Nội chiến Syria: Các lực lượng tham chiến ngày càng leo thang

Ngoài nhóm Hayat Tahrir al-Sham và Quân đội Syria Tự do, chiến sự tại Syria thời gian gần đây cũng chứng kiến sự tham gia của Quân đội quốc gia Syria (SNA), vốn được xem là nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào tình hình chiến sự Syria nhằm thiết lập một vùng đêm an ninh chiến lược dọc khu vực biên giới.

 Lần cuối cùng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hoạt động quân sự ở miền bắc Syria là vào năm 2019. Ảnh AFP

Lần cuối cùng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hoạt động quân sự ở miền bắc Syria là vào năm 2019. Ảnh AFP

Các nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và IS đều nổi dậy

Trong bối cảnh leo thang mới ở Syria, nhóm phiến quân SNA thân Thổ Nhĩ Kỳ, đã chiếm được vùng đất Tel Rifaat gần biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc của nước này, nơi được kiểm soát bởi các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của nhóm người Kurd (YPG) kể từ năm 2016.

Phiến quân SNA tối 1/12 cũng đánh đuổi quân chính quyền ra khỏi sân bay quân sự Quyres ở ngoại ô Aleppo, nơi quân đội Syria thực hiện các cuộc không kích vào các vị trí khủng bố trong suốt cuộc nội chiến, đồng thời thu giữ một số máy bay tấn công hạng nhẹ, một số đơn vị xe bọc thép, pháo binh và thiết bị phòng không ở đó. Theo hãng truyền thông Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng, kể từ khi bắt đầu leo thang mới ở Syria vào ngày 27 tháng 11, SNA đã chiếm đóng 24 khu định cư.

Theo Anadolu, SNA đã phát động chiến dịch quân sự “Bình minh của tự do” vài ngày sau khi phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và Quân đội Syria Tự do (FSA) tiến hành cuộc tấn công vào Aleppo.

Hãng truyền thông này viết rằng, cuộc tấn công của các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria “bắt đầu để đáp trả” việc chiếm đóng phía đông Aleppo của các đơn vị thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd và nỗ lực của họ nhằm mở một hành lang đến vùng đất Tel Rifaat.

Cho đến ngày nay, SDF kiểm soát vùng đông bắc Syria và nhận được hỗ trợ quân sự và kỹ thuật từ Mỹ. Đồng thời, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF và YPG là các tổ chức khủng bố có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đấu tranh vũ trang trong nhiều thập kỷ.

Theo Bloomberg, tình trạng leo thang bất ngờ ở Syria diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công bố kế hoạch tạo vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, đẩy lùi lực lượng người Kurd. Ankara đã đề nghị Nhà Trắng tiếp quản cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nếu người Mỹ rút quân khỏi phía đông bắc Syria và ngừng hỗ trợ người Kurd. Nhưng Washington vẫn chưa phản hồi đề xuất này.

Cùng ngày, hãng thông tấn AP dẫn các nguồn tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cuộc tấn công của phe đối lập Syria vào Aleppo đã được lên kế hoạch trong vài tuần qua và lẽ ra sẽ diễn ra như một phần của một “chiến dịch hạn chế”, nhưng đã được mở rộng do sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng chính phủ và đồng minh.

Trước đó, Reuters dẫn lời phe đối lập Syria cho biết, Ankara đã “bật đèn xanh” cho phiến quân Syria leo thang tình hình. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận những cáo buộc này. Đồng thời, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội nước này, Hulusi Akar, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ nghi ngờ về mức độ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; đồng thời, khẳng định Ankara không liên quan gì đến việc leo thang căng thẳng ở Syria.

Chính quyền Syria nhận hỗ trợ từ Iran và Nga

Hoạt động quân sự của lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria diễn ra trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham ở phía bắc tỉnh Hama, phía nam Aleppo.

Theo NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, vào đêm 2/12, Iran đã cử các chiến binh thuộc nhóm Shiite Lực lượng Huy động Nhân dân (Hashd al-Shaabi) từ nước láng giềng Iraq tới để giúp đỡ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Lực lượng không quân Nga cũng đang tham gia trận chiến bảo vệ Hama. Ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình ở Syria với người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian.

Kirill Semenov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, với sự giúp đỡ của các lực lượng ủy nhiệm, đã mở mặt trận thứ hai chống lại chính quyền Tổng thống Syria al-Assad, chiếm giữ các vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát.

Theo chuyên gia này, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã lên kế hoạch tạo ra cái gọi là khu vực an ninh chống lại PKK dọc biên giới giữa nước này với Syria. “Theo quan điểm của Ankara, việc SDF tiến về Aleppo đã cung cấp cho họ lý do để can thiệp. Hành động của các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng này không cho phép người Kurd mở rộng vùng kiểm soát của họ. Dưới chiêu bài này, SNA có thể bắt đầu tiến về Manbij và xa hơn tới Kobane nhằm tạo ra một đường kiểm soát liên tục của Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới”, ông Kirill Semenov nhận định.

Trong khi đó, Sergei Balmasov, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, cho biết, bước tiến xa hơn của SNA dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc vào thành công của phe nổi dậy Syria ở tỉnh Hama. Hiện nay, lực lượng chính phủ và đồng minh về cơ bản đã kiểm soát được tình hình ở Hama nhờ vào quân tiếp viện và sự hỗ trợ của Nga và Iran.

Đồng thời, trong một chiến dịch tiềm năng, Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ chỉ giới hạn ở việc thông qua hỗ trợ cho lực lượng SNA để đạt được mục tiêu chiến lược ở Syria. Bởi lẽ, theo Sergei Balmasov, sự can thiệp trực tiếp có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, đặc biệt là dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-chien-syria-cac-luc-luong-tham-chien-ngay-cang-leo-thang-post324350.html