Nỗi niềm người giữ lửa nghề 'thổi hồn' cho than đá
Hơn 20 năm nay, xưởng sản xuất than đá mỹ nghệ của anh Nguyễn Tuấn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình vẫn ngày ngày vang lên âm thanh quen thuộc từ tiếng đục đẽo, mài dũa… Những hòn than vô tri qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở nên có hồn với giá trị thẩm mỹ cao.
Sản phẩm “độc nhất vô nhị” của vùng mỏ
Tính đến thời điểm hiện tại, nghề điêu khắc than đá mỹ nghệ đã có mặt ở mảnh đất Quảng Ninh hơn 70 năm. Có thể nói rằng, đây là một nghề vô cùng độc đáo, riêng có ở vùng mỏ Quảng Ninh và cho ra đời những sản phẩm “độc nhất vô nhị” mang đậm dấu ấn của mảnh đất này.
Được biết, thời kỳ hoàng kim, Hợp tác xã Mỹ nghệ Quảng Ninh được thành lập với hơn 240 người làm nghề điêu khắc than đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, sau khi Hợp tác xã bị giải thể, nghề này dần bị mai một. Từ 20 hộ gia đình làm nghề đến giờ chỉ còn gia đình anh Nguyễn Tuấn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình vẫn tiếp tục theo nghề.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Quyết tâm sự: “Điêu khắc than đá là nghề gia truyền của gia đình tôi, đến tôi là đời thứ ba theo được nghề. Biết trước đây là ngành nghề rất vất vả, thế nhưng không biết từ bao giờ tôi đã thật sự gắn bó và quyết tâm theo đuổi, gìn giữ nghề đến tận bây giờ”.
Trải qua 34 năm theo đuổi nghề chế tác than đá mỹ nghệ, anh Quyết cho rằng đây là nghề đặc biệt với những sản phẩm đặc biệt, có thể nói là “độc nhất vô nhị” trên cả thế giới. Tại Quảng Ninh, chỉ có 3 mỏ than là Cao Sơn, Đèo Nai và Cọc Sáu mới có loại than kíp lê phù hợp cho công việc điêu khắc than mỹ nghệ.
Có lẽ, chính vì sự đặc biệt đó mà để làm ra sản phẩm, mỗi người thợ sẽ cần dành ra rất nhiều thời gian, công sức và sự đánh đổi cả về sức khỏe. Quá trình chế tác than rất bụi bặm, thế nên gia đình anh Quyết phải đặt hàng chục chiếc quạt công suất lớn xung quanh xưởng để thổi bụi vào góc.
“Công đoạn quan trọng đầu tiên chính là lựa chọn than đá, than phải có chất lượng tốt, không có đường vân hay những mạch đứt gãy. Sau đó phải trực tiếp dùng cưa để xẻ than thành từng khối theo yêu cầu rồi mới đến công đoạn đục đẽo, đánh giấy ráp và mài bóng cho sản phẩm”, anh Quyết nói. Dụng cụ để chế tác than đá chỉ đơn giản là cái cưa, đục, dũa…,một số loại máy móc như máy mài, máy cưa đều phải chế lại theo yêu cầu.
Từ ngày lấy chồng, chị Nguyễn Thị Thanh Bình "bén duyên" với nghề điêu khắc than đá, đến nay đã ngót nghét được 25 năm. Từ người chưa từng tiếp xúc và am hiểu về than đá, hiện chị Bình đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực của anh Quyết. “Công việc chính của tôi chính là đánh bóng cho sản phẩm. Mỗi sản phẩm mất hàng tiếng đồng hồ để dùng giấy ráp đánh và mài bóng. Bản chất than đã có độ bóng tự nhiên, công đoạn đánh bóng sẽ giúp làm mịn, làm rõ đường nét và trả lại độ bóng vốn có cho từng sản phẩm”, chị Bình nói.
Từ hòn than sù sì, qua bàn tay tài hoa của những người thợ đã cho ra đời những sản phẩm tinh xảo, lung linh và bền đẹp với thời gian. Hiện nay, sản phẩm than đá ngày càng đa dạng về mẫu mã, kích thước có thể kể đến như Hòn Trống Mái, sư tử, lục bình, trống đồng… Đặc biệt, mỗi khách hàng cũng có thể đặt làm những mẫu theo yêu cầu, tạo nên những sản phẩm độc bản riêng biệt, thể hiện phong cách và nét thẩm mỹ cá nhân.
Nỗi lo thất truyền
Sản phẩm than đá mỹ nghệ không chỉ nổi tiếng trên khắp cả nước mà còn ghi dấu ấn đối với nhiều du khách quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Pháp… Tuy nhiên hiện nay nghề truyền thống với những sản phẩm “độc nhất vô nhị” của vùng than Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ mai một.
“Điều tôi lo sợ nhất chính là không có thế hệ kế thừa nghề. Làm than đá rất bụi bặm, vất vả, các công đoạn tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nên nhiều bạn trẻ cho rằng không phù hợp. Cũng đã từng có nhiều bạn trẻ đến nhà tôi học nhưng đều bỏ dở giữa chừng”, anh Quyết tâm sự. Hiện nay, xưởng của gia đình anh Quyết gồm 8 người, trong đó người con gái và con rể của anh Quyết cũng đang cố gắng theo học nghề.
Không chỉ “vướng” trong việc tìm nhân lực, nguồn cung nguyên liệu để chế tác cũng đặt ra cho những người làm nghề những bài toán khó. Chị Bình chia sẻ: “Hiện nay xưởng vẫn chưa thể tự chủ trong việc nhập than nên nhiều khi không dám nhận những đơn đặt hàng lớn. Chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ, có thêm chính sách để xưởng có thể mở rộng, thu hút học viên, có thêm điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh sản xuất”.
Trải qua những thăng trầm, sản phẩm điêu khắc than đá vẫn chứa đựng giá trị khác biệt, mang đậm những nét tinh hoa và bản sắc riêng biệt của than đá Quảng Ninh. Với tiềm năng và giá trị sẵn có của mình, điêu khắc than đá sẽ còn có cơ hội để “khẳng định” mình trong sự phát triển của nền du lịch địa phương, trở thành món quà kỷ niệm ấn tượng cho du khách khi đến với Quảng Ninh.