Nồi bánh chưng ngày Tết và niềm vui sum họp

Không gì ấm áp hơn khi cả gia đình gói những chiếc bánh chưng, quây quần bên bếp lửa hồng trong tiết trời giá lạnh của những ngày giáp Tết.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí rộn ràng len lỏi từ những ngõ nhỏ đến các con phố lớn của Hà Nội. Người người tất bật mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, ấm cúng bên gia đình và người thân.

Ở Hà Nội, dù cuộc sống hiện đại có bận rộn đến đâu, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống tự tay gói bánh chưng vào dịp giáp Tết.

Không phải vì tiết kiệm hay vì bánh mua sẵn không ngon, mà bởi không khí gói bánh mang lại những giá trị tinh thần không thể thay thế. Mùi thơm của lá dong, tiếng nước sôi ùng ục, ánh lửa bập bùng trong đêm đông và những tiếng cười nói rôm rả là biểu tượng của Tết cổ truyền, là hơi ấm của gia đình.

Ở Hà Nội, dù cuộc sống hiện đại có bận rộn đến đâu, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống tự tay gói bánh chưng vào dịp giáp Tết.

Ở Hà Nội, dù cuộc sống hiện đại có bận rộn đến đâu, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống tự tay gói bánh chưng vào dịp giáp Tết.

Tại gia đình bà Nguyễn Thị Vân (Quốc Oai, Hà Nội), ngày gói bánh chưng đã trở thành dịp hội ngộ lớn nhất của đại gia đình ba thế hệ. Năm nay, họ chọn ngày 20 tháng Chạp (19/1) để quây quần, cùng nhau gìn giữ truyền thống mà bà Vân vẫn luôn trân trọng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Vân nói: “Với tôi, Tết Hà Nội có một nét rất riêng, vừa giản dị vừa thiêng liêng. Từ nhỏ, tôi đã gắn bó với mùi thơm của lá dong, tiếng cười của cả nhà bên nồi bánh.

Khi còn bé, tôi ngồi bên bà ngoại, nhìn bà và mẹ khéo léo gói từng chiếc bánh. Đến khi trưởng thành, bà ngoại yếu đi, tôi được bà dạy lại cách gói. Giờ đây, tôi truyền lại cho con cháu. Cứ thế, truyền thống này sẽ không bao giờ phai nhạt”.

Chị Hồng Anh, con dâu bà Vân chia sẻ rằng công việc chuẩn bị bắt đầu từ tối hôm trước. Các anh chị em trong gia đình phụ trách nấu đỗ xanh, sơ chế nguyên liệu.

Chị kể: "Lần đầu gói bánh, tôi còn lúng túng, bánh thành đủ loại hình khác nhau, nhưng vẫn chín, vẫn ăn được. Những chiếc bánh chưa đẹp thì để nhà ăn, còn bánh đẹp để dâng cúng, biếu họ hàng. Qua mỗi lần làm, tôi lại rút kinh nghiệm, học cách trân trọng từng công đoạn".

Khung cảnh gói bánh chưng của gia đình bà Vân luôn ngập tràn tiếng cười, trẻ con háo hức phụ giúp, tạo nên một không khí ấm áp, thân thương. Bé Thiên An (11 tuổi) vui vẻ chia sẻ: “Con thích lắm, cuối tuần được ở nhà cùng ông bà, con phụ lau lá, nặn nhân. Vui nhất là khi cả nhà ngồi quây quần bên nhau”.

Người lớn lau lá, vo đậu, ngâm nếp, trẻ con háo hức phụ giúp, tạo nên một không khí ấm áp, thân thương.

Người lớn lau lá, vo đậu, ngâm nếp, trẻ con háo hức phụ giúp, tạo nên một không khí ấm áp, thân thương.

Điều thú vị nhất khi tự tay gói bánh chưng tại nhà không chỉ nằm ở niềm vui, sự gắn kết giữa các thế hệ mà còn là cơ hội để sáng tạo, tùy chỉnh nhân bánh theo đúng khẩu vị gia đình. Năm nay, gia đình bà Vân đã chuẩn bị nhiều loại nhân độc đáo, mỗi loại mang một sắc thái riêng biệt, gói trọn hương vị Tết cổ truyền.

Bà Vân chia sẻ bí quyết để làm nên những chiếc bánh chưng thơm ngon, thịt ba chỉ được ướp cẩn thận với tiêu và chút gia vị, đỗ xanh đồ chín, giã nhuyễn cùng tiêu để dậy mùi. Đặc biệt, gạo nếp cái hoa vàng thứ nếp thơm hảo hạng được trộn nước lá riềng, tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng khi bánh chín.

“Nhân đậu ngọt, thịt ít nạc nhiều mỡ là món khoái khẩu của các con tôi. Bánh đậu mặn, nhân nạc mỡ cân đối, được làm kỹ lưỡng để biếu họ hàng. Có cả bánh đậu ngào mật, nhân đậu óng ánh nâu ngọt đậm, món quà gửi gắm từ một người bạn thân.

Những chiếc bánh chưng chay thanh tịnh để dâng cúng và bánh nhỏ xinh dành riêng cho các cháu nội cũng không thể thiếu", bà Vân nói.

Những chiếc bánh vuông vức không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn là biểu tượng của hy vọng, của mong ước một năm mới đủ đầy, tài lộc tràn trề.

Những chiếc bánh vuông vức không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn là biểu tượng của hy vọng, của mong ước một năm mới đủ đầy, tài lộc tràn trề.

Mỗi loại bánh được đánh dấu bằng lạt màu khác nhau như vàng, đỏ để dễ phân biệt. Chiếc bánh “độc quyền” của cháu gái, lần đầu tự tay gói cũng được ưu ái buộc hai lạt đỏ nổi bật như một cách ghi nhận và khích lệ.

Khi bánh đã gói xong, cả nhà lại háo hức chờ đợi công đoạn luộc bánh khoảnh khắc đặc biệt mà ai cũng mong ngóng. Nồi bánh chưng được nấu trên bếp củi, ngọn lửa bập bùng, tiếng củi nổ lách tách hòa cùng mùi vỏ trấu cháy phảng phất, tạo nên không gian đậm đà hương vị Tết.

Anh Nguyễn Lim - con trai bà Vân chia sẻ: “Giữa tiết trời vào xuân, được ngồi bên bếp lửa hồng nghi ngút khói, cả nhà quây quần kể chuyện một năm lam lũ, rồi cùng chờ thưởng thức chiếc bánh đầu tiên nóng hổi khi vừa chín tới, thật khó quên. Những câu chuyện phiếm, tiếng cười rộn ràng bên nồi bánh chưng chính là hơi ấm gia đình mà không gì có thể thay thế”.

Cả nhà quây quần bên nhau, vừa chờ bánh chín vừa ôn lại một năm cũ, kể những câu chuyện vui trong không khí rộn ràng, ấm áp.

Cả nhà quây quần bên nhau, vừa chờ bánh chín vừa ôn lại một năm cũ, kể những câu chuyện vui trong không khí rộn ràng, ấm áp.

Hơi ấm của bếp lửa quyện cùng mùi thơm nồng của lá dong, của nếp dẻo, khiến cả không gian như đậm đà hơn. Đây không chỉ là một thói quen, mà còn là sợi dây gắn kết tinh thần gia đình.

Với người lớn, đó là cách gửi gắm hương Tết về nơi xa, làm dịu đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Với lũ trẻ, đó là bài học sống động về văn hóa Việt, để chúng tự hào và gìn giữ truyền thống nghìn năm của dân tộc.

"Tuy tốn công sức, nhưng bù lại, cả gia đình lại có thêm niềm vui đón Tết, con cháu hiểu hơn về truyền thống dân tộc và cảm nhận được sự sum vầy trong không khí ấm áp. Tôi hy vọng, truyền thống này sẽ mãi được duy trì, để người Việt luôn nhớ về cội nguồn, về ông cha và tiếp tục phát huy nét đẹp giản dị trong văn hóa dân tộc", bà Vân bày tỏ.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/noi-banh-chung-ngay-tet-va-niem-vui-sum-hop-204250120115232972.htm