Nơi gìn giữ, khôi phục và phát huy nghề dệt thổ cẩm
Sau hơn 3 năm thành lập, Câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm Thanh Lâm đã phát huy tốt vai trò khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã Thanh Lâm (Như Xuân).
CLB thổ cẩm Thanh Lâm được thành lập năm 2018 với 28 thành viên là hội viên hội phụ nữ xã, chủ yếu là những phụ nữ làm nông nghiệp và hằng ngày vẫn duy trì nghề dệt để tạo ra những sản phẩm truyền thống đáp ứng nhu cầu của gia đình.
Họ tích cực tham gia CLB không chỉ vì mong muốn tăng thu nhập cho gia đình mà còn để giữ đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Không quản đường xa, hằng tuần các hội viên CLB lại tập trung tại trụ sở để hướng dẫn, truyền dạy cho nhau những cách dệt, sáng tạo nên những hoa văn đặc sắc trong sản phẩm của mình.
Sản phẩm thổ cẩm của CLB thổ cẩm Thanh Lâm chủ yếu là là khăn, váy, vỏ chăn, dây lưng, túi xách, ví cầm tay...
Các họa tiết được người phụ nữ dân tộc Thái xã Thanh Lâm đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày.
Một tấm thổ cẩm có giá trị, ngoài sợi chỉ mịn màng, hoa văn còn phải sắc nét, cân đối, hài hòa trên nền vải. Chỉ có những người gắn bó lâu năm với nghề, yêu nghề mới có thể dệt được tấm thổ cẩm có hoa văn mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh.
Ngày nay, những công đoạn như trồng dâu, nuôi tằm, xe sợi không được người phụ nữ địa phương thực hiện mà thay vào đó là sợi chỉ công nghiệp. Tuy nhiên, CLB thổ cẩm Thanh Lâm đang kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức hội, chính quyền địa phương để mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa trong nghề dệt và hình thành chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm thổ cẩm.
Bên cạnh đó, CLB đã tìm hướng liên kết với nhiều điểm du lịch trong, ngoài tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đồng thời từng bước đưa sản phẩm thổ cẩm Thanh Lâm “vươn” ra thị trường.