Những tiềm năng thiên nhiên riêng có và các giải pháp phát triển bền vững huyện Đam Rông khi sáp nhập tỉnh Lâm Đồng
Huyện Đam Rông, một trong những huyện miền núi nằm ở Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, đây là một trong những huyện mới thành lập.

Mạch nước nóng Đạ Long
Ngày 17/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định (số 189/2004/NĐ-CP) về việc thành lập huyện Đam Rông. Địa giới hành chính dựa trên cơ sở tách 5 xã gồm: Liêng S'Rônh, Đạ Rsal, Phi Liêng, Đạ K'Nàng, Rô Men (thuộc huyện Lâm Hà) và 3 xã Đạ M'Rông, Đạ Tông, Đạ Long (thuộc huyện Lạc Dương). Sau 20 năm hình thành và phát triển, hiện nay theo phương án nhập tỉnh Lâm Đồng, huyện Đam Rông được sắp sắp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã bao gồm:
(1) xã Đam Rông 1 trên cơ sở sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã, gồm xã Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng của huyện Đam Rông hiện nay; có diiện tích tự nhiên là 172,55 km2, dân số là 17.265 người; (2) xã Đam Rông 2 trên cơ sở sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã, gồm xã Rô Men, xã Liêng S'Rônh của huyện Đam Rông hiện nay có diện tích tự nhiên là 365,58 km2 dân số là 16.253 người; (3) xã Đam Rông 3 trên cơ sở sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã, gồm xã Đạ Rsal và xã Đạ M’Rông của huyện Đam Rông hiện nay, có diện tích tự nhiên là 139,38 km2, dân số là 15.841 người; (4) xã Đam Rông 4 trên cơ sở sắp xếp 3 ĐVHC cấp xã, gồm xã Đạ Tông, Đạ Long của huyện Đam Rông và xã Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương, có diện tích tự nhiên là 391,25 km2 dân số 17.184 người.
Huyện Đam Rông nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái phong phú. Đây là nơi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, riêng có, đặc biệt là rừng, suối nước nóng và tài nguyên nước. Việc khai thác và quản lý bền vững các tài nguyên này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, xã hội và văn hóa địa phương trong tương lai.

Cây Careta arborea
Tài nguyên rừng phong phú có tính da dạng sinh học cao:
Huyện Đam Rông có diện tích rừng 66.909 ha, chiếm hơn 75% diện tích tự nhiên, bao gồm rừng nguyên sinh và rừng tái sinh. Các loại cây chủ yếu là thông, cây gỗ quý như trắc, lim, đặc biệt là các loài thực vật đặc hữu (thông hai lá dẹt - Ducampopinus kremfii), cây vừng - Careta arborea. Hệ sinh thái rừng ở đây rất đa dạng, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động vật, từ phổ biến đến quý hiếm. Rừng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cải thiện chất lượng không khí mà còn trong việc điều hòa nguồn nước và duy trì độ ẩm cho đất trong vùng, là lưu vực các dòng sông lớn và góp một phần quan trọng hệ sinh thái rừng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Rừng còn đóng góp vào việc kiểm soát lũ lụt, chống xói mòn đất, và là nguồn gỗ, dược liệu quý giá cho người dân. Hơn nữa, rừng còn tạo ra khung cảnh tự nhiên thu hút khách du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Suối nóng Daana
Tài nguyên nước nóng độc đáo ngay trong rừng:
Thiên nhiên đã ban tặng món quà vô giá cho huyện Đam Rông nhiều suối nước nóng. Suối nước nóng ở Đam Rông rất phong phú về vị trí địa lý, địa hình và độ nóng. Tại xã Đạ Long có mạch nước nóng Đạ Long, đây là mạch nước nóng được người dân khai thác sử dụng lâu đời nhất, nơi đây được người dân đã xây thành một cái bể lớn có đường kính khoảng 4 m, chiều cao khoảng 1,2 m hiện sử dụng cộng đồng
Suối nóng Daana xã Đạ Tông, thuộc dự án Khu du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng, hồ bơi nước nóng. Dự án quản lý hơn 100 ha rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loại thực vật quý hiếm, đặc biệt nơi đây sở hữu một loại cây lâm nghiệp quý hiếm đặc hữu ở Úc và Ấn Độ, nhưng cũng xuất hiện tại đây, đó là cây Careta arborea (cây Kumbhi - Ấn Độ, cây vừng - Việt Nam). Dự án có xây dựng các biệt thự với kiến trúc cổ, có phòng đón khách lưu trú và nhà hàng tiện ích; hệ thống tắm nước nóng được thiết kế nhiều hồ có kích cở lớn nhỏ khác nhau, bám theo địa hình được xây từ các hòn đá tự nhiên rất khoa học, hòa quyện với thiên nhiên ngay trong rừng tự nhiên, do Công ty TNHH Xây dựng và Giao thông Tiến Lợi làm chủ đầu tư.
Mạch nước nóng 3 ở tiểu khu 36, xã Đạ Tông còn rất hoang sơ, được Linh mục Nguyễn Văn Gioan, Chánh xứ giáo xứ Đạ Tông đã xây thành một cái bể lớn có đường kính khoảng 4 m, chiều cao khoảng 1,2m từ năm 2016. Tại địa điểm này, du khách đến đây không chỉ khám phá mạch nước nóng mà còn chiêm ngưỡng hiện tượng tự nhiên cây si - Ficus microcarpa L. ôm chặt cây bằng lăng - Lagerstroemia speciosa Pers trên 200 tuổi, gợi nhớ biết bao điều bí ẩn trong cuộc sống đời thường. Tất cả các nguồn nước nước nóng ở Đam Rông có nhiệt độ từ 44°C đến 46°C, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người. Đây là nguồn tài nguyên quý giá có thể khai thác cho mục đích du lịch và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và du khách.
Suối nước nóng không chỉ mang lại lợi ích về trị liệu mà còn có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Khách du lịch có thể đến đây để thư giãn, chữa bệnh và trải nghiệm văn hóa địa phương.

Cây si ôm chặt cây bằng lăng trên 200 tuổi
Tài nguyên nước phong phú:
Đam Rông có hệ thống sông suối phong phú như sông Đa M'Rông, sông Krông Nô; có nhiều suối và thác nước như: suối nước mát thôn 2 - Rô Men; thác Tình Tang thôn Cil Muck - Đạ Tông; thác Bảy tầng, Phi Liêng; thác Liêng Srônh...; các hồ thủy điện Krông Nô 2 và 3 có mặt hồ lớn trong trong hệ sinh thái rừng tự nhiên có cảnh quan đẹp. Nguồn nước này cực kỳ quan trọng cho người dân nơi đây và phục vụ thủy điện; đặc biệt đảm bảo hài hòa thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Có một điểm đặc biệt nữa là, Đam Rông là vùng đất nằm giữa núi Mẹ và sông Cha (nguồn nước từ núi Chư Yang Sin và núi Lang Biang đều chảy về sông Krông Nô - sông Cha, gặp nhau ở Đam Rông). Thiên nhiên đã ban tặng dòng nước nằm giữa núi Mẹ và sông Cha tạo nên huyền thoại văn hóa độc đáo của người dân Đam Rông.
Các thách thức cơ bản đối với tài nguyên riêng có
Khai thác rừng và những thách thức: Việc khai thác lấn chiếm đất rừng cần được thực hiện một cách có kiểm soát. Nhiều năm qua, việc khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng đã diễn ra phổ biến để sản xuất nông nghiệp do giá cà phê tăng cao dẫn đến suy giảm chất lượng rừng và đa dạng sinh học. Điều này không chỉ gây ra nguy cơ mất cân bằng sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương.
Thách thức trong quản lý suối nước nóng: Dù có tiềm năng lớn, suối nước nóng ở Đam Rông vẫn chưa được khai thác triệt để, hiệu quả. Việc thiếu các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và quản lý chưa đồng bộ là hai yếu tố cản trở sự phát triển của ngành du lịch từ việc khai thác từ các suối nước nóng. Thách thức trong quản lý tài nguyên nước: Các nguồn nước ở Đam Rông đang chịu áp lực từ khai thác chưa hợp lý, ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân để chảy ra từ các dòng suối. Hạn hán, thiếu nước vào mùa khô cũng là một mối lo ngại lớn cho địa phương. Việc không có hệ thống quản lý nước hiệu quả đã dẫn đến tình trạng lãng phí và ô nhiễm nguồn nước, do hiện tượng rửa trôi xói mòn đất sản xuất nông nghiệp gây bồi lắng lòng hồ. Chưa thu hút các dự án du lịch để khai thác các dự án du lịch trên hồ.
Các giải pháp phát triển bền vững trong tương lai
Nhằm để khai thác hiệu quả tài nguyên riêng có của huyện Đam Rông sau sáp nhập trong tương lai có tính bền vững, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Nâng cao ý thức cộng đồng: Cần khẩn trương có giải pháp khả thi cao thực hiện Nghị quyết số 405/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông thành tỉnh mới lấy tên là tỉnh Lâm Đồng.
Giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng, suối nước nóng và tài nguyên nước là bước đầu tiên trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên riêng có và quý hiếm của Đam Rông. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục có thể tổ chức tại cộng đồng không chỉ nâng cao nhận thức mà còn khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Làm sao để có tính lan tỏa tất cả mọi người hãy cùng nhau khởi động cuộc hành trình bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững để Đam Rông không chỉ là vùng đất tiềm năng mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch thể thao: Cần xây dựng các chương trình phát triển du lịch sinh thái bền vững, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm địa phương và tạo ra các chuyến tham quan kết hợp giữa tìm hiểu văn hóa và sinh thái. Tăng cường quảng bá tính độc đáo riêng có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch thể thao, du lịch văn hóa thu hút các dự án du lịch trên hồ nước, xây dựng đề án du lịch cộng đồng tại mạch nước nóng Đạ Long, thu hút dự án du lịch sinh thái hoặc dự án du lịch cộng đồng mạch nước nóng 3 ở tiểu khu 36, xã Đạ Tông. Công ty TNHH Xây dựng và Giao thông Tiến Lợi tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại nhằm đảm bảo tiện ích cung cấp đa dạng dịch vụ cho du khách. Thu hút dự án sân golf theo quy hoạch nhằm khai thác tiềm năng liên kết vùng.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: Nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông trọng yếu: tuyến Quốc lộ 27, Tỉnh lộ 722 các tuyến đường vào khu, điểm dự kiến phát triển du lịch. Liên kết nối tuyến du lịch ngoại vùng trong và ngoài tỉnh: thành phố Đà Lạt là trọng tâm và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà với các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh lộ 722 hoàn thành tạo đột phá liên kết vùng giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk, sẽ tạo cú hích cho phát triển kinh tế xã hội Đam Rông nói chung, du lịch nói riêng trong tương lai.
Đào tạo nhân lực: Tổ chức các khóa đào tạo cho người dân địa phương về kỹ năng phục vụ du lịch, từ hướng dẫn viên du lịch đến người phục vụ các điểm du lịch cộng đồng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Quản lý tài nguyên nước: Để đảm bảo nguồn nước được sử dụng một cách bền vững, chính quyền địa phương cần xây dựng một hệ thống quản lý nước hiệu quả, hạn chế tối đa ô nhiễm nguồn nước
Quản lý và bảo vệ rừng: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao giá trị một cách bền vững từ các sản phẩm rừng, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học, chú trọng việc trồng rừng, kiên quyết khắc phục triệt để việc khai thác rừng làm nông nghiệp xung quanh các hồ và suối.
Tài nguyên rừng, suối nước nóng và tài nguyên nước của huyện Đam Rông là món quà thiên nhiên ban tặng riêng có và quý hiếm, nhưng đi kèm với đó là nhiều thách thức. Việc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên này không chỉ phụ thuộc vào sự manh động và nỗ lực một phía mà còn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và các tổ chức liên quan. Bằng cách nâng cao ý thức cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái, quản lý tài nguyên nước hợp lý, khai thác tiềm năng của rừng và tăng cường hợp tác, Đam Rông có thể vươn tầm phát triển bền vững, bảo vệ được tài nguyên quý giá cho các thế hệ mai sau trong tương lai.