Những vấn đề đáng quan tâm trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu 2024

Những lo ngại của đông đảo cử tri về các vấn đề như xung đột, di cư, lạm phát… dự báo sẽ chi phối các lá phiếu và có thể mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở Châu Âu. Sự chuyển hướng sang cánh hữu cũng là một trong những chủ đề được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc bầu cử lần này.

SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁNH HỮU

Tại Pháp, đảng theo đường lối cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen vẫn đang dẫn đầu và ngày càng nới rộng khoảng cách với đảng đứng ngay sau là Liên minh cầm quyền ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các đối thủ còn lại.

Pháp không phải là trường hợp duy nhất. Trên thực tế, xu hướng cực hữu đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, không nắm quyền nhưng tham gia chính phủ tại Phần Lan và Slovakia. Ở Hà Lan, đảng cực hữu cũng đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội và đang đàm phán lập chính phủ.

Bên cạnh đó, những chính sách kém hiệu quả của Liên minh Châu Âu trong nhiều năm qua cũng khiến cử tri quan tâm nhiều hơn tới những giải pháp mà phe cực hữu đề xuất, chẳng hạn như nhập cư.

SỰ HÌNH THÀNH LIÊN MINH MỚI

Giới quan sát hiện đang đổ dồn sự chú ý vào các liên minh tiềm năng sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Ngoài liên minh trung dung giữa đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), nhiều kỳ vọng còn được đặt vào các liên minh tiềm năng xoay quanh đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, “nhà lãnh đạo cực hữu nổi bật nhất Châu Âu”.

Có ý kiến cho rằng, đảng ECR của bà Meloni cùng với đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) của bà Le Pen sẽ trở thành một “liên minh siêu cánh hữu” và đạt được nhiều ghế hơn trong nghị viện khóa mới. Tuy nhiên, 2 đảng này vẫn chưa cho biết sẽ hợp tác cùng nhau hay không. Bên cạnh đó, rất có thể đảng EPP sẽ liên minh với bà Meloni. Nhưng nữ Thủ tướng Italy cho đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch của mình và để ngỏ các lựa chọn giữa các đảng cánh hữu.

LÁ PHIẾU TỪ CÁC CỬ TRI TRẺ

Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử nghị viện năm nay nằm ở lá phiếu của những cử tri trẻ tuổi. Theo Cơ quan Thống kê Eurostat của EU, hàng triệu thanh niên Châu Âu lần đầu tiên sẽ đi bỏ phiếu: 5,1 triệu thanh niên ở Đức, 4 triệu thanh niên ở Pháp và 2,8 triệu thanh niên ở Italy.

Năm 2019, sự gia tăng tỷ lệ bỏ phiếu trong giới trẻ đã giúp nâng tổng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lên mức cao nhất trong 25 năm, lên 50,6%.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhung-van-de-dang-quan-tam-trong-cuoc-bau-cu-nghi-vien-chau-au-2024-224760.htm