Nói gì với tân Bộ trưởng?

Việt Nam vừa có hai tân Bộ trưởng Y tế và Giao thông vận tải. Đây chính là hai chiếc ghế 'nóng' nhất, được dư luận và nhân dân quan tâm nhất thời gian qua.

Không phải ngẫu nhiên tại lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Đào Hồng Lan, và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng hôm qua 22/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định đây là “các trọng trách với nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh hiện nay”.

“Trong bối cảnh hiện nay”, một từ khóa không hề đơn giản, nếu nhìn sâu vào thực tế của y tế và giao thông hiện nay. Bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), người có bề dày lăn lộn với ngành Y dược, hôm qua đã thẳng thắn phát biểu trước Quốc hội “Nói thẳng để Bộ trưởng (Y tế) mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta...”.

Tồn tại nào, cơ chế gì? Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cũng tại cuộc thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội hôm qua, đã đưa ra một đơn cử “từ lúc có ý kiến nói lên việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đến nay đã hơn 8 tháng”, họp hành rất nhiều nhưng tới nay vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách. Từ đó, vị bác sĩ lãnh đạo cơ sở y tế hàng đầu Việt Nam đề nghị trong giai đoạn “vô cùng cấp bách” này, Thường vụ Quốc hội “cần có nghị quyết giải quyết tức thì những tình trạng của ngành Y tế trong thời gian chờ sửa đổi các luật khác”.

Để thấy, trọng trách của hai tân tư lệnh ngành lớn và nặng đến mức nào. Cùng với đó là kỳ vọng trĩu nặng của nhân dân. Không chỉ cái Tâm, mà còn thực sự cần có cái Tầm thật lớn, trách nhiệm, sáng suốt, quyết đoán, biết khởi động, huy động và đánh động bộ máy, dám nghĩ, dám làm, và cả sự dũng cảm, quyết liệt.

Điểm nghẽn với giao thông không chỉ là những “điểm đen”, là nạn tắc đường, kẹt xe, những trạm BOT,... Điểm nghẽn với Y tế không chỉ là những cục máu đông trong cơ thể bệnh nhân, hay hiện tượng thiếu vật tư thuốc men, y bác sĩ đồng loạt bỏ ra ngoài,... Điểm nghẽn quan trọng nhất chính là sự không theo kịp tiến trình gấp gáp của đời sống, của hệ thống thể chế, cơ chế chính sách. Đòi hỏi các tư lệnh ngành phải chẩn được gốc rễ vấn đề, phải tìm cách kích hoạt, tác động để thúc đẩy những cỗ máy luật định liên quan đến ngành mình chạy đều, chạy nhanh, chạy đúng hướng. Bằng tư duy mở để tham mưu, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cùng tháo gỡ ách tắc, bất cập trong các cơ chế chính sách hiện hành. Bằng việc ban hành những chỉ thị, quyết định sáng suốt, công tâm, đúng nơi đúng lúc đúng thời điểm,...

Áp lực và công việc trước mắt cần khẩn trương xắn tay giải quyết với mỗi tân Bộ trưởng là rất lớn. Nhưng vấn đề còn ở chỗ, đó là không thể một cá nhân nào dù xuất chúng đến đâu, cũng có thể một mình tự xử lý. Nhất là mọi lĩnh vực, vấn đề dù cụ thể, đơn lẻ đến đâu hiện cũng đều nằm trong một hệ thống. Mà “sức ỳ” của không ít bộ phận trong guồng máy lớn ấy, chúng ta đều đã thấy.

Hy vọng các tân tư lệnh ngành “vững tay chèo”. Nhưng vậy còn chưa đủ, còn cần không kém là sẽ “thuận buồm”.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-gi-voi-tan-bo-truong-post1480402.tpo