Những trang sách thấm đẫm tình đất, tình người

Tròn 20 năm kể từ khi ra mắt công trình nghiên cứu đầu tiên, ThS Nguyễn Hoài Sơn - người con của đất Tổ và đất Phú - vừa có thêm một công trình nghiên cứu mới: Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản văn hóa một vùng đất. Cuốn sách hơn 400 trang thấm đẫm tình yêu dành cho vùng đất mà Nguyễn Hoài Sơn từng gắn bó, là đóng góp mới của ông nhằm bảo tồn và phát huy vốn quý trong kho tàng văn học dân gian trên xứ hoa vàng cỏ xanh.

Bìa sách Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản văn hóa một vùng đất. Ảnh: PV

Từ đời sống đi vào trang sách

Quyển sách Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản văn hóa một vùng đất dày dặn, được trình bày tao nhã. Hơn 400 trang sách là kết quả của bao năm điền dã, sưu tầm vốn quý của người xưa.

Một người thân thiết với ThS Nguyễn Hoài Sơn kể rằng: Trong thời gian làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Hòa, những khi về các xã chiếu phim phục vụ người dân, ban ngày, ông Hoài Sơn gặp các cụ cao niên, tìm hiểu về ca dao, tục ngữ, câu đố và ghi chép cẩn thận. Lặng lẽ sưu tầm, tích lũy sau rất nhiều năm, khi Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, ông Hoài Sơn tập trung thực hiện công trình này. Năm 2021, niềm vui ùa đến với tác giả, khi công trình nghiên cứu Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản văn hóa một vùng đất được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải ba B (không có giải nhất). Công trình được NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép ấn hành, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn học dân gian Tây Hòa trong kho tàng văn hóa Phú Yên.

Tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa - Di sản văn hóa một vùng đất gồm 3 chương. Chương I khái lược về huyện Tây Hòa - vùng đất có lịch sử lâu đời, với những đặc điểm nổi bật về địa lý, tự nhiên và dân cư; về quá trình khai hoang mở đất, tạo lập làng xã, phát triển nghề truyền thống; về công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm…

Trong chương II, tác giả tìm hiểu, luận giải ý nghĩa tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa, nêu bật những giá trị của từng thể loại. Qua đó, bạn đọc hiểu hơn về giá trị tư tưởng, nghệ thuật của di sản văn hóa vùng đất Tây Hòa mà các thế hệ đi trước đã tiếp thu, sáng tạo, lưu truyền cho hậu thế. Qua từng trang sách, người đọc - nhất là lớp trẻ - sẽ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy vốn quý của tiền nhân.

Ở chương III, tác giả tổng hợp và phân loại tục ngữ, câu đố, ca dao Tây Hòa. Hơn 800 câu tục ngữ được xếp theo 4 nội dung: Thiên tượng, vật tượng, kinh nghiệm lao động sản xuất, con người và việc đời. Đó là sự đúc kết những kinh nghiệm quý phục vụ đời sống, sản xuất, được người dân gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Về câu đố, có 375 câu được xếp theo 5 nội dung: Hiện tượng tự nhiên, con người và những hoạt động, các loài vật, các đồ vật, cây cỏ, hoa trái. Nguyễn Hoài Sơn nhận định: “Đặc tính chung câu đố dân gian Tây Hòa là cô đọng, hài hòa, giàu hình tượng, uyển chuyển trong cách gieo vần, được xây dựng theo lối ẩn dụ. Lại có khi dùng ngôn ngữ to tát để nói một điều rất giản dị”. Người xưa khéo léo vận dụng trí thông minh và những hiểu biết về thế giới khách quan để khám phá những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên.

Phong phú nhất là ca dao. 945 bài ca dao được xếp theo 5 nội dung: Địa danh - lịch sử - con người, sản vật, tình cảm nam nữ, quan hệ gia đình và xã hội, trào phúng. Có những bài ca dao dung dị, như:

Làng tôi phía bắc sông Đà

Phía nam Vạn Lộc núi Bà phía đông

Ai lên Đất Đỏ mà trông

Rừng hoang đã biến thành đồng sắn, khoai

Bàu Hương uốn khúc chạy dài

Quanh năm có cá dân chài ấm no

Lại có những câu ca dao khá tình, như:

Mỹ Thạnh với Phước Thành không mấy lăm xa

Sao anh không bỏ miếng trầu qua cho gần?

Và có nỗi buồn đau khi phải chia xa người thương:

Một mai con cá xa câu

Rồng xa núi Chúa, vượn rầu lìa cây

Vượn lìa cây lâu ngày vượn rũ

Thiếp sầu chàng vừa đủ ba đông

Ba năm muối mặn chanh nồng

Vườn hoa đào điệp, nước mắt ròng tuôn rơi

Em xa anh không phải tại trời

Tại cha tại mẹ rã rời đôi ta

Tác giả công trình nghiên cứu và bạn đọc có chung cảm nhận: Ca dao Tây Hòa được ví như tiếng ca của nghĩa tình, tiếng nói của yêu thương.

Tình yêu dành cho vùng đất Phú Yên

Ông Nguyễn Hoài Sơn sinh ra và lớn lên tại Khải Xuân (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). 18 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ở tuổi 23, ông thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Năm cuối đại học, Nguyễn Hoài Sơn đến Phú Yên thăm người cô họ, đang sống ở quê chồng tại Hòa Mỹ Đông (nay thuộc huyện Tây Hòa). Chuyến đi đó như một cơ duyên, và cậu sinh viên đến từ đất Tổ cảm mến vùng đất, con người Tuy Hòa. Cuối năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Hoài Sơn xin về công tác tại huyện Tuy Hòa (nay được tách thành hai huyện Tây Hòa và Đông Hòa). Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Hòa là cơ quan đầu tiên mà ông Nguyễn Hoài Sơn gắn bó sau khi đến Phú Yên lập nghiệp.

Những năm tháng đó, ông Hoài Sơn thường về các xã chiếu video phục vụ bà con. Ông cảm nhận sự đôn hậu, thật thà và tình cảm ấm áp của người dân địa phương, cảm nhận nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Ông âm thầm tìm hiểu, sưu tầm vốn quý trong kho tàng văn học dân gian của người xưa.

Rời Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Hòa, Nguyễn Hoài Sơn nhận nhiệm vụ tại Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên (nay là Sở VH-TT-DL), sau đó chuyển công tác về Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên rồi Sở TT-TT. Những bận rộn, áp lực từ công việc quản lý (ông Nguyễn Hoài Sơn từng làm Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên rồi làm Phó Giám đốc Sở TT-TT cho đến khi nghỉ hưu) không làm vơi cạn niềm đam mê nghiên cứu văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc. Các công trình nghiên cứu lần lượt ra đời: Truyện cổ Tuy Hòa (2001), Tuy Hòa môi trường văn hóa và phát triển (2003), Di sản văn hóa đá Phú Yên (2011), Tín ngưỡng dân gian làng biển Đông Tác (2011), Đá Bia huyền ảo (2013), Văn hóa dân gian làng cổ Hoành Lâm (2017)… Những công trình chứa đựng rất nhiều tâm huyết. Những công trình không chỉ có giá trị về mặt văn hóa mà còn thể hiện ân tình sâu nặng của một người con đất Tổ đã gắn bó, đã xem Phú Yên như máu thịt của mình. Hai công trình nghiên cứu: Tín ngưỡng dân gian làng biển Đông Tác Văn hóa dân gian làng cổ Hoành Lâm được trao hai giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020.

TS Đào Nhật Kim, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường đại học Phú Yên từng nhận xét: “ThS Nguyễn Hoài Sơn đã đưa vào công trình nghiên cứu của mình những hiểu biết sâu sắc và những đúc kết tinh tế từ nhiều chuyến đi điền dã. Hàng loạt công trình, bài viết của anh thể hiện năng lực, sự đam mê nghiên cứu về văn hóa và hơn nữa là tình yêu anh dành cho vùng đất Phú Yên, nơi anh đã xem là quê hương thứ hai của mình”.

ThS Nguyễn Hoài Sơn đã dành trọn sự yêu mến cũng như tâm huyết, niềm đam mê nghiên cứu của mình để tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phú Yên nói chung và huyện Tây Hòa nói riêng. Những tác phẩm của anh giúp người đọc, nhất là thế hệ trẻ, có thêm những hiểu biết, nhận thức được đầy đủ hơn giá trị nhiều mặt từ kho tàng di sản văn hóa dân gian do ông cha truyền lại cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

TS Nguyễn Định, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian

và Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên

NAM PHƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/276743/nhung-trang-sach-tham-dam-tinh-dat-tinh-nguoi.html