Nỗi ám ảnh nhà ở châu Âu: Giấc mơ tan vỡ

Cuộc khủng hoảng nhà ở đang tác động sâu sắc đến đời sống của người dân châu Âu, đặc biệt ở khu vực thành thị. Cùng với đó, khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng góp phần khiến ước mơ sở hữu nhà ở của một bộ phận người dân ngày càng trở nên xa vời.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức tiếp tục trầm trọng

Đức cho đến nay vẫn là quốc gia đứng đầu châu Âu về số lượng người đi thuê nhà, hơn một nửa dân số không có nhà riêng. Đây là quốc gia duy nhất ở Liên minh châu Âu có nhiều người thuê nhà hơn chủ sở hữu nhà.

Nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua. Hiện Đức thiếu hụt tới 600 nghìn nhà ở và dự kiến con số này còn tăng lên. Số nhà xây mới không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu của nhóm người có thu nhập thấp.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, số lượng giấy phép xây dựng nhà ở tại Đức trong tháng 4/2024 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy cuộc khủng hoảng nhà ở của Đức tiếp tục trầm trọng thêm.

Số lượng giấy phép xây dựng nhà ở tại Đức trong tháng 4/2024 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Số lượng giấy phép xây dựng nhà ở tại Đức trong tháng 4/2024 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Theo Destatis, tiếp tục xu hướng giảm trong những năm gần đây, chỉ có 17.600 giấy phép xây dựng được cấp tại Đức vào tháng 4 vừa qua, giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Felix Pakleppa, Giám đốc điều hành Hiệp hội Xây dựng Đức (ZDB) nhận định đây thực sự là một sự lao dốc của thị trường nhà ở và vẫn chưa thấy hồi kết cho tình trạng đi xuống này.

Năm 2023, Chính phủ Đức một lần nữa không đạt được mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới. Theo số liệu chính thức, chỉ có gần 295.000 căn hộ được hoàn thành, giảm 0,3% so với năm 2022.

Sau nhiều năm lãi suất tăng và chi phí xây dựng tăng vọt, ngành xây dựng Đức vẫn hy vọng vào tương lai sáng sủa hơn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất chủ chốt của khối xuống 4,25%.

Ông Andreas Mattner, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Đức (ZIA) cho hay: "Chúng tôi hoan nghênh việc giảm lãi suất chủ chốt như một sự khởi đầu cho việc xoay chuyển cuộc khủng hoảng nhà ở. Lãi suất tăng quá nhanh cho đến nay thực sự là một cản trở lớn đối với lĩnh vực bất động sản".

Sau nhiều năm lãi suất tăng và chi phí xây dựng tại Đức tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều năm lãi suất tăng và chi phí xây dựng tại Đức tăng vọt. Ảnh: Reuters.

ZIA ước tính Đức hiện đang thiếu hụt 600.000 nhà ở và dự kiến con số này sẽ tăng lên 830.000 vào năm 2027. Ngoài việc lãi suất giảm, ZIA hy vọng thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ được điều chỉnh giảm để tạo thêm cú hích cho các nhà đầu tư.

DW ví von rằng, khủng hoảng thiếu nhà tại nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu ngày càng trầm trọng đến mức việc tìm được một nơi ở có giá phải chăng chả khác nào “trúng số” vậy.

Tại Đức, giá thuê nhà ở Thủ đô Berlin đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 và tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 13,6 euro/mét vuông.

Chính phủ Đức đang cố gắng kiểm soát tình hình, quy định giá thuê không được cao hơn 10% so với hợp đồng thuê tương đương ở khu vực đó. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các tòa nhà mới, căn hộ được cải tạo nâng cấp hoặc trang bị nội thất. Các chuyên gia đánh giá việc chính phủ Đức giảm đầu tư cho nhà ở xã hội thời gian qua đã góp phần gây ra khủng hoảng.

Gia tăng tình trạng vô gia cư do khủng hoảng nhà ở

Theo Reuters, số liệu thống kê chính thức mới đây cho thấy, tỷ lệ người vô gia cư ở Tây Ban Nha đã tăng 24% kể từ năm 2012, lên 28.000 người. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Tây Ban Nha, khoảng 45% người sống trong nhà thuê có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc bị xã hội bỏ rơi. Đây là tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.

Du lịch bùng nổ khiến nhiều người Tây Ban Nha rơi vào tình trạng vô gia cư, do chủ nhà đòi lại nhà để cải tạo cho du khách thuê ngắn ngày. Cùng với đó, khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng góp phần khiến ước mơ sở hữu nhà ở của một bộ phận người dân ngày càng trở nên xa vời.

Bà Carmen Cajamarca, 67 tuổi, đã nhận được yêu cầu chuyển khỏi căn hộ mà bà đang thuê do chủ nhà muốn cải tạo thành cơ sở lưu trú cho thuê ngắn hạn phục vụ khách du lịch. Bà Cajamarca đã vất vả tìm kiếm chỗ trọ mới nhưng mãi chưa thể tìm được chỗ phù hợp với tài chính của mình.

Nhiều người đang bị đuổi ra khỏi căn nhà nơi họ đã sống suốt nhiều năm qua. Chủ nhà muốn lấy lại nhà cho khách du lịch thuê vì sẽ có lợi nhuận cao hơn. Nhưng còn chúng tôi thì biết làm thế nào đây.

Bà Carmen Cajamarca, người dân Tây Ban Nha.

Tại thành phố Barcelona, nơi đang đối mặt với tình trạng du lịch quá tải, giá thuê nhà cũng như hàng tiêu dùng và nhu yếu phẩm tăng cao. Do du khách đến quá đông nên trong 10 năm qua, giá thuê nhà ở Barcelona tăng 68%, giá mua nhà tăng 38%.

Dân địa phương đang phải vật lộn để tìm chỗ ở giá cả phải chăng xung quanh các điểm nóng du lịch và chi phí không thể quản lý được khiến ngay cả chủ nhà cũng gặp khó khăn. Theo El Pais, giá thuê nhà ở Barcelona đắt hơn bao giờ hết. Trong quý III năm ngoái, một căn hộ trong thành phố có giá trung bình khoảng 1.171 Euro mỗi tháng.

Ngày 6/7, hàng nghìn người đã biểu tình ở trung tâm thành phố Barcelona để phản đối tình trạng khách du lịch ồ ạt vào thành phố.

Người dân biểu tình ở Barcelona để phản đối khách du lịch đến quá đông. Ảnh: AP.

Người dân biểu tình ở Barcelona để phản đối khách du lịch đến quá đông. Ảnh: AP.

Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni đã thông báo vào tháng trước rằng sẽ có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc cho thuê nhà ngắn hạn từ tháng 11 năm 2028, để nhiều bất động sản được đưa trở lại thị trường nhà ở địa phương.

Để giải quyết tình hình trong ngắn hạn, nhiều tổ chức từ thiện tại Tây Ban Nha đã tìm cách làm việc với các công ty bất động sản nhằm hỗ trợ những người có nhu cầu thuê nhà với mức giá thấp hơn khoảng 30% so với giá thị trường. Nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

Ủy ban châu Âu cho biết, tình trạng vô gia cư đã tăng đáng kể trên khắp châu lục trong thập kỷ qua, nhưng vấn đề này ở Tây Ban Nha không được chú ý vì những người Tây Ban Nha trẻ tuổi chọn sống với cha mẹ lâu hơn.

Hơn 60% số người trong độ tuổi 18 - 34 sống cùng gia đình và Tây Ban Nha có tỷ lệ người trẻ sống cùng cha mẹ tăng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu trong giai đoạn 2008 - 2022.

Tình trạng vô gia cư đã tăng đáng kể trên khắp châu lục trong thập kỷ qua. Ảnh: BNN.

Tình trạng vô gia cư đã tăng đáng kể trên khắp châu lục trong thập kỷ qua. Ảnh: BNN.

Báo cáo cho biết thêm, lượng nhà ở xã hội của Tây Ban Nha chỉ chiếm 1,5% tổng số nhà ở, so với mức trung bình của châu Âu là 9%.

Kế hoạch hiện tại của Chính phủ Tây Ban Nha về nhà ở xã hội là sẽ bổ sung 184.000 căn trong ba năm tới. Hồi tháng 5, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, ông muốn quỹ nhà ở xã hội sẽ ngang bằng với mức trung bình của châu Âu trong nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2027. Nhưng Ngân hàng Tây Ban Nha ước tính, cần phải có thêm 1,5 triệu ngôi nhà nữa để đạt được mục tiêu đó.

Theo số liệu chính thức, tốc độ xây dựng nhà ở 90.000 căn/năm ở Tây Ban Nha đang chậm hơn so với nhu cầu tăng trưởng và thấp hơn nhiều so với mức 650.000 căn được xây dựng vào năm 2008.

Ông Diego Lozano, Giám đốc điều hành Cơ quan nhà ở của thành phố cho biết, các thành phố lớn như Madrid đang đối mặt với tình trạng di cư từ nông thôn đến các trung tâm đô thị, nơi có nhiều việc làm.

Có tới 48.000 người đang trong danh sách chờ nhà ở xã hội tại Madrid. Theo ông Diego Lozano, thành phố đang nỗ lực tăng gần gấp ba số lượng nhà ở xã hội vào năm 2030, nhưng thừa nhận rằng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thành phố Madrid là một trong những khu vực thiếu nhà ở xã hội trầm trọng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Thành phố Madrid là một trong những khu vực thiếu nhà ở xã hội trầm trọng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Phân tích của Eurostat, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, trước đây cho thấy 44,8% người Tây Ban Nha thuê nhà có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói vì giá bất động sản cao hơn thu nhập.

Anh: Tận dụng nhà bỏ hoang cho người vô gia cư

Tình trạng thiếu nhà ở cũng xảy ra ở Anh từ lâu. Lạm phát cao kỷ lục trong năm ngoái đã đẩy giá bất động sản lên mức khiến nhiều người không thể với tới. Theo thống kê, số người vô gia cư ngủ trên đường phố ở London, Anh tính từ đầu năm đến tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục là gần 12.000. Họ có thể là công nhân, chưa kịp trả tiền thuê nhà, hay người nhập cư thu nhập ít ỏi, hoặc một người già không có thu nhập. Một số người đã tự tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở này, theo cách của riêng mình.

Tại thị trấn Croydon, phía Nam London, một số tòa nhà từng bị bỏ hoang đang dần hồi sinh, khi nhóm hoạt động xã hội Reclaim Croydon tiếp quản các cơ sở thương mại không sử dụng để cung cấp cho người vô gia cư.

Theo dữ liệu của Chính phủ, Croydon - một thị trấn với nhiều khu chung cư và văn phòng cao tầng - có gần 4.000 bất động sản không được sử dụng vào tháng 10/2023. Trên các con phố mua sắm chính, các cơ sở kinh doanh đóng cửa, biển giảm giá chăng đầy các cửa hàng và khu chợ nhộn nhịp.

Một trung tâm thanh thiếu niên bỏ không ở Croydon, Nam London, nước Anh đã được tổ chức Reclaim Croydon sửa sang để làm nơi ở tạm cho người vô gia cư. Ảnh: Reuters.

Một trung tâm thanh thiếu niên bỏ không ở Croydon, Nam London, nước Anh đã được tổ chức Reclaim Croydon sửa sang để làm nơi ở tạm cho người vô gia cư. Ảnh: Reuters.

Alex, 28 tuổi, thành viên tổ chức Reclaim Croydon cho biết, kể từ khi thành lập năm ngoái, nhóm đã tân trang khoảng 30 tòa nhà, cung cấp nơi ở cho hơn 100 người. Trước tiên, nhóm phải đảm bảo các tòa nhà còn trống và đáp ứng các nhu cầu cơ bản như nước sinh hoạt và điện. Sau đó, họ tiến hành sửa chữa để có thể ở được, bao gồm lắp đặt vòi sen và nhà bếp, sửa các chỗ rò rỉ và loại bỏ nấm mốc.

Một ngôi trường bị bỏ hoang, đóng cửa hơn 40 năm. Bây giờ chúng tôi có vài việc phải làm. Khôi phục đường nước, sửa một số chỗ, sơn lại tường. Chúng tôi phải xây một phòng tắm và một nhà bếp.

Anh Alex, thành viên nhóm Reclaim Croydon.

Những người sống trong các tòa nhà này xuất thân khác nhau. Leaf, 28 tuổi, một người đến từ thành phố Reading vừa vào ở trong một trung tâm thanh thiếu niên cho biết, anh đã sống trên đường phố vì giá thuê nhà tăng cao, vượt xa các phúc lợi của Chính phủ.

Sống chung tại trung tâm thanh thiếu niên với Leaf có một sinh viên và một nhân viên vận tải không thể trả kịp tiền thuê nhà ở London.

Rất nhiều người ở Anh bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng vô gia cư và họ thích ở lại trong những căn nhà do nhóm Reclaim Croydon sửa chữa lại hơn.

Nhiều người vô gia cư ở Anh thích ở lại trong những căn nhà do nhóm Reclaim Croydon sửa chữa lại hơn. Ảnh: PA.

Nhiều người vô gia cư ở Anh thích ở lại trong những căn nhà do nhóm Reclaim Croydon sửa chữa lại hơn. Ảnh: PA.

Nước Anh bắt đầu nỗ lực xây dựng nhà ở sau Thế chiến thứ hai, với phần lớn nhà ở công cộng được xây dựng cho các gia đình có thu nhập thấp. Nhưng nguồn nhà ở này không được bổ sung sau khi cựu Thủ tướng Margaret Thatcher cho phép người dân mua nhà từ chính quyền địa phương. Theo Chính phủ Anh, từ năm 2020, họ cần 300.000 ngôi nhà mới mỗi năm nhưng kể từ đó, mỗi năm chưa đầy 250.000 công trình được xây dựng.

Trong cuộc khủng hoảng nhà ở những năm gần đây, giá thuê nhà tư nhân tăng 22% khiến ngày càng nhiều người phải chật vật tìm nơi để sinh sống. Nhà ở thường xuyên là một trong 5 vấn đề hàng đầu mà cử tri Anh quan tâm trước cuộc tổng tuyển cử. Giá thuê nhà cao có nghĩa là những người ở độ tuổi 20 hoặc 30 vẫn phải sống ở nhà với cha mẹ hoặc ở chung nhà, trong khi số lượng người ngủ trên đường phố và trong các tòa nhà trống ngày càng tăng.

Cùng với đó, hiện tượng “nhà nhảy dù”, vốn tồn tại ở Anh hàng trăm năm nay, cũng tăng theo. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều binh sĩ và gia đình họ chuyển đến những căn cứ quân sự bỏ không.

Vào những năm 1970, phong trào này mang tính chính trị khi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ chiếm các tòa nhà để phản đối. Theo luật pháp nước Anh, kể từ năm 2012, việc chiếm các tòa nhà dân cư là bất hợp pháp. Nhưng chiếm đất thương mại không phải là tội hình sự, miễn là không gây thiệt hại gì và người chiếm nhà sẽ rời đi khi có lệnh của tòa án.

Hiệp hội chủ nhà Anh ước tính, việc “nhảy dù” vào ở trong các tòa nhà thương mại bỏ không đã tăng gần 300% kể từ tháng 12/2021. Đây là vấn đề mà ông Sajjad Ahmad, người đứng đầu hiệp hội, cho rằng lỗi do các chính sách của chính phủ chứ không phải do người lấn chiếm.

Việc “nhảy dù” vào ở trong các tòa nhà thương mại bỏ không đã tăng gần 300% kể từ tháng 12/2021.Ảnh: BI.

Việc “nhảy dù” vào ở trong các tòa nhà thương mại bỏ không đã tăng gần 300% kể từ tháng 12/2021.Ảnh: BI.

Những người “nhảy nhà” cho biết, tìm được nơi ở khiến họ yên tâm. Như Leaf, người khuyết tật ở chân cho biết, anh như được cứu mạng khi tìm thấy một cộng đồng người “nhảy dù”.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay là lực cản đối với đà phục hồi kinh tế của các nước châu Âu và đe dọa kéo theo những bất ổn xã hội.

Cuộc khủng hoảng nhà ở đang tác động sâu sắc đến đời sống của người dân châu Âu và cần sớm có giải pháp gỡ khó. Nó không chỉ cản trở tốc độ tăng trưởng, tình trạng thiếu hụt nhà ở trên khắp châu Âu còn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng chính trị.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/noi-am-anh-nha-o-chau-au-giac-mo-tan-vo-251755.htm