Lịch sử các vua Hùng: Huyền thoại kết nối ý thức dân tộc
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, các khảo cổ học và các ghi chép lịch sử đã khẳng định sự tồn tại của triều đại Hùng Vương, một giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Lịch sử về các Vua Hùng, một thời kỳ được cho là kéo dài khoảng 4.000 năm trước, ghi dấu một nền văn minh và một tổ chức nhà nước cổ đại. Các câu chuyện truyền thuyết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, và các biểu tượng văn hóa như bánh chưng, bánh dày đã tạo thành một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Những truyền thuyết này không phải là những câu chuyện vô căn cứ mà có sự phản ánh từ các sự kiện lịch sử, những mốc son trong quá trình phát triển của cộng đồng và Nhà nước Văn Lang, một trong những nhà nước cổ đầu tiên của người Việt.

Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ.
Bằng chứng xác thực thời đại Hùng Vương
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, một trong những minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho sự tồn tại của triều đại Hùng Vương chính là các di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại khu vực Phú Thọ. Những hiện vật này không chỉ giúp khẳng định sự phát triển của một nền văn minh cổ đại mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về tổ chức xã hội và đời sống vật chất của cư dân trong thời kỳ đó.
“Một trong những khám phá quan trọng nhất là việc phát hiện ra hơn 3.000 hiện vật khảo cổ tại Bảo tàng Hùng Vương, được xây dựng năm 1993 ngay trên đất Tổ. Đây là một kho tàng hiện vật vô cùng phong phú, cho thấy sự tồn tại và phát triển của xã hội Văn Lang dưới triều đại Hùng Vương. Trong số những hiện vật đáng chú ý, có tới 700 hiện vật gốc cùng với hơn 170 tài liệu khoa học, 5 video giới thiệu về quá trình khai quật và nghiên cứu. Điều này chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu, xác minh các sự kiện lịch sử gắn liền với thời kỳ Hùng Vương”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.

Trống bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hêgơ I, nhóm C.
Đặc biệt, trong số các hiện vật được phát hiện, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có chiếc trống đồng phát hiện tại xã Hy Cương thuộc loại Hegơ I có kích thước mặt lớn nhất (93cm) trong các loại Hegơ I phát hiện ở Việt Nam và chiếc trống đồng Tân Long cũng thuộc Phú Thọ có đường kính mặt lớn nhất (103 cm) trong các loại trống đồng tìm thấy ở Việt Nam. Từ đó, có thể khẳng định rằng, đó là một thời đại thực sự trong lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, các hiện vật khác như công cụ lao động, đồ trang sức, những vũ khí chiến đấu cũng đã được phát hiện, giúp chúng ta hình dung được đời sống vật chất và xã hội của cư dân Văn Lang. Những hiện vật này cung cấp bằng chứng về một xã hội có sự tổ chức rõ ràng, từ các chức vụ tôn thờ thần linh đến các hoạt động sản xuất và chiến đấu.
Không chỉ trong các tài liệu trong nước, ngay cả thư tịch cổ của các quốc gia lân cận như Trung Quốc cũng ghi nhận sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương. Cụ thể, thư tịch cổ đời Đường ở Trung Hoa có ghi: “Đất Giao Chỉ rất phì nhiêu, nhiều dân di cư đến, họ là những người đầu tiên khai khẩn đất. Đất đen và bốc hơi mạnh. Bấy giờ những cánh đồng đó gọi là Hùng điền và dân là Hùng dân. Có một ông Chúa gọi là Hùng Vương và Hùng Vương có các chức việc giúp việc gọi là Hùng hầu. Lãnh thổ đất Hùng thì chia cho các Hùng Tướng”.
Như vậy, các bằng chứng đã không chỉ khẳng định sự tồn tại của một triều đại gọi là Hùng Vương mà còn mô tả cách thức tổ chức xã hội thời kỳ đó, với các chức quan và hệ thống quản lý lãnh thổ rõ ràng.
Thực sự có 18 đời Vua Hùng?
Một câu hỏi đáng chú ý, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi nghiên cứu về triều đại các Vua Hùng là thời gian trị vì kéo dài hơn 2.000 năm, trong sử sách ghi nhận có 18 đời Vua Hùng. Theo phép tính đơn giản, điều này dường như không hợp lý, bởi nếu chia cho 18 đời, tuổi thọ trung bình của mỗi Vua Hùng sẽ lên đến hơn 100 năm. Đây là một vấn đề đã được các nhà sử học tranh luận trong thời gian dài, với nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù con số 18 đời Vua Hùng có thể không phản ánh chính xác tuổi thọ của các vị vua này, nhưng điều đáng chú ý là mỗi đời Vua Hùng đều được ghi chép rõ ràng trong sử sách.

Ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch), hàng vạn người đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh: Tiền Phong.
Các nhà nghiên cứu xã hội học đưa ra giả thuyết rằng con số 18 không phải là một con số chính xác, mà chỉ mang tính ước lệ, có liên quan đến hệ thống tư duy của người phương Đông, với những con số như 3, 6, 9, 18, mà trong đó con số 18 thể hiện một quy luật cấp số nhân. Điều này có thể được minh họa qua hình ảnh trên mặt trống đồng Đông Sơn, nơi có 18 con chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Một số người cũng đưa ra giả thuyết rằng "18 dòng" có thể ám chỉ sự tồn tại của nhiều vị vua trong mỗi dòng họ, nhưng thực chất con số này chỉ muốn khẳng định một ý nghĩa sâu sắc hơn: sự trường tồn và bền vững của dân tộc Việt Nam qua thời gian. Đây là một cách lý giải của ông cha ta nhằm giữ được sự thuyết phục trong việc giải thích nguồn gốc và sự liên tục của triều đại, đồng thời vẫn mang đậm tính ước lệ và tượng trưng.
“Như thế, khi nói về thời kỳ Hùng Vương, chúng ta nói về một truyền thuyết, cũng như các dân tộc khác để giải thích về nguồn gốc của mình nhưng truyền thuyết đó cùng với thời gian nó có căn cứ lịch sử khẳng định sự tồn tại lâu dài và lâu bền của dân tộc Việt Nam ta, trải qua nhiều thử thách, nó giữ được tính liên tục trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, biểu tượng của các Vua Hùng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, trở thành một phần quan trọng trong bản lĩnh chính trị và bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, những truyền thống gắn liền với các Vua Hùng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi bật nhất là các lễ hội. Những lễ hội này không chỉ là hình thức tưởng niệm mà còn là cách thức để thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết của người Việt trong đời sống tâm linh.
Theo các nhà quản lý khu di tích Đền Hùng, mảnh đất Phú Thọ đã tồn tại từ lâu, gắn liền với các lễ hội và truyền thuyết từ thời xa xưa. Đến nay, đã có hơn 200 truyền thuyết liên quan đến các Vua Hùng được sưu tầm, bao gồm các câu chuyện về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, hay các tích cổ như bánh chưng, bánh dày.

Người dân Phú Thọ làm mâm cơm cúng ngày Quốc giỗ, không thể thiếu bánh chưng, bánh dày. Ảnh: Báo Phú Thọ.
Biểu tượng các Vua Hùng không chỉ là một phần trong nền văn hóa truyền thống mà còn là một mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Trong "Đại Nam quốc sử diễn ca", khi nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, những câu thơ đã thể hiện rõ điều này:
" Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng"
Những câu thơ này cho thấy trong tâm thức người Việt, nền văn minh của thời đại Hùng Vương không chỉ là một giai đoạn lịch sử mà còn là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp người Việt vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khẳng định cội nguồn và bản sắc dân tộc của mình.