò thịt. Tôi chịu khó học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, nên việc chăn nuôi của gia đình ngày càng có hiệu quả. Sau bao năm vất vả lao động, tôi đã có hơn 30 công đất, khi 8 đứa con có gia đình riêng, tôi chia cho mỗi đứa được vài công. Hiện nay, tôi còn 7 công đất và đàn bò gần chục con, mỗi năm cho xuất chuồng từ 3 đến 4 con bò thịt. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ làm ruộng và nuôi bò gần 200 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Việt ở Ấp 16/2, xã Vĩnh Lợi (Thạnh Trị) cũng là một tấm gương thương binh vượt khó trong cuộc sống. Năm 1971, ông tham gia địa phương quân ở huyện Thạnh Trị. Trong trận đánh Đồn Bến Long (TX. Ngã Năm), ông bị trúng đạn M79 bị thương ở đầu, bụng và tay. Sau ngày đất nước độc lập, ông lập gia đình và về sinh sống tại Ấp 16/2, xã Vĩnh Lợi. Trở về quê hương trong mình mang những vết thương, cuộc sống vốn rất vất vả lại càng khó khăn hơn khi người vợ chẳng may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Ông đã bán hết ruộng đất để chữa trị cho vợ. Là người có ý chí, nghị lực, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông mày mò tìm hiểu làm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua nhiều năm tần tảo, chịu khó, đến nay ông đã mua được 3,5 công đất trồng năn và phát triển mô hình nuôi cá lóc, cá sặc rằn trên ruộng năn. Ông Việt tâm sự: ““Sức còn, chí quyết”, mặc dù gia đình gặp biến cố, nhưng còn sức khỏe tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên. Tôi luôn tìm tòi, ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hiện mô hình trồng năn và nuôi cá sặc rằn, cá lóc trên ruộng năn. Hiện mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Khi trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình kinh tế mang lại hiệu quả do CCB, thương, bệnh binh làm chủ trên các lĩnh vực. Mô hình phát triển kinh tế của các thương binh tiêu biểu sẽ được hội CCB cơ sở nhân rộng, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nhung-thuong-binh-vuot-kho-29015.html