Nỗi khổ của người vợ mất chồng, mắc chứng trầm cảm
Sau khi chồng mất, người phụ nữ dần sống thu mình và nghĩ là gánh nặng của gia đình nên có ý định muốn tự tử để giải thoát.
Cách đây 6 tháng, chồng bà Nguyễn Thị Hà (66 tuổi) qua đời. Từ đó, bà trở nên mệt mỏi buồn chán, bi quan, hay suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung các công việc hằng ngày.
Bà Hà không còn hứng thú với thói quen sở thích trước kia, chỉ thích nằm một mình, không muốn giao du tiếp xúc với mọi người. Hầu như mỗi đêm bà đều trằn trọc khó ngủ, chỉ ngủ 2 tiếng/ngày, nhiều hôm thức trắng, sáng dậy sớm luôn trong tình trạng mệt mỏi.
Người phụ nữ than phiền với con bị đau đầu lan khắp 2 bên, tăng lên khi nghĩ ngợi nhiều, mất ngủ.
Bà Hà ăn kém ngon miệng, thường xuyên cảm giác đầy bụng khó tiêu, giảm 5kg trong 2 tháng. Con trai bà đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ.
Khoảng một tháng nay bà Hà thường xuyên khóc lóc, than phiền nhiều với các con, cho rằng mình có tội, đáng bị trừng phạt và là gánh nặng của cả gia đình. Người nhà giải thích, khuyên bảo nhưng bà không tin có ý định muốn tự sát để giải thoát.
Bà Hà được người nhà đưa vào khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, với chẩn đoán trầm cảm nặng.
BSCKII Nguyễn Thị Phương Loan, Phòng M8 - Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở người cao tuổi nhưng thường bị bỏ qua.
Trầm cảm ở người cao tuổi thường là đợt trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (trầm cảm khởi phát sớm). Bệnh lý này ở người cao tuổi còn là những khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn). Trong số người bệnh cao tuổi gặp trầm cảm, gần một nửa là trầm cảm khởi phát muộn.
Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng, nữ giới cao hơn nam giới.
Trầm cảm ở người cao tuổi là bệnh lý phổ biến, có những đặc điểm lâm sàng và cơ chế riêng biệt.
Nhiều triệu chứng khá giống với bệnh lý tuổi già khác nên dễ bị bỏ qua. Trầm cảm ở người cao tuổi có những triệu chứng như phàn nàn về sức khỏe, thay vì buồn rầu và vô cảm.
Một số triệu chứng đau, mệt mỏi, chóng mặt, nặng chân, khó thở, đau ngực cũng có thể xuất hiện.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể suy giảm trí nhớ, được gọi là tình trạng "giả mất trí", thường là hoang tưởng bị tội, luôn nói mình có lỗi, là gánh nặng.
Ý tưởng tự sát hoặc hành vi tự sát có thể gặp trong những trường hợp nặng, tỷ lệ cao hơn người bệnh trầm cảm ở người trẻ tuổi.
Các triệu chứng khác là thu rút khỏi xã hội, kém tuân thủ điều trị, kém chăm sóc bản thân, lạm dụng rượu và các chất an dịu, gây ngủ.
Vị chuyên gia chia sẻ, chăm sóc người bệnh trầm cảm cao tuổi cần lưu ý vì họ thường mắc các bệnh lý đi kèm, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Quá trình chăm sóc cần thực hiện những điều sau:
- Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi. Nếu có người thân mắc bệnh, người nhà nên ở bên thường xuyên, chăm sóc và động viên, không để họ có cảm giác bị bỏ rơi hay cô đơn.
- Người thân hoặc người chăm sóc cần thường xuyên trò chuyện, tâm sự với người bệnh để giải tỏa tâm lý, tránh tạo thêm áp lực cho người bệnh.
- Việc chăm sóc người bị trầm cảm có thể gây mệt mỏi, người nhà cần kiên trì và nhẹ nhàng. Gia đình cho người bệnh ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe.
- Cần chú ý cho người bệnh uống thuốc đúng liều và đề phòng tác dụng không mong muốn của thuốc.