Nỗi sợ Covid-19 ở Hàn Quốc nguy hiểm hơn độc lực của virus
Nỗi sợ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) trong cộng đồng ở Hàn Quốc đang lây lan rộng và nhanh, nguy hiểm hơn cả chính virus này.
Xe chở bệnh nhân tới bệnh viện ở Thành phố Daegu vào ngày 23/2. (Nguồn: AP)
Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động cao sau khi số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận đã tăng vọt hơn 800 trường hợp vào đầu giờ chiều thứ Hai (24/2). Các nhà kinh tế của Tập đoàn Citigroup đã bắt đầu đưa ra nhiều cảnh báo về những khó khăn, thậm chí là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế này.
Nỗi sợ hãi của mọi người đối với Covid-19 đang lan rộng khắp cả nước, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với chính virus này, hai chuyên gia của Citigroup là Marie Marie Kim và Jeeho Yoon nhận định. Và họ vẫn hy vọng các ảnh hưởng về kinh tế đối với một trong những nền kinh tế hàng đầu của châu Á sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, cứ qua một đêm, số bệnh nhân nhiễm bệnh tại Hàn Quốc lại tăng hơn một trăm, ngày hôm sau nhiều hơn hôm trước. Số người tử vong do Covid-19 tại đây đã tăng lên 7 (tính tới ngày 24/2), là quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ hai ngoài Trung Quốc. Số trường hợp nhiễm bệnh đã tăng lên 833 vào đầu giờ chiều ngày 24/2, so với chỉ 31 trường hợp được báo cáo vào 5 ngày trước đó (18/2), theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc. Con số đáng sợ này đã đánh dấu một bước nhảy vọt về số ca nhiễm bệnh ở xứ Kim Chi - tăng gần 25 lần chỉ trong chưa đầy một tuần.
Người ta nói nhiều về các trường hợp lây nhiễm mới và siêu lây nhiễm được phát hiện ở thành phố Daegu và xung quanh khu vực Gyeongbuk.
Trong một báo cáo vào sáng 24/2, các nhà kinh tế của Citigroup đưa ra cảnh báo, tiêu dùng ở Hàn Quốc đang giảm rõ rệt khi người dân cố gắng tránh chỗ đông người, hạn chế ra đường nhằm giảm thiểu tiếp xúc, như được khuyến cáo để phòng chống sự lây lan của Covid-19. Nhiều cửa hàng và nhà máy tại đây đã ngừng hoạt động vì nhiều lý do, bao gồm sợ tiếp xúc với virus, thiếu nguồn cung đầu vào hoặc bị đóng cửa do từng tiếp người đã nhiễm bệnh.
Chủ Nhật (ngày 23/2), Chính phủ Hàn Quốc đã phải nâng cảnh báo về dịch Covid-19 lên mức cao nhất - màu đỏ và đẩy mạnh các biện pháp kiểm dịch nhằm làm chậm sự lây lan. Cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục nước này cũng đã quyết định hoãn khai giảng năm học mới, dự kiến bắt đầu vào tháng tới. Nhiều biện pháp tương tự và quyết liệt như vậy có khả năng sẽ còn tiếp tục được công bố trong những ngày tới, các chuyên gia cho biết.
Hai nhà kinh tế Kim và Yoon còn hy vọng Chính phủ Hàn Quốc sẽ quyết định một ngân sách bổ sung đủ lớn để có thể giảm thiểu thiệt hại kinh tế trước cuộc bầu cử vào tháng 4, bởi theo họ, đối với các khủng hoảng trước đây, Chính phủ nước này đã có nhiều quyết sách kịp thời, ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với thiên tai hoặc bùng phát bệnh dịch.
Trong phiên giao dịch hôm nay (24/2), nhiều cổ phiếu đã bán tháo, khiến chỉ số Kospi và Kosdaq đều giảm hơn 3%. Đồng Won giảm mạnh so với USD. Tỷ giá giữa USD và Won đã tăng 0,9% lên 1.217,74 từ mức gần 1.180 trong tuần trước. Giới đầu tư tại Hàn Quốc đang nín thở theo dõi từng động thái của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, dự kiến sẽ họp vào ngày 27/2 và công bố quyết định lãi suất vào ngày hôm sau.
Trong khi đó, cho đến nay, tác động về kinh tế do Covid-19 đã bắt đầu cho thấy những thiệt hại lớn tại nhiều quốc gia, ít nhất là châu Á. Các chuyên gia cảnh báo về các biện pháp kiểm dịch đã khiến phần lớn doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc phải nghỉ dài từ sau Tết Nguyên đán. Nếu như Covid-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch và công nghiệp ô tô của Nhật Bản do phụ thuộc nhiều vào thị trường và nguyên liệu Trung Quốc, thì Hàn Quốc cũng đang chịu những tác động tương tự.
Số liệu thống kê cho thấy, Covid-19 đã tấn công các hoạt động kinh tế của Hàn Quốc khiến xuất khẩu trung bình hằng ngày giảm khoảng 9,3% trong 20 ngày đầu tháng 2 so với cùng kỳ năm 2019.
Không chỉ giới hạn ở châu Á, dịch bệnh nguy hiểm hiện đã xuất hiện tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hãng chế tạo ô tô của Đức, Pháp và Mỹ đều buộc phải đóng cửa các nhà máy ở Vũ Hán. Giá dầu thô đang lao dốc do nhu cầu của Trung Quốc - công xưởng của thế giới giảm mạnh, từ đó tác động tiêu cực tới các nước sản xuất dầu thô.