Gỡ điểm nghẽn mặt bằng cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông

Thực trạng thiếu mặt bằng thi công, giải phóng mặt bằng 'xôi đỗ' đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công nhiều dự án giao thông, công trình trọng điểm. Điều này đòi hỏi các cơ quan, địa phương cần xắn tay vào cuộc một cách quyết liệt.

Sốt ruột với mặt bằng

Báo cáo mới đây Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, một số địa phương vẫn còn chậm triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu tại Công điện số 54/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Đặc biệt đối với các dự án có tiến độ yêu cầu hoàn thành năm 2025 như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang - Hà Giang, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ dài 65,5 km nối tỉnh Quảng Bình với Quảng Trị. Hiện thời tiết đang vào mùa khô thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ nhưng lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) không khỏi sốt ruột khi mặt bằng thi công tuyến chính vẫn còn nhiều nhà dân án ngữ.

 Tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Ảnh minh họa.

Tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Ảnh minh họa.

Ngoài các vướng mắc do người dân chưa chịu nhận đền bù bàn giao mặt bằng còn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường điện hạ thế, trung thế, hệ thống cáp viễn thông,... chưa được di dời.

Hay với dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thông tin, tuyến cao tốc có chiều dài gần 11,5 km và số hồ sơ cần xử lý giải tỏa là “không hề nhỏ”.

Việc giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, các văn bản pháp lý liên quan làm cơ sở triển khai công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án bị chậm trễ.

Tiếp đó là sức ép về tiến độ cho công tác giải phóng mặt bằng được rút ngắn. Ban đầu, Chính phủ cho thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9/2024 nhưng sau đó rút xuống là ngày 30/6.

Khối lượng hồ sơ giải tỏa rất lớn, vừa thực hiện dự án vừa hoàn thiện tuyến đường gom với gần 2.000 hồ sơ. Đặc biệt khó khăn lớn nhất đó là thiếu đất để bố trí tái định cư.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau 1 năm khởi công, trong 3 dự án thành phần thì chỉ có dự án thành phần 3 (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản đủ mặt bằng nên thi công thuận lợi.

Lý giải nguyên nhân khiến tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm, ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khi kiểm đếm đất làm dự án thì có một số lượng lớn đất nông nghiệp người dân tự phân lô mua bán giấy tay qua nhiều chủ sử dụng và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

Người bán đất đã đi khỏi địa phương hoặc không sinh sống tại địa phương, không liên lạc được và người đang sử dụng hiện nay cũng không biết chủ đất chính thức là ai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính đang ở đâu.

Ngoài ra quy định chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp với trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi không cư trú tại địa phương nơi có đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất và UBND cấp xã nơi cư trú nên mất rất nhiều thời gian.

Mặt khác dự án đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường (đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện) giữa hai địa phương có sự chênh lệch lớn. Vì vậy người có đất bị thu hồi ở vùng giáp ranh có tâm lý so bì về giá đất bồi thường.

Cần quyết liệt và quyết tâm hơn nữa

Trao đổi với phóng viên, đại diện một đơn vị thi công đường cao tốc cho biết, khi được bàn giao mặt bằng sạch đến đâu là anh em làm luôn đến đấy. Nhưng việc giải phóng mặt bằng chậm khiến đơn vị buộc phải thi công theo kiểu cuốn chiếu từ lớp nền đến lớp móng mặt. Thi công như vậy tốn nhân lực và vật lực.

Công tác giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng, quyết định đến phần lớn đường găng tiến độ của các dự án. Mặt bằng được bàn giao sớm sẽ là cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.

 Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án, công trình giao thông. Ảnh minh họa.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án, công trình giao thông. Ảnh minh họa.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, sau vấn đề vốn thì công tác giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn nhất. Bởi làm đường xuyên suốt mà giải phóng mặt bằng không xuyên suốt thì rất khó.

Muốn làm tốt công tác này, toàn bộ hệ thống chính trị địa phương phải vào cuộc, tuyên truyền, vận động để người dân đồng lòng ủng hộ. Phải thừa nhận rằng trước đây, nhiều nơi giải phóng mặt bằng chưa công bằng, không thực hiện hết những cam kết với dân.

“Chúng ta vẫn hay nói tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Tôi đã chứng kiến có những nơi ở mới rộng hơn nơi ở cũ gấp 10 lần nhưng không có sinh kế. Tôi đến Tây Nguyên chứng kiến dự án thủy điện bố trí tái định cư cho đồng bào dân tộc như khu đô thị, họ mất sinh kế, không thể đi nương rẫy. Không chỉ nơi ở tốt hơn mà sinh kế cũng phải tốt hơn...” - PGS.TS. Trần Chủng đề cập.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 80/CĐ-TTg chỉ đạo tiếp tục quyết liệt triển khai, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, các đoàn thể chính trị xã hội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,... phải vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân.

Phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các vị trí là đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/go-diem-nghen-mat-bang-cho-cac-du-an-xay-dung-ha-tang-giao-thong-post308742.html