Niềm tin thống nhất trong 'Báu vật trời Nam'

Tại buổi ra mắt cuốn sách 'Báu vật trời Nam - bên kia thế giới' vào 6/4, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư đã chia sẻ đầy xúc động về những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.

 Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư (bên phải) và ông Trương Xuân Thanh (bên trái) tại buổi ra mắt sách sáng ngày 6/4. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư (bên phải) và ông Trương Xuân Thanh (bên trái) tại buổi ra mắt sách sáng ngày 6/4. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Sau thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được (ký kết ngày 21/7/1954) mở ra thời kỳ hòa bình tạm thời cho Việt Nam, đồng thời quy định việc tập kết lực lượng hai bên tại vĩ tuyến 17. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam đã rời quê hương tập kết ra Bắc, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ với khát vọng góp sức xây dựng đất nước.

Dẫu biết sẽ phải xa gia đình, tất cả cùng chung lời hẹn: hai năm sau trở lại trong ngày non sông sum họp trong dịp Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, hành trình đoàn tụ ấy phải kéo dài đến 21 năm sau.

Mong chờ ngày thống nhất

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư - nguyên Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn - chưa có nhiều sáng tác văn học hiện nay đề cập đến cuộc sống của những cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954.

Đó là những con người đã rời xa quê hương, gia đình để đi theo tiếng gọi cách mạng. Một phần trong họ là nỗi nhớ nhà da diết, đối diện với thử thách của thời cuộc, sự chia cắt và những năm tháng chờ đợi ngày thống nhất.

Trong ký ức tuổi thơ, bà Thư từng được mẹ dặn dò nấu cơm mang sang cho một ông giáo già với đôi chân không lành lặn - một cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Những ngày lễ Tết, bà chứng kiến ông cùng những người đồng hương tụ họp ở Câu lạc bộ Thống Nhất, ai nấy đều mang nỗi nhớ phương Nam. Tâm hồn họ luôn hướng về gia đình đang chiến đấu nơi chiến trường ác liệt.

 Cuốn sách Báu vật trời Nam - bên kia thế giới. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Cuốn sách Báu vật trời Nam - bên kia thế giới. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Chính trong thời niên thiếu, bà Thư đã có dịp gặp gỡ ông Trương Xuân Thanh - sau này là Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Ông là con của một cán bộ miền Nam tập kết và đã trải qua thời thơ ấu xa nhà từ khi mới 12 tuổi rưỡi. Những ký ức về thời chiến tranh hằn sâu trong tâm trí ông: những năm tháng sống trong trại B403 của cán bộ miền Nam, học tập ở trường, xa cha mẹ triền miên và những lần đoàn tụ hiếm hoi khiến ông trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình.

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được nghe cha đàn mandolin, mẹ cất tiếng hát những bản nhạc của Văn Cao, hay cùng thưởng thức bữa cơm với những món ăn giản dị nhưng chất chứa tình thân. Khoảnh khắc sum họp đó dường như thật ngắn ngủi”, ông Xuân Thanh kể lại.

Nguồn cảm hứng cho tác phẩm kể về kho báu trời Nam

Từ những ký ức đó, bà Nguyễn Thị Anh Thư đã xây dựng nhân vật ông Ba trong tiểu thuyết Báu vật trời Nam - bên kia thế giới. Nhân vật là hiện thân của một thế hệ cán bộ miền Nam ra Bắc, mang trong mình tình yêu quê hương sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào ngày đất nước thống nhất.

Tác phẩm thoạt đầu mang dáng dấp một cuộc phiêu lưu dựa trên sự kiện có thật - hai người nước ngoài lên đảo Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang) năm 1983 để tìm kho báu. Nhưng đó chỉ là "cái cớ" để nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư vẽ nên một thế giới khác thời hậu chiến và cảm xúc trầm trồ của những người Mỹ mới chỉ biết đến Việt Nam qua vài lời kể từ thế hệ đi trước. Để rồi, qua những diễn biến, bà gửi đi thông điệp đầy nhân văn về lòng bác ái và sự thứ tha - đức tính quý giá của người Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh nhận xét: “Kho báu của trời Nam không phải là vàng bạc, đó là sự thứ tha”.

Cũng tại sự kiện, bà Anh Thư cũng chia sẻ tác phẩm Báu vật trời Nam - bên kia thế giới được thực hiện trong suốt bốn năm. Bà đã phải chỉnh sửa rất nhiều chi tiết khi được ông Trương Xuân Thanh góp ý. Mong muốn lớn nhất của hai người là đem tới câu chuyện về tinh thần hòa hợp giữa hai dân tộc Việt, Mỹ.

Cuốn sách Báu vật trời Nam - bên kia thế giới không chỉ mở ra một thế giới tâm linh huyền bí với những phong tục và tín ngưỡng truyền thống, nó còn khắc họa chân dung của những con người Việt Nam kiên cường trong thời kỳ hậu chiến. Họ hiện lên như những chiến binh âm thầm, mang nặng tình yêu quê hương và gia đình, chiến đấu trong một cuộc chiến không tiếng súng - cuộc chiến hàn gắn vết thương sau chiến tranh.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-song-cua-nhung-nguoi-can-bo-mien-nam-ra-bac-tap-ket-post1543785.html