Với nhiều nguyên nhân khác nhau như lực lượng lao động không ổn định, đánh bắt chủ yếu dựa theo kinh nghiệm... trình trạng thiếu hụt lao động nghề biển, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác thủy hải sản trên biển.
Hơn 2 tháng qua, tàu cá của anh Lê Văn Bắc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc chưa 1 lần vươn khơi khai thác do không tìm được đủ số lao động cần thiết cho mỗi chuyến đi.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tàu cá ở huyện Hậu Lộc. Theo thông tin từ địa phương này, hiện số lao động khai thác thủy sản xa bờ của huyện đang thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu.
Anh Lê Văn Bắc, Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng dầu tăng nên không đi khai thác được, chờ đợi lâu, bạn tàu bỏ đi làm việc khác, hoặc ra ngoài tỉnh làm. Thêm vào đó, khai thác không hiệu quả không đủ trả lương cho lao động, trong khi muốn tìm bạn tàu có kinh nghiệm thì phải trả lương cao. Tìm được bạn tàu đã khó, tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn vì nghề biển vất vả, thu nhập bấp bênh”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: UBND xã Ngư Lộc đang tiến hành rà soát để có phương án tổ chức lại nghề cá trên địa bàn, đồng thời vận động chủ phương tiện tiến hành tu sửa, nâng cấp tàu thuyền, vận động, kêu gọi lao động nghề biển của địa phương quay về đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển.
Tại thành phố Sầm Sơn, tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển cũng chiếm khoảng 10%, nhiều tàu cá liên tục phải nằm bờ trong thời gian dài, đời sống của ngư dân và các chủ tàu gặp nhiều khó khăn.
Tính đến tháng 7-2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn thành phố đạt trên 14 nghìn tấn, bằng 80,2% so với cùng kỳ.
Anh Lường Ngọc Sơn, Phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn cho biết: Thiếu lao động thì người làm việc trên thuyền sẽ phải làm việc vất vả hơn, hiệu quả công việc thấp hơn, sản lượng đánh bắt cũng đạt thấp.
Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Nghề đánh ở địa phương hiện nay chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, việc đánh bắt phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng của từng người, thêm vào đó, phương tiện, công nghệ khai thác và bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại, hiệu quả đạt thấp. Để khắc phục tình trạng thiếu lao động nghề biển, thành phố đang tăng cường vận động ngư dân vươn khơi bám biển, chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, các xã, phường rà soát nhu cầu lao động nghề cá có nhu cầu đào tạo nghề để phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng… Kêu gọi bà con Nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào khai thác và đánh bắt thủy hải sản để nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sản phẩm khai thác, giảm chi phí mỗi chuyến biển.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng cao, thì nghề khai thác thủy sản xa bờ có yếu tố rủi do cao, cường độ lao động nặng nhọc, nên không thu hút được lao động trẻ kế cận.
Đây cũng là thực trạng trung của các địa phương ven biển trong tỉnh nhiều năm qua. Về lâu dài, các địa phương cần đào tạo chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại… nhằm giảm bớt sức người để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghề biển như hiện nay.