Nỗi lòng lao động hồi hương
Trở về nước đón tết cùng gia đình, ngoài niềm vui sum họp, đoàn viên, lao động hồi hương cũng mang nhiều nỗi niềm, trăn trở cho tương lai của mình
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hiện Việt Nam có hơn 500.000 lao động đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, chế tạo, thiết kế nội thất, xây dựng, nông nghiệp, giúp việc gia đình... Lực lượng lao động này mỗi năm đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho gia đình người lao động.
Sẽ khởi nghiệp
Hàng năm số lao động hết hạn hợp đồng trở về nước khá lớn. Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, những người từng đi xuất khẩu lao động được xem là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao. Hơn nữa, với số tiền tích lũy được trong quá trình làm việc ở xứ người, nhiều người đã khởi nghiệp tự tạo việc làm cho mình và người thân.
Về nước từ giữa tháng 1-2022, sau khi hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, chị Đinh Thanh Thảo trở về quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh để đón tết cùng gia đình sau 3 năm sang Nhật Bản làm việc. Trở về quê sau 3 năm xa cách, chị Thảo đang được sống trong vòng tay yêu thương gia đình trong dịp đặc biệt nhất của năm - tết dân tộc.
"Tôi hết hạn hợp đồng thực tập sinh vào cuối tháng 1-2022 nhưng công ty nơi tôi thực tập cho tôi được về sớm nửa tháng để kịp đón tết cùng gia đình. Công ty nơi tôi thực tập chuyên về sản xuất thực phẩm chất lượng cao và ông chủ ở đây rất tốt bụng. Đặc biệt ông chủ ở đây rất tôn trọng nền tảng văn hóa của người lao động cho nên ông ấy muốn tôi về nước sớm hơn để đón tết cổ truyền vì ông ấy biết 3 năm nay tôi chưa một lần về nước" - chị Thảo nói.
Năm nay 28 tuổi, sau 3 năm nỗ lực ở Nhật Bản, chị Thảo đã học hỏi được rất nhiều về công việc của một người kiểm soát khu vực đóng gói sản phẩm. Công việc đỏi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu và kỷ luật cao đã tôi rèn cho chị Thảo nhiều kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tham khảo nhiều nơi tại Việt Nam, chị Thảo vẫn chưa tìm thấy được vị trí công việc phù hợp với mình.
"Khi chuẩn bị về nước, tôi đã tìm hiểu công việc ở Việt Nam để có thể đi làm ngay sau tết nguyên đán. Tuy nhiên, công việc thì có nhưng thu nhập thì không tương xứng nên tôi đang có dự định khác" - Thảo cho biết.
Không tiết lộ số tiền đã tích lũy được nhưng Thảo cho biết trong nhóm cùng làm và về nước cùng thời điểm có 3 bạn sống ở Đồng Tháp nên sau tết Thảo sẽ vào TP HCM để nghiên cứu thị trường. Thảo "bật mí" kế hoạch trong năm 2022 của mình và nhóm bạn là khởi nghiệp ở lĩnh vực thực phẩm sạch và họ quyết định chọn TP HCM để khởi sự cho dự án của mình.
Muốn quay lại Nhật Bản
Cũng như chị Thảo, anh Võ Văn Trường (25 tuổi, quê Quảng Bình) cũng kịp về nước trong những giáp tết. Bước vào ngôi nhà mới được xây từ khoản tiền anh Trường gửi về trước đó cho ba mẹ làm, anh cảm thấy hạnh phúc khi ước mơ xây cho ba mẹ ngôi nhà khang trang đã thành hiện thực.
"Năm nay ba mẹ và 2 em tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới sạch sẽ chứ không còn như trong ngôi nhà mái tôn nền đất ẩm thấp như trước đây. Như vậy mục tiêu lớn đầu tiên của tôi đã hoàn thành. Tôi còn trẻ và khỏe nên tôi dự định sẽ quay lại Nhật Bản thêm vài năm nữa để thực hiện mục tiêu thứ 2. Do tôi làm việc tốt nên công ty tôi vừa kết thúc hợp đồng đã liên hệ với nghiệp đoàn để tạo điều kiện cho tôi quay lại làm thêm 3 năm nữa" - Trường cho biết.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc công ty TNHH Esuhai cho biết mỗi năm riêng thị trường Nhật Bản, hàng ngàn lao động hết hạn hồi hương về nước và đa số họ phải "tự bơi" trong việc tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Vị chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động này cho rằng lao động về nước chính là nguồn nhân lực có chất lượng, nếu được quan tâm đúng mực, họ sẽ là nguồn lao động bổ sung và có tác động tích cực vào thị trường lao động.
"Lao động trở về đều mang theo 2 nguồn vốn rất quan trọng. Đầu tiên là vốn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và tác phong làm việc sau nhiều năm làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp. Vốn thứ 2 là tiền tích lũy được. Số tiền này nếu không được sử dụng hợp lý sẽ nhanh chóng mất đi, nếu được tư vấn, định hướng tốt, số vốn tài chính này sẽ sinh sôi, nảy nở. Vì thế, lao động trở về nước cần được xem là nguồn lực quan trọng của quốc gia" - ông Sơn nhắn gửi.
Theo ông Sơn, hiện nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang lớn mạnh qua từng năm. Số vốn tăng lên sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Vì thế lao động về nước sẽ có nhiều lợi thế khi đến các doanh nghiệp FDI làm việc.
Cần có giải pháp tận dụng nguồn lao động về nước
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, hiện nhiều tỉnh thành không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, cũng không có sự tư vấn, hỗ trợ để họ có thể tìm được việc làm ổn định. Nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đưa người đi xuất khẩu lao động chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng...
Bên cạnh đó việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hệ thống hỗ trợ việc làm. Thực tế đó cho thấy, khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, giải quyết việc làm sau hồi hương cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động là vấn đề rất cần quan tâm để giảm thiếu số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cũng như khai thác nguồn lao động có kỹ năng này.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/noi-long-lao-dong-hoi-huong-20220130093712245.htm